(Quốc phòng) – Mỹ đánh Syria bất chấp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có đồng ý hay không là điều có thể, Mỹ tấn công bằng mọi phương tiện, vũ khí hiện đại nhất thế giới, tấn công trong nhiều ngày hay thậm chí nhiều tháng là điều có thể. Đơn giản là vì Mỹ là cường quốc quân sự số 1 thế giới. Nhưng dùng lực lượng bộ binh tham chiến là điều không thể thì rốt cuộc, kết quả thu được là gì?
Thành ngữ người Việt bắt bài Mỹ
Chiến tranh. Khi vũ khí bom đạn làm xong công việc của nó thì sự xuất hiện của người lính trên chiến trường, làm chủ chiến trường, luôn là dấu hiệu cuối cùng cho thấy chiến tranh hay một chiến dịch quân sự nào đó kết thúc hay chưa.
Dù vũ khí thông minh đến mấy, uy lực đến mấy, nhưng khi không có sự xuất hiện người lính trên chiến trường thì đó chỉ là một cuộc tàn phá vô nghĩa chứ không phải là một cuộc chiến tranh “không có ý thức”.
Nhưng việc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ không cho phép Tổng thống Mỹ Obama sử dụng lực lượng trên bộ tham chiến “trừng phạt” Syria là có lý do của nó.
Đó là tránh dính phải vũ khí hóa học (VKHH) của Syria khi “cố cùng liều thân” đem ra sử dụng.
Tại chiến trường Irac, mặc dù cho rằng Irac đang che dấu vũ khí giết người hàng loạt (đây cũng là nguyên nhân Mỹ tấn công Irac) nhưng lính Mỹ vẫn tham chiến vì hơn ai hết Mỹ thừa biết Irac không có loại vũ khí đó.
Tuy nhiên ở Syria thì khác, VKHH mà Syria có là chắc chắn và quan trọng hơn là Mỹ không biết chắc Syria sử dụng bằng cách nào.
Tấn công Syria đối với Mỹ không thành vấn đề, Syria không thể có cơ hội để ngăn chặn, phản công, kể cả Nga can thiệp. Nhưng vấn đề của Mỹ là sau khi chiến dịch kết thúc thì tình hình Syria sẽ diễn biến ra sao mới cần suy nghĩ cẩn trọng.
Thật ra, Mỹ trừng phạt Syria không đơn thuần là để “răn đe, ngăn ngừa không cho chính quyền Tổng thống Assad tái phạm lần nữa…” mà là lật đổ chế độ này, dựng lên một chế độ khác thân Mỹ.
Liệu Mỹ có đặt cược vào một lực lượng hung hãn moi tim, ăn gan, uống máu đồng loại hay không? (Ảnh: Lính lực lượng phe nổi dậy moi tim binh sỹ chính phủ ăn sống) |
Kết quả của đòn tấn công của Mỹ sẽ xảy ra 2 tình huống:
Một, lực lượng chính phủ của Tổng thống Asssad bị đánh quỵ, mất sức chiến đấu hoàn toàn. Lúc này, phe nổi dậy sẽ được hưởng lợi lớn trong “đòn trừng phạt” của Mỹ và chính họ là người lính xuất hiện trên chiến trường và không ai khác ngoài lực lượng phe nổi dậy sẽ làm chủ đất nước.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là cái gọi là “lực lượng phe nổi dậy” này giống như một “nồi lẩu”, cho nên đối với Mỹ độ tin cậy không bao giờ cao và họ cũng không tin gì Mỹ, cảnh giác, sẵn sàng “đâm” Mỹ.
Mỹ có chắc rằng VKHH của chính quyền TT Assad không lọt vào tay của “lực lượng phe nổi dậy” mà theo đánh giá “khiêm tốn” của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ là chỉ có 15 đến 20% là thành phần cực đoan, khủng bố?
Vì vậy, bỏ ra nhiều tiền của khi tấn công Syria, trừng phạt lực lượng chính phủ của Tổng thống Assad xong rồi “để đấy” cho “lực lượng phe nổi dậy” làm chủ là điều Mỹ chưa dám, là sự đặt cược quá lớn không thể chấp nhận.
Hai, đòn tấn công của Mỹ không thể đánh quỵ được lực lượng của Tổng thống Assad hay tổn thất mà Tổng thống Assad gánh chịu chưa đủ để cho lực lượng phe nổi dậy áp đảo hoàn toàn sau khi đòn tấn công kết thúc.
Nên nhớ là không chỉ riêng “lực lượng phe nổi dậy”, chính phủ Syria của Tổng thống Assad cũng nhận được sự ủng hộ từ các “đội quân quốc tế”.
Đầu tiên có thể kể đến là Lực lượng Vệ binh cách mạng I-ran (IRGC). Vai trò của họ không phải là để chiến đấu mà là hỗ trợ kỹ thuật cho quân đội Syria trong các lĩnh vực tình báo, chiến thuật và hậu cần. Khi cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và phe đối lập trở nên ác liệt, IRGC còn cung cấp thêm vũ khí và đạn dược.
Ngoài ra, Syria còn nhận được sự ủng hộ của lực lượng Hezbollah ở Li-băng. Hơn 10.000 thành viên Hezbollah đang chiến đấu tại Syria và đã hỗ trợ quân đội của Tổng thống Assad chiếm lại khu vực quan trọng Latakia cũng như thành phố Homs từ tay lực lượng đối lập.
