Izumo - Tàu chiến lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai của Nhật Bản
Điều đáng nói, tàu khu trục mới hoạt động như tàu sân bay của Nhật Bản được khánh thành đúng thời điểm giới chức Trung Quốc tuyên bố quốc gia này “không vội” ký kết Bộ qui tắc ứng xử trên biển (COC) nhằm hướng dẫn cách hành xử của lực lượng quân sự trên vùng biển đang xảy ra tranh chấp – Biển Đông.
Theo phóng viên Eric Talmadge của hãng tin ABC, một số chuyên gia nhận định trong tương lai, tàu chiến mới của Nhật Bản sẽ được sử dụng để thực hiện các vụ phóng chiến đấu cơ với khả năng cất cánh thẳng đứng.
Hiện nay, Nhật Bản được đánh giá là một trong những quốc gia sở hữu lực lượng hải quân được đào tạo bài bản và trang bị vũ khí tối tân nhất tại Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do những hạn chế trong hiến pháp chỉ cho phép lực lượng quân sự duy trì khả năng phòng thủ, Tokyo sẽ không sản xuất các loại tàu sân bay cho mình.
Trong đó, những “hạn chế trong hiến pháp” được quy định trong Hiến pháp Nhật Bản sau Thế chiến II đã đưa ra lệnh cấm sản xuất các thiết bị quân sự “tấn công”. Song hiện nay, Nhật Bản dường như đã thay đổi quan điểm và đang tập trung đầu tư cho Lực lượng Phòng vệ.
Ngoài ra, hiện nay, Bắc Kinh liên tiếp tăng cường hoạt động của các tàu tuần tra trên Biển Đông cùng mối đe dọa khó lường từ Triều Tiên, đã khiến Nhật Bản không khỏi cảnh giác. Đây chính là lý do Nhật Bản mạnh tay chi tiêu quân sự. Song không ít nguồn tin lo ngại Mỹ cũng đang muốn “chia phần” trên các quần đảo xảy ra tranh chấp.
Trong Sách Trắng Quốc phòng được công bố hồi tháng Bảy, Nhật Bản đã nhấn mạnh tới sự bành trướng của Trung Quốc như sau: “Trung Quốc đang cố gắng thay đổi tình hình thông qua việc dùng quân sự để khẳng định chủ quyền – việc làm trái với quy định trong luật pháp quốc tế hiện hành”.
Theo tờ Wall Street Journal, việc Nhật Bản lần đầu tiên tăng chi tiêu quốc phòng sau 11 năm giữ nguyên xuất phát từ 2 mục tiêu “phát triển khả năng tấn công phủ đầu nhằm vào các căn cứ đối phương ở nước ngoài và xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh tương đương với Thủy quân lục chiến Mỹ”.
Tuy nhiên, việc triển khai các cuộc tấn công phủ đầu nhằm giải quyết tranh chấp với quốc tế lại vi phạm Khoản 9 trong Hiến pháp Nhật Bản, quy định cấm tiến hành “chiến tranh” hoặc “đe dọa bằng vũ lực”.
Tờ Hankyoreh của Hàn Quốc lo ngại đảng bảo thủ do Thủ tướng Shinzo Abe lãnh đạo đang “đẩy mạnh nỗ lực đưa Nhật Bản thoát khỏi hệ thống hòa bình hậu chiến tranh”.
Hiện nay, Biển Đông – một trong những đường biển quan trọng nhất trên thế giới, đang chứng kiến việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ những vùng biển tuyên bố chủ quyền vốn giàu nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, làm dấy lên mối lo ngại về khả năng xảy ra đụng độ quân sự.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù, tàu khu trục mới của Nhật Bản không lắp đặt các máy phóng máy cánh cứng song lực lượng trực thăng trên tàu sẽ giúp Tokyo kiểm soát và tuần tra các khu vực tuyên bố chủ quyền.