ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: chiemhaha
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Vẻ đẹp của những cô gái Việt lấy chồng Hàn Quốc
Tuesday, August 20, 2013 2:05
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Vào năm thứ 3 đại học, tôi được một nhiếp ảnh gia Hàn Quốc tên là Oh Soon Hwa thuê làm phiên dịch cho chuyến chụp ảnh của cô ở miền Tây. Cô nói rằng cô muốn tìm đến nơi nào có nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, để phỏng vấn và chụp ảnh. Cuối cùng chúng tôi đến cù lao Tân Lộc (được gọi là “Đảo Đài Loan”) – là nơi có rất nhiều cô gái đã đi lấy chồng Đài Loan (ban đầu) và Hàn Quốc (vào thời điểm chúng tôi đi chụp).

Soon Hwa đã chụp hơn 10 giờ mỗi ngày, nói chuyện , nghe chuyện, ghi chép… về hoàn cảnh, tên tuổi, câu chuyện của họ. Đó là những khung hình lạ lùng mà tôi ít gặp. Soon Hwa muốn chụp các cô thật xinh đẹp mặc áo cô dâu trong ngôi nhà lá, mặc áo cô dâu trên bờ kênh gần nhà, nằm nghiêng sau những tấm rèm cửa bằng vải thun mỏng rẻ tiền.

Đâu đó giữa những khung hình, Soon Hwa thốt lên: “Cô ấy thật đẹp, thấy không?” – đó là khi chúng tôi nhìn vào gương mặt xinh đẹp đến nao lòng của một cô bé 16 tuổi, cũng từng có ý nghĩ khi lớn lên sẽ đi lấy chồng nước ngoài để có tiền nuôi mẹ mình.

#8

Soon Hwa kể rằng: “Phát hiện quan trọng nhất của tôi trong dự án này là những cô gái trẻ sắp thành cô dâu đều biết rõ về những nguy hiểm họ phải đối mặt khi rời xa quê nhà. Mặc dù sẽ có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi lấy chồng nước ngoài, họ sẽ ở một vị trí rất dễ bị tổn thương về ngôn ngữ, văn hóa, sự hỗ trợ cộng đồng… nhưng các cô gái đều sẵn sàng chấp nhận với hi vọng có một cuộc hôn nhân tốt đẹp và có thể quay về giúp đỡ gia đình mình ở quê hương.

Dựa vào hoàn cảnh gia đình họ, tôi hoàn toàn hiểu, sự gắn bó gia đình và “hội chứng con gái ngoan” (tức là con gái trong nhà phải làm việc để giúp chi trả cho gia đình) rất phổ biến ở nhiều nước châu Á, kể cả ở Hàn Quốc quê hương của tôi. Và đây chính là yếu tố quan trọng khiến các cô gái muốn lấy chồng nước ngoài.”

 

Trong suốt 2 năm sau đó, cứ mỗi 6 tháng một lần, Soon Hwa lại quay lại Tân Lộc (hoặc một khu vực lân cận có nhiều cô gái đi lấy chồng nước ngoài). Cô chụp ảnh hơn 10 giờ mỗi ngày, sống trong ngôi nhà của một gia đình có con đi lấy chồng Hàn và thường xuyên trò chuyện với những cô gái trẻ ngoài giờ chụp ảnh. 

Cuối cùng, Soon Hwa sẽ có một triển lãm mang tên “Girls from Mekong Delta” sẽ diễn ra tại Singapore ngày 22/8/2013 này. Một triển lãm ảnh đẹp và dịu dàng về những cô gái ở đồng bằng sông Cửu Long. Cô viết rằng: “Tôi đã chọn thể hiện về vẻ đẹp cảnh quan và con người để cho khán giả thấy những cô gáy trẻ ấy đã hi sinh nhiều đến thế nào khi rời xa quê nhà để đến sống ở một nơi xa lạ. Nơi họ đến là chốn chưa hề được biết đến, vài người có được cuộc sống tốt như một “câu chuyện thành công”, trong khi nhiều cô gái phải đối mặt với sốc văn hóa, phải mang nặng nỗi nhớ người thân và quê hương mà họ đã lớn lên ở đó.”

