Tuy nhiên, kết luận trên không thể hiện người nghèo kém thông minh hơn người giàu mà chỉ ra sự liên quan giữa tình hình tài chính và khả năng tư duy của não bộ. Theo đó, việc suy nghĩ quá nhiều về tình hình tài chính khiến người nghèo không thể tập trung vào những vấn đề khác, thậm chí có thể đưa ra những quyết định khiến tình hình tồi tệ thêm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: bubblews.com)
Cuộc trắc nghiệm được tiến hành tại một trung tâm mua sắm ở New Jersey (Mỹ) với khoảng 400 người tham gia. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một tình huống giả định người tham gia bị hỏng xe buộc phải tốn một số tiền để sửa theo mức giá nhất định. Sau đó những người tham gia phải hoàn thành một loạt bài tập tư duy đơn giản như sắp xếp các khối hình hoặc nhấp vào đúng mặt của một màn hình máy tính.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, kết quả hoàn thành bài tập kém nhất thuộc về những người có mức thu nhập thấp và được biết số tiền sửa xe cao hơn nhiều mức họ dự tính. Trong khi đó, kết quả ở những người có thu nhập thấp nhưng được biết số tiền sửa xe không cao và của những người có mức thu nhập cao lại tương đương. Như vậy, áp lực tài chính tạo ra những mối quan tâm nổi bật khiến bộ não bị lôi kéo vào giải quyết mối quan tâm đó và không thể tập trung vào những vấn đề khác.
Các nhà nghiên cứu Mỹ cũng tiến hành một cuộc trắc nghiệm khác đối với 464 nông dân trồng mía ở Ấn Độ vào hai thời điểm trước và sau vụ thu hoạch. Kết quả cho thấy, những người tham gia hoàn thành bài kiểm tra tốt hơn vào thời điểm sau vụ thu hoạch, khi họ có tiền bán nông sản.
Từ kết quả trên, các nhà nghiên cứu đưa ra lời khuyên rằng thay vì tập trung suy nghĩ về những khó khăn rất mông lung như thiếu tiền, người ta nên lựa chọn tập trung giải quyết những mối quan tâm lớn nhất.