Lời em hứa với thầy! Em đã thực hiện đây ạ!
Năm ấy, chúng tôi – tụi học sinh lớp 12 với tâm trạng rối bời trước kì thi đại học đã được nghe thầy đọc tặng bài thơ này : bài thơ có tựa đề “Nói với em”! Tuy ko trượt đại học, và cũng không phải thi đại học nhưng bài thơ này thực sự chạm trái tim tôi bởi nhiều ý nghĩa riêng của nó! Nhất là với những ai từng học Chuyên Yên Bái ngày xưa thì sẽ hiểu họcsinh Chuyên mà trượt Đại học thì “kinh khủng” thế nào!!
Trường Chuyên Yên Bái những năm xưa cũ là những năm đáng nhớ, đáng tự hào hơn cả , ngôi trường bé tẹo teo nằm lọt thỏm giữa Trường Dân tộc nội trú và trường cáp 3 Nguyễn Huệ. Vậy nên Nếu không để ý, khó mà nhìn ra đó là Chuyên Yên Bái! Thế nhưng , để bước chân được vào ngôi trường này là cả một vấn đề, với nhiều người hồi đó thì cảm giác thi vào chuyên còn khó hơn cả thi đại học. Các khóa anh chị trước tôi, trung bình một khóa chỉ chọn lấy 75 học sinh/3 lớp, vậy mỗi lớp chỉ có khoảng 25 học sinh. Cả tỉnh chọn ra 75 con người vào ngôi trường đó, hẳn 75 người ấy cũng phải thế nào rồi!! Các bạn trường khác học nửa buổi, còn dân chuyên phải học cả ngày. Hồi đó, không khó để nhận ra đâu là tụi học sinh trường Chuyên trên đường. Bởi Học sinh trường khác thì cặp có thể để ở rỏ xe, còn học sinh Chuyên thì cặp kiểu gì cũng chằng sau xe, vì quá nhiều sách nên rất nặng, nếu để rỏ xe thì không đi nổi. Tỉ lệ đỗ Đại học của sinh viên trường Chuyên Yên Bái những năm xưa cũ thường là 100%, bởi vậy nếu chỉ cần 1 học sinh Chuyên trượt Đại học thì đó sẽ là một điều tệ hại nhất có thể xảy ra, và danh tiếng của bạn sẽ được nhiều người biết đến để có dịp bàn tán. Và câu hỏi người ta sẽ luôn đặt ra là Tại sao học sinh trường Chuyên là lại trượt đại học được?…………………………..
Uh thì thế mới có chuyện để bàn!………………………………………………
Mời bạn đọc bài thơ “Nói với em”
“Em trượt rồi thầy ơi!Tiếng em nghẹn trong tiếng nấc.Cánh phượng đỏ tái tê,Con ve sầu thôi hát.Mẹ bưng mâm cơm còn nguyên xuống bếp,Bố lặng lẽ ngồi hút thuốc,Thằng em len lén học bài.Em trượt rồi thầy ơi!Tiếng em khóc trong xót xa buồn tủi, Nỗi đau không thể nói,Nỗi buồn không thể sẻ chia.Khóc đi em.Khóc cho vơi đi nỗi khổ.Trong tiếng khóc của em,Thầy như thấy lỗi của mình trong đó.Đừng khóc em ơi!Giá sách vẫn còn nguyên chỗ cũ,Cha mẹ vẫn còn hi vọng niềm tin,Thầy vẫn còn ở bên em.Nguyễn Văn TiếnHè 1999.”
