Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay
Trần Đình Sử
Ngành giáo dục Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám đến nay có nhiều công lao, đóng góp lớn cho đất nước. Song hơn hai chục năm nay giáo dục xuống cấp, chạy theo thị trường, đạo đức sa sút, tri thức, phương pháp cũ kĩ, đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội. Sự thực đó không chỉ có ở trường phổ thông, mà có cả ở các loại đại học, đặc biệt là đại học sư phạm, lò đào tạo giáo viên các cấp. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan, không che giấu những yếu kém và tìm giả pháp khắc phục. Ở đây phải có tinh thần của nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật, đổi mới tư duy, nhất là tư duy xã hội và kinh tế. Vậy đâu là nguyên nhân làm cho việc đào tạo giáo viên cũng như giáo dục nói chung chưa đạt chất lượng mong muôn ?
Xét trên bình diện chính sách xã hội, nghề giáo viên tuy được các văn bản nhà nước ngày một đề cao, nhưng chính sách đãi ngộ không tương xứng, khiến cho lòng yêu nghề, tự hào về nghề ngày một giảm sút, người giỏi ít ai chịu đi theo nghề sư phạm, đại đa số người đã ở trong nghề rồi thiếu động lực trau giồi nghề nghiệp. Tình hình bây giờ nhìn chung người dạy không muốn dạy, người học không ham học. Sự dạy sự học trở nên hình thức. Tín chỉ, điểm số đủ hết, thậm chí lại cao, nhưng kiến thức lại mỏng lép. Đầu vào đã kém, lại thiếu động lực thúc đẩy, đầu ra (tốt nghiệp) dể dãi, ra trường tìm việc khó, nghề sư phạm đang trên đà suy thoái với tình trạng báo động.
Xét về quy hoạch đào tạo, với rất nhiều hệ, nhiều loại trường mở ra khắp nước, thầy giỏi ít, trò nhiều, giám sát hình thức, số lượng áp đảo chất lượng. Một số sở giáo dục đã lên tiếng không nhận giáo viên hệ này, đào tạo cao học không nhận thí sinh hệ kia, nhiều giáo viên đã được đào tạo có nguy cơ phải đào tạo lại mới có việc làm. Đó là thực trạng bi đát. Đến miếng cơm còm cũng không kiếm được.
Xét về quản lí đào tạo có xu hướng ngày càng hình thức, mà thiếu thực chất. Từ đào tạo cư nhân cho đến cao học, tiến sĩ, quản lí học phần, chuyên đề, điểm số thiên về hình thức. Thực tập thực hành cũng hình thức. Đầu vào khó, đầu ra dễ. Hầu như chưa có ai bị trượt tốt nghiệp. Sau tấm bằng là cái đầu phần nhiều trống rỗng.
Xét về cơ sở vật chất vừa thiếu vừa thiên về hình thức vừa không đồng bộ. Phổ biến thiếu phòng học, trang bị vừa thiếu vừa kém chất lượng. Thư viện chủ yếu là sách cũ, chủ yếu là sách các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, trong khi tri thức khoa học thời đại đang đổi thay nhanh chóng. Thỉnh thoảng cũng có một số sách mới, nhưng chúng ta thiếu một hệ thống sách mới, đồng bộ theo từng chuyên ngành dịch từ các thứ tiếng nước ngoài. Giáo trình vừa thiếu vừa cũ, vừa ít thay đổi, thiếu đa dạng. Hệ thống sách ấy không thể đáp ứng nhu cầu đào tạo tri thức hiện đại.
Xét về chương trình đào tạo về cơ bản là cũ kĩ, do kế thừa chương trình từ thời những năm 60, thời chiến tranh, theo các nước xã hội chủ nghĩa, giáo điều, ít thay đổi. Từ trước đến nay cũng có đôi lần biên soạn lại, song phần nhiều là gia giảm, thêm bớt, tùy tiện, chưa lần nào xây dựng theo một quan niệm chính quy về đào tạo đại học theo kinh nghiệm thế giới. Trong điều kiện giao lưu, hội nhập hôm náy cần tham khảo chương trình đào tạo các nước tiến tiến để tổ chức lại chương trình, hệ thống các bộ môn, hệ thống các môn học và chuyên đề. Những đào tạo hai giai đoạn, đào tạo theo tín chỉ… phần nhiều làm theo hình thức mà thiếu thực chất, không nâng cao chất lượng đào tạo. Dễ hiểu là đại học ta bị xếp hạng thấp cả trên thế giới lẫn khu vực.