Tôi đã trò chuyện lại với cô sau thời gian dài chúng tôi đã đi cùng nhau khi cô chụp ảnh. 

#1

Tại sao cô quyết định chọn chủ đề “Các cô gái Đồng bằng sông Cửu Long”để chụp ảnh, từ cả phía Hàn Quốc và Việt Nam?

Tôi gốc là người Hàn Quốc. Tôi đã sống xa đất nước mình khoảng 20 năm. Khi tôi về thăm nhà năm 2006, tôi nhận ra một số lượng lớn những cô gái Việt Nam đang di cư đến vùng nông thôn Hàn Quốc sinh sống. Khi lái xe dọc theo miền quê, tôi thấy một tấm banner nhỏ viết “Cô dâu Việt Nam” với một số điện thoại di động ở một nơi vô định trống không.

Tôi tò mò muốn biết những cô dâu Việt Nam làm cách nào để hòa nhập, rào cản ngôn ngữ, văn hóa gia đình chồng, sự kì thị của xã hội, trong một xã hội toàn người Hàn. Suốt một thời gian dài, bản thân tôi cũng đã từng phải hiểu và làm quen với môi trường mới khi kết hôn với một người nước ngoài, là chồng tôi bây giờ.

Chính vì thế, ngay lập tức tôi muốn tìm hiểu về những cô gái Việt ở Hàn Quốc, muốn hiểu vì sao họ phải lựa chọn sẽ rời xa quê hương mình, về những trải nghiệm của họ khi ở xứ người, ước mơ của họ, sự mong đợi của họ, cả những hi vọng khi rời nhà để đến sống ở một nước ngoài.

 

Có bao nhiêu cô gái Việt cả ở HQ và VN cô đã gặp và chụp ảnh?

Tôi đã liên lạc với rất nhiều người bạn Việt Nam và đi xuống Đồng bằng sông Cửu long. Tôi đã tìm thấy một cù lao nhỏ, tên là Tân Lộc, được dân địa phương chỉ là có rất nhiều cô gái đã từ đây đi lấy chồng nước ngoài. Nó còn được gọi là “đảo Đài Loan”.

Trong 2 -3 năm liên tiếp, tôi đã đến và chụp ảnh cứ mỗi 6 tháng/lần. Mỗi lần đến, tôi lại sống cùng với 1 gia đình người địa phương cởi mở và đồng ý cho tôi tìm hiểu thêm về cuộc sống hàng ngày của họ. Khi tôi cảm thấy hoàn toàn tự nhiên với cộng đồng ở trên cù lao, mọi người dần dần cởi mở hơn và kể tôi nghe chuyện của họ. Họ cho phép tôi chụp ảnh nhà họ và giúp tôi khi tôi cần chụp một số ảnh panorama, bằng cách thể hiện trước ống kính. Một số ảnh được dàn dựng nhưng có vẻ không thật.

Tôi đã không đếm. Thường tôi chụp 2-3 tấm ảnh mỗi ngày. Các cô gái đôi khi quá ngại ngùng khi nói chuyện trực tiếp với tôi. Những người thân của các cô đã thuyết phục và các cô đã đồng ý xuất hiện trước ống kính của tôi.

#2

Cô cố gắng thể hiện điều gì trong các bức ảnh?

Những bức ảnh chụp trên đảo đều là về các cô gái muốn lấy chồng nước ngoài hoặc các gia đình đã có con gái lấy chồng nước ngoài. Khi ghi nhận về con người và hoàn cảnh ở đó, tôi định sẽ thể hiện lại những hiểu biết sâu hơn về lí do thực sự khiến các cô có lựa chọn như vậy. Dần dần, khi đi chụp ảnh, quan niệm của tôi đã thay đổi: Các cô gái trẻ và gia đình họ hoàn toàn biết rõ những khó khăn cô dâu có thể gặp phải khi ra nước ngoài, nhưng họ vẫn chọn lựa việc rời quê hương để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

