Đau mắt đỏ (ĐMĐ) còn gọi là viêm kết mạc. Nguyên nhân của ĐMĐ thường là nhiễm vi khuẩn, virut hoặc phản ứng dị ứng… Mặc dù ĐMĐ gây kích thích mắt nhưng hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực.
Hình ảnh viêm kết mạc mắt (Internet)
ĐMĐ có nguy cơ lây nhiễm cao trong vòng 2 tuần từ khi bị bệnh nên việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.
Dấu hiệu nào nhận biết ĐMĐ?
Triệu chứng của ĐMĐ thường là: đỏ một hoặc cả hai mắt; ngứa một hoặc cả hai mắt; cảm giác có sạn ở trong mắt; rỉ dịch ở một hoặc hai mắt; chảy nước mắt. ĐMĐ làm cho bạn có cảm giác như có một vật gì ở trong mắt mà không thể lấy ra được. Khi thức dậy mắt bị dính chặt lại do màng dử mắt (ghèn, rheum).
Viêm kết mạc thường bị cả hai mắt mặc dù bệnh có thể xảy ra ở một mắt sau đó lây sang mắt kia sau một hoặc hai ngày. Bệnh có thể không cân xứng, một mắt nặng hơn mắt kia.
I. Xử trí khi bị ĐMĐ
Tùy nguyên nhân mà dùng các thuốc phù hợp.
1. Viêm kết mạc do vi khuẩn:
ĐMĐ do virut hoặc vi khuẩn có thể xảy ra ở một hoặc hai mắt. ĐMĐ do virut hay chảy nước mắt hoặc dịch nhầy. ĐMĐ do vi khuẩn thường tạo ra dử dày hơn, màu vàng xanh và có thể liên quan với nhiễm khuẩn hô hấp hoặc viêm họng. Cả ĐMĐ do virut và vi khuẩn có thể liên quan với cảm lạnh.
- Dấu hiệu chủ quan (bệnh nhân thấy): Buổi sáng mắt dính, khó mở, ghèn nhiều.
- Khám nghiệm: Có nhiều ghèn (thường ở một mắt), mắt có màu đỏ như thịt bò tươi.
- Ðiều trị: ĐMĐ do vi khuẩn được điều trị bằng kháng sinh do bác sĩ khám và kê đơn. Kháng sinh có thể được dùng dưới dạng nhỏ mắt, mỡ hoặc viên uống. Thuốc nhỏ hoặc mỡ cần được tra trong mắt 3-4 lần một ngày trong 5-7 ngày. Thuốc mỡ hay dùng để tra vào mắt trẻ. Nhiễm khuẩn sẽ cải thiện trong vòng 1 tuần. Bạn cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thậm chí cả khi triệu chứng bệnh đã hết.
2. Viêm kết mạc do siêu vi:
ĐMĐ do virut sẽ thấy các triệu chứng trầm trọng hơn vào 3-5 ngày đầu. Sau đó các triệu chứng giảm dần và bệnh có thể tự khỏi. ĐMĐ do virut và vi khuẩn đều rất dễ lây. Người lớn cũng như trẻ em đều có thể bị hai loại nguyên nhân này nhưng ĐMĐ do vi khuẩn hay gặp ở trẻ em hơn.
- Dấu hiệu chủ quan: Chảy nước mắt nhiều, cảm giác có vật lạ ở trong mắt. Lây lan thường xuất hiện vào mùa có dịch.
- Khám nghiệm: Mắt đỏ nhiều, sưng. Thường bị cả hai mắt, có thể chảy máu ở tròng trắng, có hạch hai bên dái tai, đôi khi sốt.
- Ðiều trị: Nhỏ thuốc sát trùng, kháng sinh ngừa bội nhiễm. Giữ vệ sinh mắt để tránh lây lan.