Xét về quan niệm giáo dục đào tạo chúng ta vẫn đi theo lối cũ, thiên về học thuộc kiến thức chuẩn, kiểm tra, thi là để “trả bài”, ít thực hành, ít sáng tạo. Cung cách đào tạo này gắn với nếp tư duy phổ biến trong xã hội là chỉ thích cách hiểu thống nhất, nhất trí, không thích những cái đầu hiểu khác, những tìm tòi mới, vượt ra ngoài tầm hiểu biết phổ thông. Giáo trình, giáo khoa được coi như một cái chuẩn không nên, không thể vượt qua. Lâu dần cách dạy, cách học hầu như không chú trọng sáng tạo nữa.
Xét về chính sách đào tạo đội ngũ giảng viên mà một thời gọi là “cán bộ giảng dạy”, nên đối xử như chế độ cán bộ nói chung. Nghề nghiệp giảng viên đi đôi với nghiên cứu khoa học. Thế nhưng các tiến sĩ sau khi bảo vệ luân án xong phần nhiều ít hoặc không nghiên cứu, không viết báo cáo khoa học. Rất ít trường hơp được đi tu nghiệp nước ngoài sau tiến sĩ để mở rộng tầm mắt, trau dồi ngoại ngữ và giao lưu với đồng nghiệp nước ngoài.. Tiến sĩ ở trong nước sau ba năm, không đọc ngoại ngữ, tri thức cũ mòn không được dào tạo thêm. Không bắt buộc giảng viên phải viết chuyên đề hoặc giáo trình. Chế độ lương mang tính chất hình thưc chủ nghĩa không khuyên khích trau giồi kiến thức chuyên sâu. Chế độ học hàm, chức danh nặng về hình thức, phiền hà mà ít hiệu quả. Giảng viên quan tâm các vấn đề ngoài chuyên môn hơn chuyên môn. Chế độ tuyển dụng người giỏi làm giảng viên đại học gặp khó khăn. Vì thế hiện đang xảy ra khủng hoãng về đội ngũ ở hầu hết các trường đại học.
Về phương pháp đào tạo đại học cũng đôi lần có hội thảo khoa học, nhưng không hệ thay đổi. Chúng ta không coi trọng thực hành, không có chương trình semina, không tổ chưc semina cho sinh viên, cao học, nghiên cứu sinh. Tỉ lệ lí thuyết/thực hành 1/1 chỉ là câu chuyện hình thức,ghi cho đẹp chương trình, thực tế không ai làm, không ai kiểm tra, bởi tổ chức thực hành không dễ , nhất là đối với giảng viên không hoặc ít kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Khi giảng viên phổ biến không nghiên cứu khoa học thì seminar cũng phế bỏ luôn.
Phương pháp dạy học ở trung học phổ thông nói chung là rất cũ, phải có một cuộc cách mạng thật sự mới mong thay đổi được. Cái gọi là “giảng văn” và “văn mẫu” ngự trị quá lâu trong nhà trường. Giảng văn hay cũng là một tài năng quý, song nó không thay được việc tự mình đọc hiểu của trò. Lấy đó làm căn bản là giết chết tiềm năng đọc của người đọc tương lai. Có bậc thầy kì cựu về giáo học pháp đã coi học sinh là “bạn đọc” song tiếc thay lại không có khái niệm đọc, thậm chí kì thị với vấn đề đọc hiểu khiến cho vấn đề này nêu ra đã 10 năm nay mà vẫn không tiến trển trong giới giáo học pháp.