Lỗi hẹn với thầy từ hôm nọ, hôm nay tôi mới có cảm hứng viết tiếp những dòng cảm xúc về bài thơ này. Tôi hoàn toàn không có ý định phân tích về mặt ngôn ngữ, biện pháp nghệ thuật hay các yếu tố khác ngoài cảm xúc mà tôi có được từ bài thơ Bởi vì bài thơ vốn dĩ chạm trái tim tôi và nhiều người theo cách của nó – một cách thức đơn giản mà muôn đời có tác dụng của thơ đó là khi mà người viết với cảm xúc thật của mình trải lòng trên câu chữ một cách tự nhiên, nó chạm cảm xúc của những người đồng cảm cũng theo cái cách tự nhiên đó. Người bạn cùng bàn nói với tôi, cô ấy cũng khóc như tôi khi đọc lại bài thơ này, vì cô ấy cũng trượt đại học ở Hà Nội, biết cảm xúc của một thí sinh trượt đại học là như thế nào, và bố mẹ cảm thấy ra sao! Và khi tâm trạng đã rơi xuống mức đáy của nỗi buồn, thì dĩ nhiên cảnh vật cũng không thể tươi vui :
“Em trượt rồi thầy ơi!Tiếng em nghẹn trong tiếng nấc.Cánh phượng đỏ tái tê,Con ve sầu thôi hát.”
Đọc đi đọc lại, tôi vẫn thấy tê tái lạ kì, cái tê tái này tôi không được trải nghiệm trên thực tế vì tôi không trượt đại học, đây là cái tê tái được gây ra bởi chính cách thầy tôi viết lên. Câu thơ mở đầu giống như một tiếng thốt nhẹ ám ảnh, khẽ khàng mà đầy đau đớn, một tiếng thảng thốt đáng thương! Một tiếng thốt lẫn trong nước mắt, và những cái nấc nghẹn ngào! Bởi vậy nên xung quanh “em”, chẳng có gì vui nữa, cánh phượng học trò vốn đỏ tươi lại mang màu tái tê – giống cái cảm giác của tôi lúc này! Ve sầu không còn buồn ca hát , để sự tĩnh lặng ấy càng làm trầm hơn không khí vốn đã tĩnh lặng một cách đáng sợ!
“Mẹ bưng mâm cơm còn nguyên xuống bếp,Bố lặng lẽ ngồi hút thuốc,Thằng em len lén học bài.”
Sự tĩnh lặng của một bữa cơm gia đình không ai buồn nhấc đũa!Sự im lặng của mẹ khi bưng mâm cơm xuống bếp!Sự im lặng của cha trầm ngâm hút thuốc suy tư!Và cả sự im lặng một cách dè dặt của thằng em, Sao mà buồn đến thế!!Nhưng nỗi buồn của những người xung quanh, sự im lặng của những người xung quanh, có lẽ chỉ bằng một phần so với nỗi buồn của nhân vật chính, của một sĩ tử đi thi trượt đại học, nỗi buồn của một kẻ thất trận, kẻ thất bại, kẻ mang đầy tội lỗi, nỗi buồn của một kẻ đang tạo ra cái không khí buồn kia (ít nhất là trong suy nghĩ của nó – nó nghĩ vậy)
“Em trượt rồi thầy ơi!Tiếng em khóc trong xót xa buồn tủi, Nỗi đau không thể nói,Nỗi buồn không thể sẻ chia.”
Một lần nữa , tiếng thốt ấy khiến tôi đau nhói. Tôi Cảm giác mình có thể cảm được mà không thể chạm tới nỗi đau ấy, nỗi tủi ấy của nhân vật “em”. Bởi vì chính “em” cũng không sao nói hết được nỗi đau , nỗi tủi của mình, và cũng chẳng dễ gì để sẻ chia với những người xung quanh. Nhưng chính Lúc này đây, tôi lại nghe tiếng nói của thầy tôi – người viết bài thơ này,Tiếng nói ấy phá vỡ không gian tĩnh lặng của 2 khổ thơ trên,
“Khóc đi em.Khóc cho vơi đi nỗi khổ.”
Luôn là thế , khóc sẽ giúp cho nhiều nỗi buồn nguôi ngoai, vì nhiều khi nếu ta không thể nói, thì khóc cũng là một cách để giải tỏa, những gì đã xảy ra, cũng đã xảy ra, chẳng thể nào khác được, vậy thì cứ khóc đi, để vơi cái sự tủi hờn ấy trong “em”, Thầy nói. Trường chuyên Yên Bái của tôi ngày ấy rất nhỏ nên hầu như ai cũng biết nhau, và các thầy cô đều yêu mến quan tâm tới tất cả học sinh của mình như con. Bởi vậy nên giờ đây ngồi đọc những dòng thơ thầy đã đọc cho chúng tôi nghe năm ấy, tôi lại càng thấm thía hơn, tâm sự của những người thầy, người cô với học trò thân yêu, những đứa học trò ngốc nghếch, ngây dại, và khờ khạo. Học trò chúng tôi đôi khi vô tâm với cảm xúc của thầy cô và không biết rằng, thầy cô cũng sẽ chẳng thể nào vui nếu như học trò của mình không cập được bến bờ ước mơ. Và thầy tôi sẽ cảm thấy mình có lỗi vì tiếng khóc tủi hổ ấy của học sinh mình, và vì sự chưa may mắn của “em”.