3. Viêm kết mạc do dị ứng:
ĐMĐ do dị ứng thường bị ở cả hai mắt và là một phản ứng dị ứng với chất gây dị ứng. Trong phản ứng dị ứng, cơ thể tạo ra một kháng thể gọi là IgE. Kháng thể này khởi động các tế bào đặc biệt gọi là các tế bào mast trong lớp nhầy của mắt và đường thở để giải phóng các chất kháng viêm là histamin. Việc giải phóng histamin có thể gây ra nhiều triệu chứng dị ứng trong đó có đỏ mắt. Nếu bị ĐMĐ dị ứng bạn sẽ rất ngứa, chảy nước mắt và viêm mắt, hắt hơi, sổ mũi, có thể phù nề kết mạc trông như vết phỏng trong lòng trắng. Bác sĩ có thể kê cho bạn một trong các loại thuốc tra mắt dưới đây: kháng histamin, thuốc thông mũi, ổn định tế bào mast, chống viêm steroid và các thuốc chống viêm khác. Thuốc tra corticoid thường được dùng nhưng cần có sự giám sát của bác sĩ mắt. Quan trọng là phải phát hiện được nguyên nhân gây dị ứng để loại bỏ.
4. Viêm kết mạc do nhiễm hóa chất:
Triệu chứng kích thích do nhiễm hóa chất hoặc dị vật cũng có liên quan đến ĐMĐ. Đôi khi việc rửa để loại bỏ hóa chất hoặc dị vật có thể gây đỏ mắt. Triệu chứng thường bao gồm dử nhày mắt, không có mủ, thường tự khỏi trong vòng một ngày. Dùng nước ấm rửa mắt trong vòng 5 phút. Mắt bạn có thể dễ chịu hơn trong vòng 4 tiếng sau rửa chất kích thích, nếu không đỡ bạn cần gặp bác sĩ.
II. Những lưu ý khi bị ĐMĐ:
- Bạn có thể làm dịu khó chịu bằng cách đắp khăn ấm lên mắt bị đau. Ngâm một miếng vải sạch trong nước ấm và vắt nước trước khi đặt nó nhẹ nhàng lên mắt đau.
- Rửa mặt và mắt bằng xà phòng nhẹ hoặc dầu gội đầu trẻ em, rửa với nước để loại bỏ chất kích thích.
- Với ĐMĐ dị ứng, tránh dụi mắt vì làm thế bạn không giảm được ngứa. Thay vì việc đó bạn nên đắp một miếng gạc lạnh để làm dịu. Cũng có thể dùng thuốc tra mắt không kê đơn như Naphcon-A hoặc Opcon-A, chứa kháng histamin và tác nhân gây co mạch.
- Thuốc không cần kê đơn có thể giúp bạn giảm ngứa và bỏng rát mắt do chất kích thích. Cần chú ý là thuốc tra mắt cũng có thể gây kích thích mắt do đó cần dừng thuốc đó ngay.
III. Phòng bệnh:
Vệ sinh tốt là cách tốt nhất để kiểm soát lây lan ĐMĐ. Một khi đã được chẩn đoán là đau mắt đỏ bạn cần thực hiện các bước sau:
- Không dụi mắt bằng tay.
- Rửa tay kỹ và thường xuyên với nước ấm, điều này rất quan trọng.
- Lau rửa dịch dử mắt 2 lần một ngày bằng khăn giấy hoặc cotton ẩm, sau đó vứt ngay.
- Giặt ga giường, vỏ gối, khăn tắm trong nước tẩy và ấm.
- Tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa.
- Rửa tay sau khi tra thuốc mắt.
- Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.
Bs Nguyễn Chí Phong tổng hợp.
Bài 2. Xử trí với bệnh đau mắt đỏ
Bất kỳ ai cũng có thể bị bệnh đau mắt đỏ. Bệnh lây truyền khi dùng chung khăn mặt, nước mắt, ghèn của người bệnh đau mắt đỏ tiếp xúc với người lành. Cho tới nay chưa có thuốc ngừa bệnh đau mắt đỏ.
Bệnh này lây lan rất nhanh, dễ phát thành dịch nếu có người mắc bệnh đang ở trong cộng đồng đông người như: trường học, bệnh viện, công xưởng… Vì thế nếu có một người mắc bệnh nên ngay lập tức nghỉ ở nhà để tránh lây lan cho cộng đồng xung quanh.
Người bệnh nên hạn chế tối đa tiếp xúc với người khác, nên đeo kính khi ra đường… Nếu cả nhà đều bị đau mắt đỏ thì mỗi người dùng riêng một chai thuốc nhỏ. Vì nhỏ mắt chung một chai thuốc là cách lây truyền bệnh nhanh nhất và trực tiếp nhất.