Việc đào tạo giáo viên hiện nay tự khép kín trong khoa, trong trường, hiếm có giáo lưu giảng dạy giữa giảng viên các trường với nhau. Hiếm có trường hợp giảng viên trường này gửi đi đào tạo tiến sĩ tại khoa của trường khác và ngược lại. Các bộ môn trong một khoa cũng thường độc lập tác chiến, việc ai nấy làm, thiếu quan điểm liên kết tri thức xuyên môn, tương tác để cùng nâng cao chất lượng đào tạo. Mối quan hệ đào tạo giữa đại học và phổ thông cũng thiếu thiếu gắn kết. Đào tạo đại học có khi đi sau trường phổ thông. Giáo viên đào tạo ở đại học có khi đi sau giáo viên trung học.
Bồi dưỡng giáo viên là công việc thường xuyên nhằm cập nhật tri thức, bổ sung kiến thức mới, đáp ứng nhu cầu dạy học, tuy được làm nhiều song qua loa, hời hợt và có nghịch lí: do số lượng có hạn, bồi dưỡng tập trung theo khu vực cho nên cốt cán thì được bồi dưỡng nhiều, còn giáo viên không cốt cán, yếu thì hầu như không được bồi dưỡng, trong khi việc bồi dưỡng lại ở cơ sở lại làm sơ sài, kiến thức bị rơi rụng.
Có thể còn những nguyên nhân khác, song với 11 nguyên nhân nêu trên đã cho thấy việc đào tạo giáo viên ngữ văn ở đại học còn tồn tại quá nhiều vấn đề. Sự nghiệp đổi mới toàn diện và triệt để sự nghiệp giáo dục hiện nay không thể không đổi mới toàn diện và triệt để việc đào tạo giáo viên ở các trường đại học sư phạm. Cần phải nhận thức thật rõ, thật sâu các yếu kém, cũ kĩ, lạc hậu của trường sư phạm chúng ta mới có phương hướng đúng đẵn để thay đổi nó. Vấn đề đặt ra là phải thay đổi triệt để, chứ không phải thêm bớt vá víu theo lối cải lương. Muốn thế nhà nước và Bộ chủ quản phải có suy nghĩ dài hơi, cần có lộ trình nhiều giai đoạn, có chuẩn bị, nghiên cứu, học tập nước tiên tiến, có nhiều dự án thực hiện qua các bước, chứ không thể một sớm một chiều mà giải quyết ngay được.
Bài học về nông nghiệp sự nghiệp đổi mới giáo dục cũng sẽ thành công. Từ một nước thiếu ăn mà do thay đổi chính sách, nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Cũng vậy, nếu nhà nước biết sáng suốt thay đổi các chính sách giáo dục đã cũ kĩ, lỗi thời thành các chính sách đúng đắn đáp ứng lòng mong mỏi của các giáo viên đứng lớp, đặc biệt là chế độ đãi ngộ, thì sự nghiệp giáo dục nước ta sẽ có hi vọng không thua kém các nước trên thế giới. Đó là điều tiên quyết thứ nhất, là động lực của mọi động lực. Khẩu hiệu mới mà chính sách như cũ thì chắc chắn không có hiệu quả.
Thứ hai, Nhiệm vụ của ngành là chấn hưng sự nghiệp đào tạo giáo viên đang ở bên bờ xuống cấp, suy thoái. Sự nghiệp này phải gắn với đổi mới giáo dục phổ thông, nhằm vào mục tiêu đào tạo phổ thông mà xác định mục tiêu đào tạo giáo viên. Rà soát chương trình, mạnh dạn đổi mới nội dung các môn học, loại bỏ các tri thức cũ, giáo điều. Lí luận văn học phải đổi mới để làm cơ sở cho việc đọc văn và dạy đọc văn. Văn học Việt Nam phải được nhìn từ các quan điểm học thuật mới. Tổ chức liên kết tri thức giữa ngôn ngữ học với nghiên cứu văn học, lí luận văn học, liên kết lí luận văn học với văn học Việt Nam, văn học thế giới, liên kết lí luận với phương pháp, phương pháp với bộ môn văn học. Liên kết Hán Nôm với văn học cổ. Mối quan hệ giữa môn phương pháp dạy học và các môn khoa học cơ bản chưa được minh định rạch ròi, thiếu liên kết cho nên không phát huy được hiệu quả. Nghiên cứu phương pháp chay là rất chênh vênh, như lâu đài xây trên cát. Để thể hiện sự đổi mới và liên kết cần có dự án viết mới toàn bộ các loại giáo trình. Viết mới các giáo trình dưới dạng liên kết tri thức.