#3

Dự án này muốn thể hiện một vài nét về xuất thân của những phụ nữ Việt Nam. Nơi họ sinh ra, hoàn cảnh sống, cộng đồng của họ… cho đến khi họ rời quê hương đi làm dâu. Những đợt các cô gái Việt đến Hàn Quốc làm dâu tăng lên, nhưng người Hàn lại không biết gì nhiều về văn hóa của những người mới đến quê hương họ. Đa văn hóa không phải là ép những người mới đến này học theo nền văn hóa bản địa mà là số đông cần phải tìm hiểu về cộng đồng nhỏ đang đến với mình. Sự khác biệt văn hóa sẽ hòa hợp được. Tôi muốn chia sẻ ý này với những khán giả xem triển lãm người Hàn. Tôi đã chọn thể hiện về vẻ đẹp cảnh quan và con người để cho khán giả thấy những cô gáy trẻ ấy đã hi sinh nhiều đến thế nào khi rời xa quê nhà để đến sống ở một nơi xa lạ. Nơi họ đến là chốn chưa hề được biết đến, vài người có được cuộc sống tốt như một “câu chuyện thành công”, trong khi nhiều cô gái phải đối mặt với sốc văn hóa, phải mang nặng nỗi nhớ người thân và quê hương mà họ đã lớn lên ở đó.

Cô đã phát hiện ra điều gì khi sống gần bên và chụp ảnh họ? Quan điểm của họ? Hi vọng của họ?

Điều quan trọng nhất mà tôi phát hiện ra là những cô dâu trẻ ấy hoàn toàn biết rõ những nguy hiểm họ phải đối mặt khi rời quê nhà. Mặc dù phải đối mặt với những hiểm nguy tiềm ẩn và không rõ ràng khi đến sống ở nước ngoài, đặc biệt là khi họ rất dễ bị tổn thương vì gặp nhiều rào cản ngôn ngữ, văn hóa, không ai giúp đỡ…. họ vẫn sẵn sàng ra đi với hi vọng có một cuộc sống tốt hơn, để có thể chu cấp và giúp đỡ gia đình ở quê  nhà của mình.

#4

Dựa vào hoàn cảnh gia đình họ, tôi hoàn toàn hiểu, sự gắn bó gia đình và “hội chứng con gái ngoan” (tức là con gái trong nhà phải làm việc để giúp chi trả cho gia đình) rất phổ biến ở nhiều nước châu Á, kể cả ở Hàn Quốc quê hương của tôi. Và đây chính là yếu tố quan trọng khiến các cô gái muốn lấy chồng nước ngoài

Ở đây, yếu tố kinh tế để hỗ trợ gia đình đóng vai trò quan trọng. Thường sẽ có một sắp xếp là sau khi kết hôn, gia đình chồng sẽ hỗ trợ khoảng 100USD/tháng cho gia đình cô dâu ở Việt Nam. Sự hỗ trợ này đã đóng góp vào nhiều ngôi nhà ở Tân Lộc, nhà gạch lớn đã thay cho những chiếc lều tạm bợ.

Cô có đặc biệt nhớ hình ảnh một cô gái nào trên cù lao không?

Có, một em gái (Tôi sẽ không trích dẫn tên ra vì lí do riêng) đã từng bị bỏ rơi bởi mẹ ruột mình và được một phụ nữ làm chủ tiệm cắt tóc nhận về nuôi, gọi là mẹ kế. Một đêm, mẹ ruột của bé về và mang em đi. Sau đó tôi được biết em gần như biến mất ở TP. Hồ Chí Minh. Tôi được nghe kể lại em đã bị bán cho một quán bar và có người đã thấy em có thai. Tôi hỏi liệu mình có thể làm gì để cô bé được quay về nhà không. Sau vài cuộc điện thoại, có người nói với tôi giá tiền để mang cô về là 1500USD. Không may, mẹ ruột của em đã từ chối sự giúp đỡ này để có thể mang em về cù lao, có lẽ vì bà xấu hổ. Tôi cũng nghe nói cô bé cũng không muốn quay lại cù lao nữa. Vào khoảnh khắc đó, tôi nhận ra mình không thể làm gì để có thể giúp em cả.

#5

Rất nhiều đàn ông Việt Nam coi thường các cô gái cưới chồng nước ngoài. Có người nói các cô gái ấy lười biếng, chờ lấy chồng giàu để có tiền tiêu. Cô nghĩ gì về yếu tố đó khi thực hiện bộ ảnh này?

