ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Hai đứa trẻ mồ côi mơ chiếc đèn trung thu
Tuesday, September 17, 2013 19:00
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


“Em chỉ thích có chiếc đèn trung thu thôi. Mẹ mất rồi, không ai mua cho nữa”, cô bé Tiệm nói.

Trên đỉnh bản Chạo, xã Cuối Hạ (Kim Bôi, Hòa Bình), có ngôi nhà đá dở dang suốt 13 năm qua không thể vẹn toàn. Trong căn nhà xám chưa được trát xi măng, anh em Bùi Văn Tình (12 tuổi) và Bùi Thị Tiệm (8 tuổi) mồ côi cha mẹ, sống với ông bà nội tuổi đã cao.

Ăn cơm xong, hai đứa trẻ ngồi chơi với những cuộn dây dù đầy màu sắc. Cô bé Tiệm thích thú cầm những sợi dù gỡ ra rồi lại đan vào. Tình tranh thủ nghỉ trưa để chiều đi chăn trâu.

top1_1379383110.jpg

Trò chơi hàng ngày của hai đứa trẻ mồ côi là những sợi dù đầy màu sắc. Ảnh: Hoàng Phương.

Ông Bùi Văn Bính kéo chiếc chiếu nằm từ trên phản trải xuống nền nhà để lấy chỗ ngồi. Người đàn ông 60 tuổi là lao động chính nuôi vợ và hai đứa cháu nhỏ. Con trai và con dâu ông đều bạc mệnh, mất sớm vì bệnh suy thận.

Đuôi mắt người đàn ông xô lại vì những nỗi đau. Ông kể năm 2005 con trai mất lúc 27 tuổi. Bé Tình khi ấy mới lên 4, còn Tiệm ở trong bụng mẹ, không được nhìn thấy mặt bố. Tháng 4 vừa rồi, mẹ chúng sau một thời gian dài chống chọi với bệnh suy thận cũng ra đi. Hai anh em thành côi cút, ở với ông bà nội.

Tình và Tiệm thương ông bà nên bảo ban nhau học giỏi. Cô bé Tiệm chỉ nặng 15 kg, thường xuyên đau ốm nhưng không học kỳ nào thiếu giấy khen của Trường tiểu học Cuối Hạ B. Học lớp 2, Tiệm được một tổ chức xã hội tặng chiếc xe đạp mini. Cô bé háo hức nghĩ đến lúc được đạp xe đến trường. Hôm nhận thưởng, hai bà cháu đi bộ từ trưa cho kịp giờ. Suốt quãng đường đi, cô bé rảo bước nhanh làm bà nội theo không kịp. Lúc nhận được xe, hai bà cháu đành dắt bộ về nhà vì bà già yếu rồi, lại không biết đi xe, Tiệm lúc ấy chưa biết đạp.

Năm học này, nhìn thấy Tình thở phì phò sau khi đi bộ 4 km và leo qua con dốc gần nhà, Tiệm nhường lại chiếc xe cho anh. Lúc đầu Tình không chịu vì nghĩ em còn nhỏ, đường đi học lại khó. Hai anh em nhường qua nhường lại, cuối cùng Tình đành nhận chiếc xe vì quãng đường đến trường THCS Cuối Hạ của cậu bé xa gấp đôi em gái.

Sáng sớm, hai đứa trẻ lót dạ bát cơm nguội rồi đi học, hôm nào sang lắm thì được chiếc bánh mì. Qua khỏi con dốc cao cạnh nhà, hai anh em đi về hai hướng ngược nhau. Quãng đường đến trường dài hơn 2 km, cô học trò phải lội qua một con suối và hai ngọn dốc cao. Nhiều hôm đi học về mệt quá, Tiệm chỉ ăn được nửa bát cơm rồi thôi. Mỗi ngày ăn được ba bát nhưng cô bé vẫn ốm dài dài, giấy khen cũng chẳng đi lấy được.

top-3.jpg

Bà Bùi Thị Nghi vừa kể chuyện, vừa rít thuốc lào. Ảnh: Hoàng Phương.

Trên đỉnh đồi Chạo, 4 con người cả già lẫn trẻ bươn bả mỗi người mỗi việc để duy trì cuộc sống gia đình. Bà Bùi Thị Nghi xuề xòa: “Đấy, phân công cả rồi. Ông già chăm sóc rừng keo, tôi trồng sắn. Thằng Tình hàng ngày chăn trâu còn con bé nuôi một đàn gà”. Nhà có 6 sào ruộng, tuổi cao sức yếu nên bà để cô con gái làm hết. Đến mùa gặt thì chia 3, hai ông bà lấy một phần, 2 phần của cô con gái cả.

