Hôm nay (6/8), Philippines chính thức tiếp nhận con tàu cũ của Lực lượng canh gác bờ biển Mỹ, góp phần thực hiện kế hoạch nâng cấp quân sự của nước này.
Theo hãng tin Reuters, kinh tế Philippines ngày càng mạnh sẽ giúp nước này chi tiền cho mục tiêu đối phó với lối hành xử ngày càng quả quyết của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cận cảnh tàu tuần duyên lớp Hamilton cũ của Mỹ vừa cập cảng Subic của Philippines.
Tổng thống Benigno Aquino và các bộ trưởng Philippines cùng đứng thị sát con tàu chiến, với tên gọi mới BRP Ramon Alcaraz, tiến vào vịnh Subay, nơi từng là căn cứ hải quân của Mỹ, 2 tháng kể từ ngày khởi hành từ Nam California, Mỹ. 88 thủy thủ Philippines cũng đã được huấn luyện tại Nam California trong vòng 1 năm để vận hành con tàu này.
Con tàu tuần duyên lớp Hamilton 46 tuổi này là con tàu thứ hai Philippines nhận từ Mỹ và sẽ được dùng để tuần tra các vùng biển thuộc Biển Đông sát đất liền Philippines, khu vực là tâm điểm trong tranh chấp chủ quyền giữa Manila và Bắc Kinh.
“Rõ ràng chúng ta có được sự tăng trưởng thực sự chỉ khi nào quốc gia chúng ta có sự ổn định và hòa bình đúng nghĩa”, ông Aquino phát biểu và cho rằng Philippines cần phải “xóa bỏ hình ảnh” về một lực lượng quân đội yếu kém.
Ông Aquino tỏ ra quyết tâm hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân Philippines sau khi 3 chính phủ trước không thể nào thực hiện được kế hoạch chi 7,6 tỷ USD cho quân sự được thông qua năm 1995. Kinh tế yếu kém và bất ổn chính trị do lực lượng phiến quân Hồi giáo đã khiến Philippines thiếu nguồn lực tài chính và trở thành một trong những lực lượng quân đội yếu kém nhất Đông Nam Á.
Khi ông Aquino nhậm chức vào năm 2010, kế hoạch năm 1995 mới được thực hiện 10%. Ông đã được quốc hội phê chuẩn mở rộng thời hạn thực hiện kế hoạch này và chi 1,7 tỷ USD trong 5 năm nữa để nâng cấp quân đội. Philippines có thể thực hiện được kế hoạch này là do nền kinh tế nước này tăng trưởng với tốc độ cao tới 7,8% trong quí đầu năm nay, tốc độ cao nhất châu Á.
Hải quân Philippines nhận con tàu tuần duyên thứ hai từ Mỹ mà không phải trả tiền theo chương trình hỗ trợ quân đội nước ngoài của Washington, tuy nhiên phải chi 15 triệu USD để nâng cấp vũ khí và các hệ thống ra đa trên con tàu này.
Tướng Emmanuel Bautista, lãnh đạo các lực lượng vũ trang Philippines gồm 130.000 người, cho biết con tàu này sẽ “đóng góp đáng kể” cho nỗ lực bảo vệ lãnh hải nước này khỏi các hành động xâm nhập của nước ngoài.
Tướng Bautisca cho hay quân đội Philippines cũng dự định sẽ mua các hệ thống ra đa, máy bay do thám, máy bay chiến đấu và trực thăng theo kế hoạch 1,7 tỷ USD.
Manila cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán để nhận hàng chục chiến đấu cơ mới và 2 tàu chiến từ Hàn Quốc. Philippines cũng đặt mua 10 tàu canh gác bờ biển của Nhật Bản và 3 tàu nữa từ Pháp.
Theo ước tính của quân đội Philippines, chính phủ nước này cần tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng từ mức 1,2% GDP như hiện nay để đạt năng lực phát hiện, giám sát và ngăn chặn những hành động xâm nhập vào lãnh hải nước này.
Theo ông Bautisca, cho tới lúc đó, biện pháp “khả thi” và “thực dụng” là cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại Philippines. “Đó là biện pháp phòng ngừa các mối đe dọa từ bên ngoài. Đó là xu thế của thời đại. Chẳng ai có thể tồn tại đơn lẻ cả”, ông nói.
Tuần trước, Philippines cho biết Washington đã tăng viện trợ quân sự cho Philippines trong năm tài khóa tới từ 30 triệu USD lên tới 50 triệu USD. Đây sẽ là mức viện trợ cao nhất kể từ khi quân đội Mỹ quay trở lại Philippines năm 2000.
Hồi tháng Sáu, các quan chức hải quân Philippines cho hay quân đội nước này cũng đã nhận được kế hoạch xây dựng các căn cứ không quân và hải quân mới ở vịnh Subic để các lực lượng Mỹ sử dụng.
Theo infonet.vn