Trong khi nhiều tín đồ tin rằng, tượng thần “uống sữa” là phép màu hoàn toàn có thật, thì giới khoa học cho rằng đây là hiện tượng tự nhiên.
Một thời gian khá dài, các Đài truyền hình như CNN và BBC, Đài phát thanh và báo chí như The Washington Post, The New York Times, The Guardian, Daily Express sốt sắng đưa các thông tin về hiện tượng những pho tượng thần Hindu biết “uống sữa” xảy ra đồng thời trên quy mô toàn cầu. Thậm chí, giới truyền thông còn tự thân kiểm chứng bằng cách ghé một muỗng sữa đầy vào miệng các tượng thần và trong giây lát sữa đã cạn sạch.
Một người đàn ông ở New Delhi, Ấn Độ nằm mơ thấy thần Ganesha (vị thần của sự thành công) rất khát sữa. Tỉnh dậy, ông này thành tâm mang ít sữa đến lễ tại ngôi đền Birla Mandir – một trong các ngôi đền Hindu linh thiêng lớn nhất thủ đô New Delhi. Với tất cả sự kính trọng, cầu mong các vị thần khỏe mạnh, để mang lại sự bình an cho các tín đồ, ông đã múc một thìa sữa đầy, rồi đưa lên miệng pho tượng thần Voi Ganesh – xem như một nghi lễ.
Thật khó tin, trước sự chứng kiến của các tín đồ Hindu, sữa trong thìa bỗng chốc cạn sạch, trong khi nó không bị rơi chút nào xuống đất. Từ đây, phép nhiệm màu lan rộng ra toàn lãnh thổ Ấn Độ. Đến giữa buổi sáng ngày hôm đó, hàng triệu pho tượng thần trong các tín đồ theo đạo Hindu trên khắp Ấn Độ cũng có hiện tượng “uống sữa” khi các tín đồ dâng cúng.
Câu chuyện phép màu huyền diệu này lan rộng sang các cộng đồng Hindu ở Singapore, Hong Kong, Neepan, Thái Lan, Dubai, Anh, Mỹ và Canada. Ở Hong Kong, hơn 800 tín đồ Hindu quây quần tại một ngôi đền Hindu thuộc Thung lũng Hạnh phúc nhằm được tận mắt thấy phép màu từ các pho tượng thần Krishna và Brahma cùng pho tượng thần Ganesh nhỏ hơn làm bằng bạc, mà các mục sư nói rằng pho tượng này đã uống khoảng 20 lít sữa/ngày.
Ở Anh, các tín đồ Hindu cũng báo cáo về những phép màu tương tự xảy ra tại các ngôi đền và nhà ở của người Hindu trên khắp nước Anh. Tại ngôi đền Vishwa ở Southall, London, khoảng 10 nghìn tín đồ Hindu cầu nguyện trong suốt 24 giờ trước mặt các pho tượng bò thần Nandi và pho tượng thần rắn hổ mang Shesh Naag và rồi họ cùng sửng sốt khi tận mắt nhìn thấy cảnh các pho tượng đang “uống sữa” từ các cốc tách.
Girish Desai, một người ngoại đạo nói: “Tôi từng nghe nói về những câu chuyện “tượng Hindu hút sữa” nhưng không tin. Chỉ khi tận mắt chứng kiến cả quá trình xảy ra, tôi mới có thể tin nó là sự thật. Tôi mang một muỗng sữa đầy ghé sát vào môi pho tượng trong một thoáng, sữa biến mất ngay trước mắt”.
Tại Mỹ, mọi người đổ xô đến Ridgewood Gardens sau khi nghe chuyện huyền bí “tượng Hindu uống sữa”. Ông Thackoor Bhagwat, một tín đồ của thần Shiva Murti nói: “Tôi bắt đầu run sợ khi nhìn thấy bức tượng đã hút sữa. Thìa sữa đầu tiên biến mất một cách nhanh chóng. Cứ thế, tượng thần Shiva “uống” tới 4 bịch sữa”.
Ngay sau đó, hoạt động giao thông tại các ngả đường xung quanh các ngôi đền, nhất là thủ đô New Delhi dày đặc người và xe. Hàng chục nghìn người đứng vòng trong vòng ngoài xung quanh hàng trăm ngôi đền, trên tay họ cầm theo những cái bình và nồi sữa để dâng sữa cho các pho tượng bằng đá cẩm thạch của các thần Voi Ganesh – vị thần trí tuệ và học thuật của đạo Hindu, thần Shiva, cha của thần Ganesh, là vị thần Hủy Diệt theo thuyết Tam ngôi của đạo Hindu.
Nhiều cửa hàng trong cộng đồng Ấn Độ giáo có doanh số bán sữa tăng vọt, một cửa hàng tạp hóa ở Anh bán hơn 25.000 lon sữa, tại New Delhi tăng hơn 30%.
Phép lạ, hay chỉ là phản ứng vật lý
Một giả thuyết cho rằng, hiện tượng này chỉ đơn thuần là một hội chứng “cuồng loạn cảm xúc thái quá”, vì sự tôn sùng của các tín đồ.
Trong khi đó, giới khoa học Ấn Độ cho rằng, hiện tượng “uống sữa” của các pho tượng Hindu là hiện tượng khoa học tự nhiên, có thể giải thích bằng định luật vật lý như hoạt động mao dẫn, độ bám dính hoặc liên kết. Theo giới chuyên gia, đó đơn giản là hiện tượng thẩm thấu, theo thời gian những bức tượng lâu năm bắt đầu “rỗ mặt”, trở nên nhạy cảm và hút nước nhanh hơn bình thường.
Trong trường hợp này là sữa, nhưng nếu là một chất lỏng kỳ lạ khác giống thế thì cũng như cách thạch cao và đá tác dụng như giấy thấm do hoạt động của mao dẫn. Những tượng như thế thậm chí có thể “khát hơn” nếu có một ruột rỗng chứa đầy vật liệu thấm nước.
“Việc tượng đá hút ẩm và hút nước là điều hoàn toàn tự nhiên. Tượng càng lâu đời thì càng có khả năng hút nước”, giáo sư M.P. Singh thuộc Khoa địa chất trường ĐH Lucknow giải thích.
Tuy nhiên, hoạt động của mao dẫn không thể giải thích nhiều tường thuật về những tượng thần Ấn giáo bằng kim loại “uống” sữa. Và họ cũng không thể giải thích được tại sao điều này trước đó chưa từng xảy ra, và tại sao nó đột ngột dừng lại trong vòng 24 giờ.
Một nhóm các nhà khoa học khác lại đưa ra giả thiết, có thể, một loài sâu bướm sinh sống bên trong miệng các pho tượng thần đã vô tình ngửi thấy mùi sữa kích thích và chúng đã hút sữa trước mắt mọi người.
Trong khi giới báo chí và khoa học đang nỗ lực tìm ra câu trả lời thì nhiều tín đồ Hindu vẫn tin rằng, phép nhiệm màu là hoàn toàn có thực.
Tờ Manchester Guardian ghi nhận: “Nhiều người cầu nguyện nói rằng, họ chỉ đến ngôi đền một vài lần và chắc chắn họ cũng không phải là một tín đồ ngoan đạo. Nhưng họ tin phép màu trên là một điềm báo hiệu một vị thần mới sẽ ra đời”.
Theo Vnexpess