Chăm nghìn rưỡi gốc keo, ông Bính khoe vừa rồi mới bán lứa đầu tiên, mua được chiếc giường cho vợ và cháu gái nằm. Ông và Tình vẫn nằm trên những tấm phản sắp mục kê giữa nhà. Ông bảo: “13 năm nhà cửa không có gì mới mẻ, cũng phải dành dụm để sửa sang lại tí chút”. Cánh cửa ngôi nhà ghép lại bằng những bao xi măng trước kia giờ đã được thay bằng cửa gỗ mới tinh. Ông còn muốn trát xi măng, quét vôi toàn bộ tường nhà, nhưng chắc phải chờ thêm 7 năm nữa, bán lứa keo khác thì mới có tiền để sửa. “Chẳng biết hai thân già này còn chờ được đến lúc đó không. Nếu không chắc phải để thằng Tình làm”.

Tháng 4, hai anh em được Hội chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình hỗ trợ xây căn nhà tình nghĩa trị giá 30 triệu đồng. Thôn xóm và gia đình đề nghị với chính quyền xã để số tiền đó sửa sang hoàn chỉnh căn nhà cũ đang ở nhưng không được đồng ý. Cuối cùng, ông Bính phải dẹp đi một góc mảnh vườn để xây thêm ngôi nhà rộng 27 m2 bằng gạch đá, mái lợp bằng những tấm bờ rô xi măng. Bà Nghi phe phẩy chiếc quạt mo, chỉ xuống căn nhà trống hươ trống hoắc, bảo: “Nóng lắm, chịu, không ở được. Ở nhà đá này mát mẻ hơn”.

Ông bà bận chăm sóc rừng keo, vườn sắn nên giao cho anh em những công việc nho nhỏ. Tình đen nhẻm, gầy guộc nhưng lanh lợi, nhận nhiệm vụ dắt trâu lên đồi keo gần nhà sau mỗi buổi học. Mùa đông năm ngoái lạnh quá, trâu mẹ chết, chỉ còn  mỗi nghé con nên chăm cũng nhàn.

Học anh, cô bé Tiệm nuôi một đàn gà. Cách đây mấy ngày, con gà mái to nhất đang ấp trứng thì bị bắt trộm làm Tiệm khóc mãi. Còn 11 quả trứng gà đang ấp dở, bà Nghi đem luộc hết. Hai anh em được bữa trứng gà lộn no nê. “Người ta bắt mất gà mẹ rồi, mình không ăn trứng thì để ai ấp cho”, bà Nghi phân trần.

Mùa giáp hạt, thỉnh thoảng 4 người phải ăn cơm độn sắn. Nhiều hôm phải nhường cơm cho các cháu, bà bảo miễn là chúng được ăn no, học giỏi, hai ông bà chỉ một vực cơm là đủ. Bà luôn dặn dò hai đứa trẻ: “Gắng học các con nhé, để bà đi họp phụ huynh được nở mày nở mặt với làng bản”.

top5-5647-1379388155.jpg

Căn nhà bằng đá dang dở suốt 13 năm qua. Ảnh: Hoàng Phương.

Dở câu chuyện, người đàn bà lôi chiếc điếu cày làm bằng ống bương ở góc nhà ra châm điếu. Rít một hơi thuốc, bà trầm ngâm: “Vì vui quá nên ta hút, ngày trước đâu có biết hút”. Bà bảo hôm qua đi họp phụ huynh cho bọn trẻ, nghe thầy cô giáo khen hai đứa ngoan hiền, học giỏi nên thấy vui trong lòng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, ông bà chưa biết xoay sở đâu số tiền đóng góp 700 nghìn đồng đầu năm của Tình và 580 nghìn đồng của Tiệm.

“Hơn một triệu đồng cơ đấy. Keo vừa bán hết rồi, lúa còn trên nương chưa gặt. Tháng 12 mới được thu hoạch sắn, cũng phải để dành sắm cho bọn trẻ bộ quần áo mới vào Tết nữa chứ”, nói rồi bà lại rít tiếp một hơi thuốc.

Ngồi cạnh đứa cháu gái, người bà vuốt mái tóc khá dày và mềm mượt của Tiệm rồi cho hay, nhiều hôm đi học, nó nhờ bà chải tóc. Xong thấy bà chải không đẹp bằng mẹ, cô bé lại tự chải lấy.

Trung thu sắp đến, hai anh em đi xin những quả thị rụng về xếp vào tủ cho thơm nhà. Mấy hôm nay mưa nhiều, cây thị cuối mùa chín rụng gần hết nên chẳng còn thị để xếp nữa. “Em chỉ thích có đèn ông sao thôi. Năm trước mẹ bảo sẽ mua bánh nướng và đèn cho. Giờ mẹ mất rồi, đèn ông sao cũng chẳng có nữa”, Tiệm nghèn nghẹn rồi lại tiếp tục chơi với những sợi dù đầy màu sắc. Cô bé khoe đã biết đan những chiếc khăn mùa đông nhưng chưa có len để đan.

Nhắc đến anh em Tình và Tiệm, ông Bùi Ngọc An, trưởng thôn Chạo tặc lưỡi, thương hai đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi nhất xóm nhưng sớm mồ côi. “Hiện nay, ngoài số tiền trợ cấp con mồ côi 360 nghìn đồng một tháng của hai anh em và chứng nhận hộ nghèo của ông bà, các cháu không có khoản hỗ trợ nào thêm”, ông An thông tin.

Theo vnexpress

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.