“Người tiêu dùng chỉ còn mỗi một cách là phải có kinh nghiệm thực tế của mình. Thông qua các kênh truyền thông tìm hiểu cách nhận biết rau an toàn” - TS Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng chia sẻ.
Sản xuất rau an toàn được sử dụng thuốc trừ sâu
Thưa ông, ông có thể cho biết như thế nào được gọi là rau an toàn? Khi sản xuất rau an toàn, người dân có được sử dụng phân bón hóa học cũng như dùng thuốc trừ sâu không?
TS. Vương Ngọc Tuấn: “Chúng ta cần phải hiểu, rau an toàn là rau được sản xuất ở vùng rau, vùng đất được công nhận, chứng nhận là sản xuất rau an toàn. Rau đó phải được sản xuất theo một quy trình tạm gọi chung là quy trình an toàn. Ví dụ như quy trình trồng rau Viet Gap.
TS. Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng |
Khi sản xuất rau an toàn, người sản xuất có thể sử dụng phân bón hóa học, cũng như thuốc trừ sâu. Nhưng nó phải thực hiện theo một quy trình an toàn. Có nghĩa là khi phun thuốc hay bón phân, sau một thời gian đảm bảo mới được thu hoạch. Người ta không làm đúng quy trình đó, sau khi vừa phun thuốc xong nhanh chóng thu hái cung cấp cho người tiêu dùng thì đó là một điều cực kỳ nguy hiểm tới sự an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng khi tiêu thụ sản phẩm rau đó
Ông đánh giá như thế nào về những hình ảnh mà PV ghi lại được tại vùng sản xuất rau an toàn tại xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội, khi mà người dân vì lợi nhuận bất chấp sự an toàn sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, thu hoạch sau phun thuốc không đúng quy trình?
Để sản xuất rau an toàn, ngoài việc người nông dân cần phải tuân thủ theo một quy trình thì việc còn lại là cơ quan, chính quyền địa phương phải kiểm soát các quy trình đó.
Nếu anh vụ lợi, sẵn sàng dùng chất diệt trừ sâu bọ, thuốc trừ sâu không được phép, hoặc chất kích thích không được phép; Hoặc phun thuốc trừ sâu không đúng quy trình, không có sự chăm sóc tiếp theo; hoặc gia tăng tốc độ để bán được nhiều, tôi cho rằng đó là hành vi vì lợi nhuận phi đạo đức.
Bằng kinh nghiệm nghiên cứu về quy trình sản xuất rau an toàn lâu năm của mình, ông có thể lý giải tại sao người dân lại đẩy nhanh quy trình sản xuất rau an toàn, bất chấp tính mạng của người tiêu dùng?
Người nông dân có khi ban đầu họ làm theo đúng quy trình sản xuất rau an toàn, nhưng được một thời gian họ thấy rau bán chạy lại thiếu nguồn cung, sản xuất không kịp nên họ dùng đủ biện pháp phun thuốc kích thích để bán ra thị trường. Nhưng chính vì thế nên họ lại vi phạm vào quy trình sản xuất rau an toàn. Gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Chính quyền địa phương còn thiếu trách nhiệm
Theo ông, để xảy ra tình trạng như trên, các đoàn giám sát theo dõi quy trình sản xuất rau an toàn và chính quyền địa phương sở tại đã phát huy hết vai trò trách nhiệm?
“Nếu để hiện tượng đó xảy lâu và thường xuyên, thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý. Hiệu quả của người quản lý còn chưa thể hiện hết. Việc kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý không hiệu quả.
Chính quyền địa phương rất dễ dàng biết việc đó. Một phóng viên mới đến còn phát hiện ra, sao chính quyền địa phương hàng ngày ở đó lại không biết? Như vậy có thể nói, trách nhiệm của các cơ quan quản lý vẫn còn thiếu nên người nông dân muốn làm gì thì làm.
Vùng được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn sản phẩm được bán ra thị trường thường đắt hơn những nơi khác. Nhưng trong trường hợp này, chính vùng sản xuất rau an toàn lại cung cấp rau nhiễm độc cho người tiêu dùng. Người dân biết gặp ai để đòi bồi thường, thưa ông?
Người tiêu dùng sau khi mua hàng hóa, người ta không đến trực tiếp vùng rau đó, không tham gia trực tiếp vào giám sát việc trồng rau cho nên họ rất khó biết rau đó có được sản xuất theo đúng quy trình an toàn hay không.
Nhưng khi rau đó được đưa ra thị trường, rau đó lại được đóng vào cái mác sản xuất ở vùng rau an toàn a, b, c đưa vào các siêu thị, đưa vào các điểm bán rau an toàn thì người tiêu dùng phải trả một cái giá cao hơn ngoài thị trường. Trong trường hợp này người tiêu dùng bị thiệt thòi trước tiên.
Thứ nhất là thiệt thòi về mặt giá trị, thứ 2 là cái sự không an toàn của rau đó sẽ gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Nó có thể gây ra bệnh tật, tử vong khi sử dụng rau nhiễm độc đó.
Chỉ 15 phút sau khi phun, nếu khách có nhu cầu người dân cũng có thể hái bán |
Khi người tiêu dùng bị ngộ độc bởi nguồn rau, quả được sản xuất không an toàn, thì việc kiểm tra, xác định nguyên nhân do thực phẩm nào gây ra có đơn giản hay không, thưa ông?
Khi người tiêu sử dụng các loại thực phẩm đó xảy ra sự cố gì, để xác định nguyên nhân do rau đó gây ra hay không cũng là một quá trình hết sức khó khăn. Một loại rau được bán ở ngoài thị trường, tôi muốn xác nhận an toàn hay không, tôi phải lấy mẫu rồi đưa vào các phòng thí nghiệm hiện đại mới xác định được rau đó đạt hay không đạt chất lượng.
Người tiêu dùng phải biết cách tự bảo vệ chính mình
Rau ở chính ngay vùng được chứng nhận là sản xuất an toàn lại không an toàn, vậy theo ông người tiêu dùng biết tin vào ai?
Người tiêu dùng chỉ còn mỗi một cách là phải có kinh nghiệm thực tế của mình. Thông qua các kênh truyền thông tìm hiểu cách nhận biết rau an toàn. Trong quá trình tiêu dùng, cố gắng cần tìm hiểu rõ nguồn gốc rau, có nguồn gốc rau rồi nhưng vẫn phải đánh giá cụ thể rau đó như thế nào.
Chị Dung, người dân xã Song Phương hái bán đậu cho PV với giá 15 nghìn/1kg ngay sau khi phun thuốc 15 phút |
Những loại rau sản xuất hữu cơ thường rất cằn cỗi, không non không ngon như là rau được tẩm ướp phun thuốc chất kích thích. Rau rất chóng héo, để từ sáng đến trưa đã héo. Rau phun thuốc luôn luôn xanh đấy những lại không an toàn.
Xin cảm ơn ông!
Theo infonet.vn/