Theo đó, công tác GPMB bao gồm cắm mốc giới, xác định tọa độ, tính diện tích, làm thủ tục xin cấp đất, khôi phục 37 mốc giới, trích đo hồ sơ kỹ thuật thửa đất của từng hộ gia đình, điều tra khảo sát, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, GPMB khu đất 28,56ha trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Kinh phí chuẩn bị GPMB tạm tính là 340 triệu đồng
Thời gian hoàn thành công tác GPMB và bàn giao toàn bộ diện tích đất xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử trong năm 2013, hoàn thành công tác GPMB diện tích đất còn lại (phần đất xây dựng Công viên Hữu nghị) trong quý II/2014.
UBND TP giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố chịu trách nhiệm về sự cần thiết, tính chính xác của số liệu, tính chất các nội dung công việc trình phê duyệt điều chỉnh bổ sung, lập dự toán kinh phí các công việc chuẩn bị GPMB trình Sở Tài chính thẩm tra, phê duyệt theo quy định hiện hành, phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ an toàn mặt bằng, mốc giới khu đất. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đền bù GPMB, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với chủ đầu tư các dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Công viên Hữu nghị để chủ đầu tư các dự án tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cắm mốc giới phục vụ công tác bàn giao mặt bằng theo quy định.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia được xây dựng tại Khu A, ô đất số 7 trong công viên Hữu Nghị thuộc Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội với quy mô nghiên cứu sử dụng đất khoảng 10ha, trong khuôn viên 28 ha của Công viên Hữu Nghị.
Đây là một tổ hợp công trình kiến trúc được thiết kế, xây dựng đảm bảo tính dân tộc và hiện đại, có tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu sử dụng và chất lượng cao. Hình thức kiến trúc đẹp, tổ chức không gian linh hoạt, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu mang tính đặc thù chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng; trang trí nội, ngoại thất phù hợp với yêu cầu sử dụng và thể hiện được tính dân tộc.
Kinh Tế Đô Thị