Người mắc bệnh sốt xuất huyết sau 2-3 ngày bắt đầu nổi phát ban. Ảnh: Dương Ngọc.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, chỉ riêng trong tuần trước, thành phố đã ghi nhận thêm 7 ổ dịch mới, nâng số ổ dịch sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên thành 48, tăng so với cùng kỳ năm 2012, Trong đó tập trung tại 13 quận, huyện như: Đống Đa (15 ổ dịch), Hoàng Mai, Hà Đông, Hai Bà Trưng…
Ngoài ra, mô hình virus Dengue (gồm các tuýp D1, D2, D3, D4) gây bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội cũng thay đổi so với các năm trước. Trong 86 ca lấy mẫu xét nghiệm PCR thì có 12 ca dương tính với D3, trong khi các năm trước, virus Dengue phân bố tại thành phố chủ yếu là D1 và D2.
Trên cả nước, theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là hơn 30.000 ca, giảm 28%. Trong đó, đáng chú ý số mắc tại miền Nam giảm, nhưng miền Trung và Tây Nguyên lại tăng mạnh.
Hiện nay sốt xuất rải rác hầu như quanh năm và có xu hướng tăng mạnh vào các tháng hè. Dấu hiệu lâm sàng của bệnh không rõ ràng, giống như sốt thông thường vì thế bệnh khó chẩn đoán ở giai đoạn đầu. Người bệnh thường có biểu hiện: sốt cao đột ngột, 39-40 độ C, kèm các triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, đau người, đau cơ, thường sau 2 – 3 ngày da mới xung huyết hoặc có phát ban. Để phòng bệnh, quan trọng nhất là ngủ màn, vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, diệt muỗi, bọ gậy.
Theo vnexpress