Một sự kiện hy hữu trong lịch sử 5 thế kỷ tồn tại của ngành tư pháp của Thụy Điển mới xảy ra, khiến dư luận hết sức bất ngờ.
Tên tội phạm nguy hiểm… vô tội
Ở đất nước luôn được coi là thuộc hàng văn minh bậc nhất châu Âu là Thụy Điển, một kẻ sát nhân hàng loạt luôn bị xếp vào loại “đặc biệt nguy hiểm”, sẽ phải chịu mức án thích đáng và sẽ không bao giờ được lật lại vụ án. Thế nhưng, trường hợp của tên tội phạm Bergwall lại là trường hợp vô cùng đặc biệt.
Dân chúng Vương quốc Thụy Điển và ba nước trên bán đảo Scandinavia đều biết đến tên tuổi của Bergwall, tên tội phạm nguy hiểm nhất trong toàn bộ lịch sử vùng Bắc Âu về hành vi giết người hàng loạt, rồi ăn thịt các nạn nhân sau khi đã nhẫn tâm sát hại họ. Do hành vi thú tính ấy, Bergwall còn có thêm biệt danh “Satermannen” – kẻ ăn thịt người.
Từ năm 1994 đến năm 2001, Bergwall bị cáo buộc giết 8 người trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, cho dù bị cáo tự nhận là thủ phạm của hơn 30 vụ án mạng khác nhau ở Thụy Điển, Na-uy, Đan Mạch và Phần Lan. Theo tài liệu của Tòa án về Bergwall, hắn vốn là một kẻ đồng tính, nghiện ma túy nặng, từng có tiền án về tội xâm hại tình dục và cướp có vũ trang.
Thậm chí, cuối năm 1990, Bergwall đã bị đưa vào trại giam đặc biệt thuộc Viện Tâm thần học Syoter gần Stockholm với lý do cần phải cách ly, tránh gây nguy hiểm cho xã hội, vì có những biểu hiện tâm thần phân liệt. Điều đáng chú ý là trước khi bị giam giữ, Bergwall đã đổi tên thành Thomas Quick, hòng che giấu quá khứ tội lỗi của mình. Đây chính là “con dao hai lưỡi” của mô hình dân chủ Thụy Điển khi cho phép người dân thoải mái thay tên đổi họ theo sở thích. Bọn tội phạm có thể dễ dàng ẩn mình dưới tên gọi mới nhờ việc thay tên đổi họ này.
Không như những tên tội phạm khác là cố tình quanh co tránh tội, T.Quick lại tự nguyện khai nhận mình là thủ phạm của hơn 30 vụ án khác nhau, lần lượt xảy ra trong 30 năm trước đó với sở thích ăn một phần thi thể nạn nhân. Dĩ nhiên, sau khi thu thập lời khai của T.Quick, cảnh sát nhanh chóng vào cuộc, điều tra và xác minh lời khai.
Họ nhận thấy, lời khai của hắn hoàn toàn khớp với hiện trường của tối thiểu 8 vụ án mạng chưa tìm ra thủ phạm, từng xảy ra trên địa bàn ba quốc gia thuộc bán đảo Scandinavia và Đan Mạch. Cuối cùng, kẻ giết người hàng loạt đã bị kết án chung thân, mức án cao nhất của đất nước “hình mẫu dân chủ” bởi Thụy Điển đã bãi bỏ án tử hình từ lâu.
Nhà báo Rastam đang phỏng vấn “kẻ tội phạm đặc biệt nguy hiểm” T. Quick (người bên phải)
Thế nhưng, bỗng nhiên, đến năm 2008, T.Quick lại lên tiếng phủ nhận toàn bộ những gì đã khai và khẳng định, mình hoàn toàn vô tội. Điều này chưa bao giờ xảy ra trong ngành tư pháp Thụy Điển. Cũng vì sự việc kỳ lạ này mà phóng viên điều tra kiêm nhà làm phim kỳ cựu Hannes Rastam (1956-2012) của Đài Truyền hình Quốc gia Thụy Điển (SVT) đã bị lôi cuốn vào vụ việc. Ông quyết định đi sâu tìm hiểu và phát hiện ra những điều vô lý đáng kinh ngạc.
Kẻ thích nói dóc và nổi tiếng
Trước lý do chính đáng của phóng viên Rastam, bộ Nội vụ Thụy Điển đã cho phép ông xem xét và phân tích hơn 50.000 trang tài liệu liên quan đến tên giết người đặc biệt nguy hiểm T.Quick, bao gồm các hồ sơ thẩm vấn của cảnh sát, biên bản khám nghiệm pháp y cùng các báo cáo kết luận điều tra. Lúc còn sống, ông Rastam cho biết: “Thật sự rất khó tin khi tất cả các hồ sơ lưu trữ đều không có một bằng chứng nào có tính thuyết phục, chứng minh T.Quick chính là thủ phạm”.
Cam kết từ Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển Sau phát hiện của nhà báo Rastam, giới truyền thông đã tạo áp lực lên bộ Tư pháp, yêu cầu lật lại vụ T. Quick. Vì vậy, bộ đã phối hợp với Viện Công tố Tối cao, quyết định lật lại vụ “kẻ ăn thịt người T. Quick”. Sau đó, họ kết luận giống như đánh giá của cố nhà báo Rastam rằng, Bergwall hoàn toàn vô tội. Công tố viên trưởng Anders Perklev nhấn mạnh đến sự thật đằng sau vụ T. Quick: “Điều tồi tệ nhất trong vụ án lần này là một số người đã không thực hiện đúng chức năng, công việc của họ, khiến kẻ giết người vẫn ung dung nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Thật sự khó tin khi điều đó lại xảy ra ở một nước có bề dày tư pháp đáng tự hào như Thụy Điển”. Người đứng đầu ngành tư pháp Thụy Điển là Bộ trưởng Beatrice Ask tuyên bố, bà sẽ chấn chỉnh lại tình hình, nhằm “triệt tiêu chủ nghĩa cơ hội, tắc trách dẫn đến vô trách nhiệm trong cả lực lượng cảnh sát điều tra lẫn hệ thống tư pháp”. |
Đề làm rõ vấn đề, ông quyết định vào tận nơi biệt giam T.Quick, lấy tài liệu bổ sung để thực hiện một bộ phim tài liệu về vụ án ly kỳ dạng “khó tin nhưng có thật” này.
Chỉ đến lúc đó, người ta mới vỡ lẽ, tên khai sinh chính xác của kẻ sát nhân T.Quick là Sture Ragnar Bergwall. Rastam còn phát hiện ra một sự thật vô cùng kinh ngạc: Trong cả cuộc đời mình cho đến tận khi bị bắt giữ, Bergwall chưa hề bước chân ra khỏi quê hương Thụy Điển, huống chi đi gây án ở các quốc gia lân cận.
Theo thông tin phóng viên Rastam cung cấp cho phía cơ quan điều tra, Bergwall đã bộc bạch với ông rằng, hắn đã theo dõi rất kỹ vụ án qua các bài tường thuật chi tiết trên mặt báo và tự dựng lên các tình tiết phù hợp với hiện trường tội phạm.
Nhờ đó, Bergwall “qua mặt” được giới điều tra chuyên nghiệp. Bergwall thổ lộ, hắn chỉ muốn “bốc phét” một chút, có chút tiếng tăm bởi hắn đã sống một cuộc sống quá nhàm chán và nhạt nhòa.
Hắn nói, chỉ đợi đến khi mọi người đã biết hắn là ai, hắn sẽ thú nhận toàn bộ sự thật. Trong phần mở đầu của cuốn phim tài liệu truyền hình của mình, Rastam cho biết: “Không có xét nghiệm ADN trong quá trình điều tra, không có nhân chứng, không có dấu vân tay, không có hung khí gây án, thậm chí cũng chẳng có bất cứ văn bản kết luận nào từ một chuyên gia có uy tín, tương xứng với tội trạng của kẻ giết người hàng loạt và ăn thịt nạn nhân.
Cả vụ án chỉ dựa trên lời thú nhận của T.Quick, được thực hiện dưới tác động từ thuốc an thần liều cao…”. Chỉ tiếc rằng, bộ phim tài liệu phải bỏ dở giữa chừng vì phóng viên điều tra tài năng Rastam đột ngột mất vì ung thư tuyến tụy cuối năm ngoái
An Mai (Theo BBC)