Ngày 29/8, Hezbollah đã tuyên bố tình trạng báo động và bắt đầu triển khai quân tới miền Nam Li-băng, giáp biên giới với Syria, sẵn sàng hỗ trợ Tổng thống Assad trong trường hợp phương Tây can thiệp quân sự vào nước này.
Bên cạnh đó, nguồn tin rò rỉ từ Tehran cho biết, khoảng 1.500 chiến binh “Lữ đoàn Badr” ở I-rắc đang có mặt gần Đa-mát và sẵn sàng xung trận khi nhận được lời cầu viện từ phía chính quyền Tổng thống Assad.
Các lực lượng này chỉ cần Mỹ tuyên bố kết thúc chiến dịch là lập tức tràn vào Syria hỗ trợ cho Tổng thống Assad ngay tức khắc (chưa tính đến lực lượng Nga đang ém sẵn trên các con tàu đổ bộ hay căn cứ cảng Tartus để xư lý tình huống bất trắc).
Lúc này, rõ ràng là đòn tấn công của Mỹ trở nên vô nghĩa, vô ích. Người Việt Nam có câu “ném đá ao bèo” là rất chính xác cho trường hợp này.
Ném hàng trăm quả tên lửa, tồn hàng trăm triệu USD rồi đâu cũng vẫn vậy.
Đặt Mỹ vào hai lựa chọn
Có lẽ đây là hy vọng, là đối sách của lực lượng quân đội của Tổng thống Assad. Họ làm sao giảm tối thiểu tổn thất khi Mỹ tấn công bằng cách sơ tán, che giấu lực lượng để sẵn sàng cho cuộc đối đầu với lực lượng phe nổi dậy hơn là Mỹ.
Như vậy, chưa tính đến tác động của đòn tấn công vào Syria đến toàn bộ khu vực Trung Đông mà ngay tại Syria cũng đặt Mỹ vào 2 lựa chọn khó khăn.
Một là có nên đặt cược quá lớn vào lực lượng phe nổi dậy hay không? Nếu không cẩn trọng Mỹ tự rước hiểm họa vào cho mình, không chừng Mỹ muốn tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa.
Hai là nếu chấp nhận lực lượng phe nổi dậy thì “trừng phạt” với “liều lượng” bao nhiêu để chính quyền Tổng thống Assad mất sức chiến đấu, tạo điều kiện cho “lực lượng phe nổi dậy” dễ dàng “thu dọn chiến trường”?
Nếu chưa “đủ đô” đã dừng thì như “ném đá ao bèo”. Và, liệu có chắc chắn là một cuộc tấn công trừng phạt có giới hạn này thì chính quyền của Tổng thống Assad sẽ sụp đổ?.
Có vẻ như Mỹ đã lựa chọn cách để dừng cuộc chơi, thay vì như bình luận của Đất Việt trong bài viết “Tuyên bố sắc lạnh của Nga khiến Mỹ đắn đo, lựa chọn”, rằng:
“Sẽ rất đơn giản để Mỹ dừng cuộc chơi một cách đàng hoàng, bảo toàn danh dự khi chấp nhận kết quả điều tra của phái đoàn LHQ công bố là, “sử dụng VKHH không phải do quân đội của Tổng thống Assad” thì nay Mỹ ra điều kiện nặng hơn là: Chính quyền Tổng thống Assad phải nộp toàn bộ VKHH thì khỏi bị tấn công “trừng phạt”.
Nếu như mục tiêu đòn tấn công vào Syria như Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đặt ra là “…để ngăn chặn không cho Syria thực hiện lần khác” thì xin chúc mừng nước Mỹ và Tổng thống Obama. Lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ thắng lợi trọn vẹn trong một cuộc chiến tranh “vì an toàn cho sự sống của nhân dân thế giới” mà không tốn một viên đạn, một giọt máu.
Bóng đến chân Syria
Trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Mỹ buộc Triều Tiên phải ngừng và hủy bỏ VKHN mới ký hiệp định hòa bình, không xâm lược, trong khi Triều Tiên thì yêu cầu ngược lại ký xong rồi tiến hành hủy bỏ. Rõ ràng là Mỹ muốn gây căng thẳng với Triều Tiên chứ chưa muốn Triều Tiên hủy bỏ VKHN.
Trong vấn đề Syria thì lại có dấu hiệu khác, tính chất khác. Mỹ tuyên bố rõ ràng là là nếu nộp toàn bộ VKHH thì khỏi bị tấn công.
Vì vậy, chúng ta có quyền hy vọng sau khi chính quyền Tổng thống Assad nộp hết VKHH thì Mỹ không tấn công trực tiếp vào Syria.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Assad có tin Mỹ hay không, có đủ khả năng vượt qua được đòn tấn công của Mỹ để giữ lại VKHH làm công cụ răn đe các nước khác hay không lại là chuyện chỉ có Syria mới có câu trả lời chính xác.
Quả bóng đã chuyền đến chân Syria.
2013-09-10 19:55:50
Nguồn: http://phunutoday.vn/quoc-phong/my-danh-syria-va-cau-nem-da-ao-beo-cua-viet-nam-32030.html