Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Muốn thảo luận về việc đánh giá các giá trị nền tàng, tôi biết đó là một công việc vô vọng. Ví dụ, chẳng hạn có một ai đó đã tự cho mình có nhiệm vụ phải xóa bỏ một giống người nào đó khỏi mặt đất, thì không thể nào có thể bác bỏ quan điểm của nó bằng những lập luận hợp lý. Nhưng nếu có được sự thống nhất với nhau về một số nhiệm vụ và giá trị, thì lúc này người ta có thể hoàn toàn nói chuyện với nhau về phương tiện dùng để đạt đến được những mục đích đó. Vì vậy, chúng ta hãy giả sử rằng có hai mục đích, mà tất cả những ai đọc những dòng này, có thể sẽ đồng ý.
1. Tất cả của cải vật chất, dùng để bảo tồn cuộc sống và sức khỏe của con người, cần phải được sản xuất ra với mức lao động ít nhất có thể.
2. Mặc dù việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất là điều kiện không thể thiếu đối với sự bình an của chúng ta, nhưng như thế chưa đủ. Để thỏa mãn cho chính mình con người hơn nữa phải có cơ hội để phát triển những năng khiếu theo khả năng trí tuệ và nghệ thuật của mình một cách tùy ý.
Mục tiêu thứ nhất trong hai mục tiêu này đòi hỏi sự gia tăng của tất cả các kiến thức có liên quan đến các quy luật tự nhiên và quy luật tiến bộ xã hội, tức là khuyến khích mọi nghiên cứu khoa học. Bởi vì nghiên cứu khoa học là một khối tự nhiên thống nhất mà từng bộ phận của nó phụ thuộc lẫn nhau một cách thường khó có thể dự đoán được. Tuy nhiên, điều kiện cho tiến bộ của khoa học là phải có được khả năng trao đổi một cách tự do tất cả các kết quả – và như thế có nghĩa là tự do bày tỏ quan điểm và tự do giảng dạy trong tất cả mọi lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Ở đây tôi hiểu tự do là các quan hệ xã hội trong đó ai cũng có thể đưa ra nhận xét về những lĩnh vực thuộc kiến thức chung và chuyên ngành mà không gặp phải bất kỳ sự nguy hiểm cũng như sự bất lợi nào cho cá nhân. Sự tự do trao đổi quan điểm này là điều thiết yếu cho sự phát triển và phổ biến kiến thức khoa học và có tầm quan trọng thực tiễn lớn. Trước hết, pháp luật phải đảm bảo cho điều này. Nhưng luật một mình nó không thể bảo vệ được tự do bày tỏ ý kiến; để sao cho mọi người đều có thể thể hiện quan điểm của mình mà không bị trừng phạt, thì tinh thần khoan dung phải được duy trì trong dân chúng. Một lý tưởng tự do bên ngoài như vậy tất nhiên không bao giờ có thể đạt đến được một cách hoàn toàn, nhưng người ta phải phấn đấu không mệt mỏi hướng tới đó, nếu như những ý tưởng khoa học và triết học tất cả vẫn còn cần phải tiếp tục tồn tại.
Để đạt được mục tiêu thứ hai, cụ thể là tạo điều kiện cho sự phát triển tinh thần của tất cả mọi người, cần thiết phải có một loại tự do khác. Con người không còn phải nhọc nhằn để mưu toan cho cuộc sống của mình đến mức không có cả thời gian hay năng lượng cho việc nâng cao trình độ. Nếu không có sự tự do thứ hai này, thì sự tự do trình bày quan điểm đối với anh ta cũng trở nên vô ích. Những tiến bộ của công nghệ sẽ giúp anh ta đạt được sự tự do này, một khi vấn đề phân công lao động hợp lý được giải quyết.
Sự phát triển của khoa học và của mọi hoạt động sáng tạo và trí tuệ khác cũng còn đòi hỏi một sự tự do bên trong. Sự tự do tâm trí này thể hiện ở chỗ, tư tưởng con người phải được giải thoát khỏi những ràng buộc của những định kiến xã hội và độc đoán, và phải giữ được tính độc lập của mình trong sự đơn điệu và vô thức của cuộc sống hàng ngày. Sự tự do bên trong này là một món quà hiếm có của thiên nhiên và có giá trị xứng đáng để mỗi cá nhân phấn đấu cho nó. Ngay cả xã hội cũng có thể hỗ trợ cho nỗ lực này, hoặc ít nhất cũng không bao giờ nên có hành động cản trở. Ví dụ như trường học có thể sẽ ức chế sự phát triển của tự do bên trong, nếu như nó gây nên những tác động độc đoán hoặc tạo ra những gánh nặng quá mức cho lớp trẻ; ngược lại nó sẽ thúc đẩy sự tự do kiểu này, nếu như nó khuyến khích tư duy độc lập. Tuy nhiên chỉ với sự theo đuổi liên tục cả hai loại tự do, bên trong và bên ngoài, chúng ta mới đạt được khả năng phát triển và hoàn thiện tâm trí và do đó mới có thể cải thiện được cuộc sống bên trong và bên ngoài của chúng ta.
Nguồn: Albert Einstein, Bàn về Tự do. Trích dẫn trong cuốn: Albert Einstein, Những năm sau này của tôi, Stuttgart: Nhà xuất bản Đức 1979, trang 17-19 .
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo