Quận Thủ Đức (TPHCM) có thể gọi là “quận thanh niên” bởi phần lớn cư dân ở đây là thế hệ trẻ, trí thức trẻ. Cuộc sống ở quận không ít cái hay, nhưng cũng chẳng hiếm chuyện buồn. Bạn trẻ ở đây được hát kareoke miễn phí vào cuối tuần.
“Thành phố” của thanh niên
Tôi đến Thủ Đức vào buổi chiều mùa hè khi các sinh viên đang bắt đầu nhập học. Họ khăn gói tới từ khắp mọi miền đất nước. Trên đường có 10 người thì quá nửa là người trẻ.
Thủ Đức cách cầu Sài Gòn chỉ mấy cây số, nơi đây, thời Pháp có một số trường học đào tạo nghề, nhưng Thủ Đức nổi tiếng là nơi vui chơi giải trí. Dân gian có câu: “Chợ Thủ Đức năm canh thức đủ” là lối chơi chữ để chỉ cảnh ăn chơi ở nơi này. Tản Đà khi ra Bắc có làm câu thơ: “Thủ Đức, Xuân Trường khách vắng đông?”. (Xuân Trường là tên một con suối ở vùng Thủ Đức).
Sau 1975, Thủ Đức được quy hoạch phát triển thành khu trường đại học. Hiện địa bàn có hàng chục trường đại học, đào tạo nhiều ngành nghề: Đại học Nông lâm, Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Luật, các trường đại học về thư viện, thể dục thể thao, an ninh, Đại học Ngân hàng, Đại học Giao thông vận tải, các trường đào tạo về xây dựng, may mặc, giày da… Trong đó lớn nhất là Đại học Quốc gia.
Sinh viên dạy lớp học tình thương giúp dân ở Thủ Đức. Ảnh: T.N.A
Chị Nguyễn Thị Hồng Thủy, Phó bí thư Thường trực Quận Đoàn Thủ Đức nói: “Chúng tôi trực tiếp quản lý 9.700 đoàn viên địa phương. Đoàn viên trong các trường đại học do Thành Đoàn quản lý, gồm khoảng 20.000 sinh viên nữa. Ngoài ra, số thanh niên công nhân, thanh niên địa phương khoảng 32.000”. Như vậy, chỉ trong một quận Thủ Đức đã có khoảng 60.000 đoàn viên thanh niên”.
Chị Hồng Thủy nói: “Sinh viên, thanh niên đông quá, muốn đưa chủ trương gì vào sâu đến với các bạn cũng khó, vì kinh phí hoạt động của quận Đoàn có hạn”.
Nhiều mô hình tự quản
Ngoài việc học các bạn sinh viên đi làm thêm ở siêu thị, quán cơm, quán cà phê. Trang, một sinh viên bán cà phê cho biết mỗi ngày làm 6 tiếng, được hơn một triệu/tháng. “Tìm việc làm thêm với chúng em không dễ, vì không có xe máy và sinh viên, thanh niên thì đông lắm”.
Cán bộ Đoàn Quỳnh Loan cho biết “điểm sinh hoạt văn hóa cho thanh niên còn thiếu”
Loan bán quán cơm cho biết đang nghỉ hè nên làm tranh thủ. Bạn bè của cô cũng đi làm đủ thứ việc. Loan nói: “Chúng em sống chung với các chị công nhân, nên có việc gì làm nấy, quen rồi. Miễn có tiền giúp đỡ gia đình và trang trải học hành”. Phòng của cô có 5 người thì 2 là sinh viên còn 3 đi làm công nhân. Ngay sát khu các trường đại học là hai khu công nghiệp lớn với hàng vạn công nhân trẻ. Mới đây một hội chợ việc làm thu hút hàng ngàn sinh viên và công nhân tham dự.
Chị Hồng Thủy cho biết: “Chúng tôi cố gắng tập hợp thanh niên vào tổ chức”. Mô hình điển hình của họ chính là các chi hội nhà trọ, bao gồm chi hội nhà trọ thanh niên công nhân và chi hội nhà trọ thanh niên sinh viên.
Trong 12 phường của quận, nơi nào nhiều sinh viên, công nhân đều có các chi hội. Có phường hình thành hơn 40 chi hội nhà trọ. Mỗi chi hội có từ 30-40 hội viên. Chủ nhà trọ làm chi hội trưởng và đại diện của sinh viên, công nhân sẽ là chi hội phó. Thông qua chi hội, sinh viên và công nhân tham gia nhiều sinh hoạt ở địa phương…
Thủ Đức là quận giáp ranh với tỉnh Bình Dương, nơi xảy ra nhiều vụ án mạng, tội phạm không ít. Quận Đoàn đã thành lập nhiều tổ thanh niên tự quản tuần tra canh gác, tổ chống rải đinh trên đường. Họ xây dựng nhiều tổ sơ cấp cứu lưu động giúp người tai nạn. Các đội sơ cấp cứu lưu động hoạt động thường xuyên dù không có lương.