Thứ ba, phương pháp dạy học đại học và phương pháp dạy học phổ thông phải thay đổi căn bản. Lấy việc học của người học làm trung tâm mà nhìn lại và đổi thay cách dạy sao cho người học vừa sức học, thích học, chịu học. Việc học của sinh viên phải có các nội dung được quy định cụ thể và kiểm tra được chứ không phải chỉ có một việc lên lớp nghe giảng và ghi bài. Chính vì không quan tâm việc học mà bài giảng của thầy chỉ có kiến thức mà chư có nội dung học đối với trò. Nghe giảng chỉ là một khâu của việc học chứ không phải là tất cả. Từ khái niệm học đối với người học chúng ta sẽ đổi thay căn bản vấn đề phương pháp dạy học và bồi dưỡng giáo viên. Điều quan trọng nhất là chống áp đặt, phát huy sáng tạo của người học, người dạy, có quan điểm tiến bộ, thông thoáng đối với những suy nghĩ mới, khác, tạo điều kiện cho mọi người học được tự phát triển.
Thứ tư, Tăng cường, đổi mới việc quản lí hoạt động nghiên cứu, dạy học của thầy bằng các chính sách thiết thực, chứ không chỉ là các danh hiệu và các loại bằng khen, giấy khen. Tăng cường , đổi mới quản lí việc học của sinh viên và học sinh. Ở đây cũng đòi hỏi chống áp đặt.
Thứ năm, xây dựng cơ sở vật chất mới. Ngoài các phương tiện dạy học hiện đại, điện tử, cần xây dựng hệ sách khoa học cơ bản mới. Tôi nói hệ sách chứ không phải tủ sách, seri sách, vì hệ sách nhiều ngành khác nhau mà liên quan nhau, hỗ trợ nhau. Thiếu hệ sách này thì đừng mơ có ngày nhà nghiên cứu Việt Nam có nhiều bài nghiên cứu đăng ở tạp chí quốc tế.
Thứ sáu, phát huy dân chủ, sáng tạo, lắng nghe ý kiến giáo viên trong quá trình đổi mới, kịp thời điều chỉnh các bất cập, tháo gỡ mọi khúc mắc để cho quá trình đổi mới giáo dục được thông suốt thì sự nghiệp đổi mới sẽ có nhiều hứa hẹn. Đổỉ mới giáo dục không nên hiểu chỉ là quá trình cấp dưới thực hiện các ý đồ chỉ đạo của trên, là sự nghiệp của lãnh đạo, không phải là sự nghiệp của toàn thể giáo viên các cấp.
Đổi mới sự nghiệp đào tạo giáo viên là một cuộc vận động lớn. Chăc chắn sẽ có nhiều điều cần phải được suy nghĩ thêm nữa. Mong hội thảo đóng góp thêm nhiều ý kiến quý báu nhiều chiều, có tính chất phê phán và phản biện.
Dân ta chủ yếu là người làm ruộng, lại hiếu học. Đảng và chính phủ đã có chính sách làm cho nông nghiệp thành công, thì mong rằng sự nghiêp đổi mới giáo dục cũng sẽ được tiến bộ. Sự nghiệp trồng người cũng chỉ do con người thực hiện. Biết phát huy sức mạnh của con người thì sự nghiệp chấn hưng giáo dục mới có hi vọng.
2013-08-23 18:13:04
Nguồn: http://trandinhsu.wordpress.com/2013/08/24/van-de-dao-tao-giao-vien-hien-nay/