“Trong tiếng khóc của em,Thầy như thấy lỗi của mình trong đó.”
Trong lời thơ ấy, tôi không nghe thầy trách móc, tôi không nghe thầy tỏ sự thất vọng, tôi chỉ thấy những điều cảm thông và tràn đầy thương mến. Và có lẽ thầy – một nhân vật lẽ ra được đặt ngoài khung cảnh chính của bài thơ lại trở thành nhân vật làm cho bài thơ trở nên “đáng giá” hơn về giá trị tinh thần. Bởi vì nếu chỉ đơn thuần là miêu tả cái không khí buồn thảm của 1 sĩ tử, hay một gia đình sĩ tử có con trượt đại học và chỉ đơn giản như thế. Bài thơ sẽ mất đi nhiều phần ý nghĩa lớn lao hơn thế. Bởi vì sau tất cả những nỗi buồn, sự thất bại ấy, thầy tôi với tình yêu bao la của một người thầy, vẫn chọn cách nhìn học trò mình với niềm tin và hi vọng:
“Đừng khóc em ơi!Giá sách vẫn còn nguyên chỗ cũ,Cha mẹ vẫn còn hi vọng niềm tin,Thầy vẫn còn ở bên em.”
Trước thất bại, niềm tin luôn là phao cứu sinh cho bất kì ai, và lúc này thầy tôi đã đưa tới một chiếc phao cứu sinh đến cho học trò của mình trong lúc mọi thứ trong mắt những nhân vật kia tưởng như là đã hết, đã mất. Thầy đã bảo em khóc cho nguôi nỗi buồn, rồi lại dặn em đừng khóc vì niềm tin và hi vọng của bố mẹ vẫn còn nơi em, cho em. Và quan trọng nữa là thầy đã nói với “em” răng “thầy vẫn còn ở bên em”. Đối với tôi, đó không phải là một câu nói thông thường, đó là một lời hứa của một người thầy đầy tâm huyết giúp đỡ học trò của mình. Và tôi tin, với bất kì sĩ tử nào, khi được trao tặng niềm tin như thế, sẽ có động lực lớn để đứng lên, để làm lại, và sẽ làm tốt hơn.
Kì thi đại học chỉ là một trong số rất rất nhiều những trải nghiệm mà chúng ta đối diện trong đời, và nếu có sự thất bại trong kì thi ấy, điều đó không phản ánh bạn ngu dốt hay thất bại! Tôi nghĩ, không có sự thất bại nào khiến bạn trở thành kẻ Ngu dốt cả, Thất bại chỉ dạy bạn Sáng suốt hơn thôi. Bởi vậy mà niềm tin là điều mà bất kì ai cũng cần có, và cần giữ trong mọi hoàn cảnh. Tôi viết đều này, như là lời kết lan man cho một bài chia sẻ của tôi về bài thơ thầy đã gửi tặng tôi. Tôi luôn muốn cảm ơn thầy về bài thơ này, vì nó dạy tôi nhiều hơn về tình yêu của thầy, và về niềm tin thầy dành cho chúng tôi. Bởi vì chúng tôi, những đứa học trò như tôi nói là rất ngây dại, cần nhiều lắm niềm tin cho chính mình, và niềm tin sẽ trở thành sức mạnh khi nó xuất phát từ chính chúng tôi, và từ những người yêu thương chúng tôi dành cho chúng tôi!
2013-08-05 10:26:04
Nguồn: http://trinhhathu229.wordpress.com/2013/02/27/truot-dai-hoc-viet-khi-toi-tam-trang/