Phường sinh viên
Phường Linh Trung, quận Thủ Đức có lẽ là phường có đông sinh viên và công nhân nhất Việt Nam. Theo chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Loan – Bí thư Đoàn phường: “Diện tích của phường Linh Trung là 706 ha, dân số hiện 59.000 người, trong đó có 48.000 người là tạm trú, hơn 10.000 sinh viên”.
Trong phường Linh Trung, ngoài hàng chục trường đại học cao đẳng còn có 360 doanh nghiệp các loại, hàng trăm quán cà phê bình dân và hàng chục quán cơm bụi đông nghẹt mỗi chiều.
Với giá thuê trọ từ 800.000-2.000.000đồng/ phòng, nơi đây chỉ riêng khu phố 5 đã có tới 43 tổ nhà trọ sinh viên tự quản. Sinh viên, thanh niên phần lớn hiền hòa, nhưng đôi khi cũng xảy ra xích mích. “Cách đây một tuần ở khu phố 6, một thanh niên nhậu nhẹt xích mích đã úp cả nồi lẩu vào một bạn khác” – Loan cho biết. Họ có 47 tổ sinh viên tự quản.
Hầu như các tổ chức chính trị của phường đều tham gia quản lý sinh viên, thanh niên. Hội phụ nữ phường có Câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ với 89 thành viên, Câu lạc bộ nữ thanh niên nhà trọ với 900 thành viên. Chị Thanh Luận, ở Hội phụ nữ phường nói: “Chúng tôi thống kê thấy 98% người nhập cư ở đây là nữ, đa số là nữ sinh và nữ công nhân và lao động tự do”.
Trong lớp học tình thương của phường Linh Trung, thấy đa số là nữ. Các giáo viên nữ, học sinh nữ, phụ huynh nữ. Chị Thúy Phương, 40 tuổi, đưa con đến lớp học tình thương nói: “Con tôi không đủ tiền đến lớp nên cho đi học lớp tình thương. Tôi rất tin tưởng các cô giáo, vì họ đều là sinh viên”.
Điểm sáng
Phường Linh Trung có 48.000 người tạm trú, đa phần là thanh niên sinh viên, công nhân, đa số là nữ, nhưng có một đặc điểm của phường là chưa có nhà văn hóa.
Buổi tối, thanh niên sinh viên đi dạo khắp đường, rầm rập bước chân, họ tiến vào các quán cà phê, tiệm nét, hoặc ngồi trong nhà trọ học bài để giải khuây trong ánh đèn tiết kiệm điện. Một cán bộ Đoàn dẫn tôi đến điểm sinh hoạt văn hóa được gọi là “Điểm sáng văn hóa” của phường, nhưng đó chỉ là một quán cà phê và kem bình dân, nơi các bạn trẻ có thể hát karaoke không mất tiền vào hai tối cuối tuần. Vài tụ điểm văn hóa giải trí của quận đang sáng đèn với quảng cáo ngôi sao X, Z, nhưng giá vé không hề rẻ với túi tiền sinh viên. Quận Đoàn cho biết: “Chỉ đủ kinh phí tổ chức sinh hoạt văn hóa lồng ghép với các sự kiện dành cho sinh viên thanh niên, nhưng chưa thể tổ chức thường xuyên”.
Linh Giang, sinh viên Đại học Nông lâm nhận xét: “Buổi tối ở trong phường Linh Trung này cũng buồn chẳng khác gì trên quê em Bình Phước”. Còn Khoa, một sinh viên cơ khí máy cho biết, an ninh tự quản tốt tới mức “em để xe đạp ngoài sân nằm ngủ quên mà không mất”.
Loan tiết lộ: “Tất cả sự giải trí văn hóa của hầu hết sinh viên thanh niên ở phường Linh Trung đều nhìn vào tuyến xe buýt số 6”. Hỏi ra mới biết đấy là tuyến xe buýt đi lên thảo cầm viên nằm trong trung tâm thành phố, nơi các sinh viên không phải mua vé vào cổng.
Một cán bộ Đoàn dẫn tôi đến điểm sinh hoạt văn hóa được gọi là “Điểm sáng văn hóa” của phường, nhưng đó chỉ là một quán cà phê và kem bình dân, nơi các bạn trẻ có thể hát karaoke không mất tiền vào hai tối cuối tuần. |
2013-09-09 19:33:28
Nguồn: http://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/den-quan-thanh-nien-hat-karaoke-mien-phi-c216a570976.html