Khi có bệnh mắt đỏ cần vừa nhỏ thuốc vừa giữ vệ sinh hằng ngày bằng dung dịch nước muối. Đắp mắt bằng khăn lạnh sẽ làm mắt ít sưng hơn. Trước và sau rửa mắt phải rửa tay bằng dung dịch vệ sinh thật kỹ.
Nếu được điều trị đúng cách và giữ vệ sinh tốt người bệnh sẽ khỏi trong vòng 7 ngày.
Không nên tự ý dùng lá cây đắp mắt theo cách chữa trị dân gian vì ấu trùng giun trong lá có thể chui vào mắt và gây biến chứng nặng nề cho mắt.
Tuy cùng một biểu hiện nhưng bệnh đau mắt đỏ có nhiều dạng khác nhau: viêm kết mạc (lòng trắng), viêm giác mạc (lòng đen), có màng giả… Chỉ khi khám, bác sĩ mới biết người bệnh bị đau mắt loại nào và căn cứ vào từng lứa tuổi, tình trạng mà có chỉ định dùng loại thuốc nào cho phù hợp.
Do vậy không thể dùng một thuốc nhỏ duy nhất cho tất cả mọi trường hợp bệnh mắt.
Theo VnExpress
Bài 3. Trong nhà có người đau mắt đỏ, làm gì để không lây?
[SGTT.VN, 30/9/2013] – Dịch đau mắt đó vẫn tiếp tục lan rộng. Những ngày qua, chuyên trang Khoẻ & Vui có nhận được một số câu hỏi của bạn đọc muốn được hướng dẫn cặn kẽ hơn về biện pháp phòng ngừa khi trong nhà có người đau mắt đỏ.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ThS.BS Phí Duy Tiến, phó giám đốc bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh như nước bọt, ghèn mắt, nước mắt… do dùng chung khăn mặt với người bệnh hoặc tay người nào đó có dính dịch tiết đau mắt đỏ đụng vào mắt người khác; qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi; qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh (tay nắm cửa, điện thoại, khăn…); qua nước bị nhiễm khuẩn (ví dụ nước hồ bơi)…
Bởi lây theo đường hô hấp, nên việc một người đau mắt đỏ lây cho cả nhà là rất phổ biến. Do đó, nếu gia đình phải dùng chung một bồn tắm thì nay có người mắc bệnh mỗi người nên tự tắm trực tiếp ở vòi nước với chậu, xô riêng, không dùng bồn tắm chung nữa. Nếu cách ly người bệnh được thì càng tốt. Để tránh lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua tay, qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ chơi, bát ăn, cốc uống… nên cho người bệnh được ăn riêng, uống ly riêng, ngủ riêng. Nên dùng khăn mặt riêng và giặt bằng xà phòng trực tiếp dưới vòi nước (không dùng lavabo hay chậu), phơi khăn ngoài nắng, giữ vệ sinh môi trường trong lành. Những đồ vật như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, điều khiển tivi, quạt… là những vật dễ lây truyền bệnh, vì vậy sau khi chạm vào phải rửa tay bằng xà phòng, tránh đưa tay lên dụi mắt, sờ vào mũi, miệng. Đặc biệt, không dùng chung một lọ thuốc nhỏ mắt cho cả nhà. Rửa tay với xà phòng sát khuẩn là một biện pháp phòng bệnh rất hữu hiệu.
Những người đang bị đau mắt đỏ không nên đến chỗ đông người mà ở nhà nghỉ ngơi để tránh lây lan và để có thời gian nhỏ thuốc. Nếu cần tiếp xúc với những người xung quanh, người bệnh nên đeo khẩu trang để hạn chế nước bọt bắn ra khi nói chuyện, khi ho…
H. NHUNG
Filed under: Bệnh ở mắt Tagged: bệnh đău mắt đỏ, dau mat do
2013-09-29 20:26:10
Nguồn: http://khoahocvadoisong.wordpress.com/2013/09/30/b%e1%bb%87nh-dau-m%e1%ba%aft-d%e1%bb%8f/