Tôi hoàn toàn không chia sẻ được với quan điểm này. Có rất nhiều lí do liên quan đến quyết định cưới chồng nước ngoài và đi xa sinh sống. Nếu vì lí do để có cuộc sống tốt hơn, để lo được cho gia đình ở Việt Nam, vì ý nghĩ “con gái ngoan” đã định hình trong đầu óc của rất nhiều phụ nữ khắp châu Á này (bao gồm cả tôi, trong suốt một thời gian dài)… thì tất cả các lí do đó đều chính đáng.

Tôi cũng muốn thêm vào các cô gái trẻ này phải chịu rất nhiều sự nguy hiểm khi di cư đến sống ở nước ngoài. Vùng an toàn của họ hoàn toàn bị thay đổi và lung lay. Họ sẽ đến một nơi mà mọi thứ đều khác với điều họ đã quen thuộc. Họ phải học ngôn ngữ mới, văn hóa mới, phải tập quen với khí hậu khác, địa lí khác, con người, lối sống…. Với tất cả hoàn cảnh mới đó, họ đang bị đặt vào vị trí vô cùng mong manh với rất nhiều rào cản buộc phải vượt qua.

#9

Có cách nào để giúp các cô gái Việt (vốn biết rất ít về Hàn Quốc trước khi cưới một người chồng Hàn) để bảo vệ họ và giúp họ tìm được hạnh phúc thực sự khi chọn một cuộc sống mới bên vị hôn phu người Hàn của mình?

Về mặt cá nhân, từ kinh nghiệm của tôi, cưới một người nước ngoài là một trải nghiệm vừa rất thú vị lại có rất nhiều giới hạn. Tùy thuộc vào cách bạn đón nhận sự khác biệt, đó có thể là cánh cửa đến một cuộc sống mới. Cuộc hôn nhân vừa thú vị vừa rất nhiều khó khăn. Tất nhiên bạn sẽ phải học để biết về văn hóa của gia đình chồng và nơi chồng sinh sống.

Về mặt xã hội: Để họ tự bảo vệ mình: Quan trọng là các cô gái phải có được sự hỗ trợ từ rất nhiều tổ chức đang có mặt ở Hàn Quốc để giúp họ vượt qua vô số rào cản khi họ đến đó (ngôn ngữ, văn hóa, quyền…) để họ ít bị xâm hại, đánh đập và hòa nhập nhanh hơn với thế giới mới.

#6

Có ánh sáng nào đẹp mà cô tìm thấy ở những cô gái ấy khi chụp ảnh và nghe họ kể chuyện?

Tôi không xoáy dự án này vào những bi kịch, sự khốn khổ, mà là vẻ đẹp của những phụ nữ đã chọn một sự thay đổi quan  trọng khi quyết định kết hôn ở nước ngoài. Tôi muốn hiểu thêm về tâm lí của họ. Tôi thực sự đã học rất nhiều từ họ, hiểu câu chuyện, nghe về giấc mơ, hi vọng của họ, cảm thấy sự khiêm tốn, nhạy cảm và cởi mở nơi họ. Đây cũng là dự án đã thay đổi toàn bộ sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi khi tôi học được cách lắng nghe, đối thoại và tương tác với những cô gái trẻ tuyệt vời. Tôi đã thấy rất gắn bó với họ.

#7

Về mặt xã hội, ít nhất ở Hàn Quốc, chính phủ đã cố gắng thực hiện nhiều sáng kiến để giúp đỡ các cô dâu nước ngoài dần quen với cuộc sống mới, giúp họ dần ít bị xâm hại và đón nhận xã hội Hàn Quốc dễ dàng hơn. Mọi thứ đang thay đổi rất nhanh ở Hàn Quốc. Chỉ mới vài năm trước đây, cưới một người nước ngoài còn bị xem như một điều cấm kị, ít ai chấp nhận. Chính ý nghĩ đó khiến các cô dâu nước ngoài khó hòa nhập hơn trong xã hội Hàn.

Khải Đơn (thực hiện)

http://khaidon.wordpress.com

Ảnh: Tác giả Oh Soon Hwa

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.