Di sản văn hóa Ai Cập đang bị đe dọa khi những kẻ trộm mộ được trang bị vũ khí, lợi dụng tình trạng hỗn loạn chính trị để đánh cắp cổ vật tại các kim tự tháp, bảo tàng và địa điểm khảo cổ.
Tổ chức quy mô, dùng cả máy xúc
Cách quần thể kim tự tháp ở Dahshur chỉ vài trăm mét, mặt đất chi chít những chiếc hố lớn, nhỏ do bọn trộm mộ đào xới. Một vài hố trong số đó có độ sâu lên tới 7m với hệ thống đường hầm chằng chịt, bởi ẩn dưới lòng đất ở Dahshur là rất nhiều những ngôi mộ cổ Ai Cập, bên trong có thể chứa kho báu từ thời pharaohs. Các nhà khảo cổ đã vẽ bản đồ một phần khu mộ cổ này nhưng họ chưa bao giờ khai quật.
Tình trạng đào trộm mộ và đánh cắp cổ vật tại Ai Cập đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng hơn 2 năm trở lại đây, số lượng các vụ trộm không ngừng tăng lên. Hồi tháng 1-2011, khi nổ ra cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Hosni Mubarack, Bảo tàng Ai Cập nổi tiếng thế giới ở Thủ đô Cairo đã bị những kẻ nổi loạn đập phá và lấy đi những di tích cổ có giá trị. Hai năm rưỡi sau, cảnh sát nước này lại một lần nữa đối mặt với các cuộc biểu tình đường phố. Để đối phó với nạn cướp bóc và trộm cổ vật, quân đội Ai Cập mới đây đã điều động 2 xe bọc thép tới bảo vệ các kim tự tháp ở Dahshur, nhưng bọn trộm vẫn hoành hành. “Nhân viên bảo vệ chỉ được trang bị súng ngắn còn bọn trộm có cả vũ khí tự động. Nếu đuổi bắt, chúng sẽ quay lại nổ súng về phía chúng tôi”, một nhân viên bảo vệ giấu tên ở Dahshur nói.
Cảnh đào trộm mộ không phải là hiếm tại Ai Cập
Không chỉ vậy, những tên tội phạm được trang bị súng thậm chí còn tấn công vào các nhà kho tại các địa điểm khảo cổ ở Saqqara, Abusir và dọn sạch những món đồ cổ. Do những hiện vật này mới được khai quật và chưa đăng ký nên không biết có bao nhiêu đồ cổ đã bị chúng cướp mất trong các cuộc tấn công. Táo tợn hơn, theo các chuyên gia, các băng đảng có tổ chức còn tiến hành khai quật trái phép tại các trung tâm du lịch ở Aswan và Luxor. Thay vì dùng xẻng để đào bới, chúng mang theo cả những chiếc máy xúc cỡ nhỏ.
Nạn đào bới trộm các lăng mộ còn xảy ra tại Luxor, miền Nam Ai Cập, nơi tập trung rất nhiều những đền đài và gần thung lũng của các vị vua. Tại đây, việc đào trộm thường được bắt đầu trong khu nhà gần với địa điểm khảo cổ nên rất khó phát hiện. Lực lượng an ninh đã quay được những cấu trúc bên trong mạng lưới đường hầm chằng chịt bị phát hiện. Theo người dân gần các kim tự tháp ở Giza, các đường hầm mới vẫn liên tục xuất hiện, thỉnh thoảng họ nhìn thấy các xe tải đỗ gần cửa vào đường hầm trên sa mạc.
Lợi nhuận kếch xù
Trong vụ bạo lực đẫm máu mới đây, bọn cướp đã lấy đi một bức tượng quý có niên đại 3.500 năm, đồ trang sức cổ và hơn 1.000 hiện vật khác tại bảo tàng Malawi ở thành phố Minya bên bờ sông Nile, miền Nam Ai Cập. Đây là vụ đánh cắp cổ vật lớn nhất tại một bảo tàng Ai Cập. Khi vụ trộm xảy ra, không hề có mặt nhân viên cảnh sát hay binh sĩ. Nhóm trộm tuổi vị thành niên đã đốt cháy các xác ướp và đập phá những kiến trúc bằng đá vôi do quá nặng chúng không thể mang đi. Trong số những cổ vật bị đánh cắp có bức tượng con gái của Akhenaten, vị Pharaoh nổi tiếng của
Ai Cập cổ đại, các đồng tiền vàng và đồng, đồ gốm cùng với những tác phẩm điêu khắc bằng đồng của các động vật dùng để tế Thoth, vị thần mặt trăng.
Theo ông Osama Mustafa Elnahas, lãnh đạo đơn vị chuyên khôi phục các hiện vật bị đánh cắp, do việc buôn bán cổ vật mang lại cho bọn tội phạm khoản lợi nhuận kếch xù, cho nên, kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy năm 2011, nạn khai thác trộm cổ vật gia tăng và hầu như ngày nào cũng xảy ra. Sau khi bị đánh cắp, các cổ vật sẽ được đưa ra nước ngoài để tiêu thụ trên thị trường “chợ đen” hoặc được các nhà sưu tập mua lại tại các buổi đấu giá quốc tế. “Nếu muốn thu hồi hiện vật, chúng tôi phải chứng minh rằng nó đã bị đánh cắp tại Ai Cập”, ông Elnahas nói, và cho biết thêm, làm được việc này không phải dễ. Việc thu hồi chỉ khi hiện vật đã được đăng ký, còn nếu chưa được đăng ký chúng sẽ mãi mãi không thể lấy lại được.
Hệ thống an ninh yếu kém
Mặc dù chính quyền Ai Cập đảm bảo rằng cảnh sát vũ trang vẫn đang giám sát các địa điểm khảo cổ và ngăn chặn nạn đào trộm mộ nhưng các vụ tấn công vào bảo tàng Malawi và các địa điểm khảo cổ khác đã làm dấy lên những quan ngại về vấn đề an ninh. Theo Giáo sư Mokhtar Al-Kasabani thuộc trường Đại học Cairo, tình hình an ninh hiện nay còn tồi tệ hơn nhiều thời điểm diễn ra cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Hosni Mubarack năm 2011.
Các chuyên gia khảo cổ cho rằng , sở dĩ các vụ trộm cổ vật thường xuyên diễn ra là do hệ thống an ninh yếu kém tại các bảo tàng và địa điểm khảo cổ. Đâu đó trên đất nước Ai Cập, một số kẻ hành xử cứ như thể nhà nước và luật pháp không hề tồn tại. Bởi vậy, họ kêu gọi chính quyền tăng cường các hệ thống giám sát an ninh điện tử, đồng thời triển khai hơn chục nhân viên bảo vệ bảo tàng chứ không chỉ vài ba người như hiện nay. Họ cũng kêu gọi chính phủ lâm thời Ai Cập quan tâm nhiều hơn tới di sản văn hóa bởi nó là một phần của lịch sử dân tộc và là một trong những nguồn thu của đất nước.
Theo An ninh Thủ Đô
2013-08-31 05:22:04
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/trom-co-vat-hoanh-hanh-tai-ai-cap-a100078.html