(Quốc Phòng) – Các nước Mỹ, Nhật, Trung gần đây liên tục bày tỏ sự quan tâm đến ASEAN. Trên thực tế, việc các cường quốc muốn tranh thủ ASEAN không mới, nhưng cấp độ gia tăng quan hệ tăng lên thời gian gần đây đã khiến không ít người bất ngờ.
Nhật mở rộng hợp tác kinh tế, quân sự
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đến thăm ASEAN ba lần kể từ khi trở lại nắm quyền năm ngoái. Chuyến đi gần đây nhất của ông là tới Malaysia, Singapore và Philippines. Tổng cộng, ông Abe đã tới thăm 7 nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Philippines Benigno Aquino duyệt đội quân danh dự ở Manila sáng 27/7. |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết tăng cường hợp tác hàng hải với Philippines để chống lại tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
“Đối với Nhật Bản, Philippines là một đối tác chiến lược mà chúng tôi chia sẻ những giá trị cơ bản và nhiều lợi ích. Để củng cố mối quan hệ này, chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực bảo vệ bờ biển của Philippines”, ông Abe phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngay sau hội đàm.
Hồi đầu năm nay, Nhật Bản đã tuyên bố sẽ mở rộng các khoản vay bằng đồng yen cho phép Philippines mua 10 tàu tuần tra bảo vệ bờ biển của Nhật Bản.
Vào tháng 6/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trong chuyến thăm Philippines đã tuyên bố hai nước sẽ hợp tác trong việc “bảo vệ các hòn đảo xa, cũng như bảo vệ các lợi ích hàng hải”.
Hồi tháng 5/2013, ông Shinzo Abe chẳng những xóa nợ cho Myanmar mà còn hứa hẹn có thêm các khoản tiền cho vay mới để phát triển. Nhật Bản đã hủy số nợ 1,74 tỉ USD và cho vay thêm nửa tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng và điện lực. Trước đó, Nhật Bản đã xóa hơn 3,5 tỉ USD nợ cho Myanmar.
Ông Abe từng tuyên bố ASEAN là mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản: “Tôi đặc biệt chú trọng đến mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước ASEAN”.
Thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng các doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hướng mở rộng đầu tư trực tiếp và chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Hiện tượng này được giới công nghiệp gọi là “China plus one” (Trung Quốc+1). Địa chỉ đỏ mà các công ty Nhật Bản thường hướng tới có thể gọi tắt bằng ba chữ cái ghép lại “V.I.P” đó là Việt Nam, Indonesia và Philippines. Ngoài ra, Myanmar cũng là thị trường được nhiều doanh nghiệp Nhật để mắt tới.
Mạng tin Sankei dần nguồn Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản trong nửa đầu năm 2013 vào ASEAN đạt 1.020 tỷ yen trong khi Trung Quốc là 490 tỷ yen.
Bên cạnh đó, dựa trên dữ liệu do JETRO cung cấp trên mục “Thông tin khu vực và quốc gia” năm 2012, tỷ lệ đầu tư tăng so với năm trước lần lượt là Myanmar 66%, Philippines 15%, Indonesia 13%, và đây là những thị trường mà doanh nghiệp Nhật đặc biệt quan tâm. Trong khi đó, đầu tư vào Trung Quốc xuống còn âm 8%.
Mới đây, vào ngày 25/6, bộ Ngoại giao Nhật Bản đã chính thức tuyên bố sẽ miễn thị thực nhập cảnh đối với công dân một số nước ASEAN nhằm phát triển ngành công nghiệp du lịch của nước này đồng thời thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á.
Trung Quốc đổi giọng
Trong khi đó, Trung Quốc cũng tăng cường bang giao với ASEAN và còn biểu thị giọng điệu mang tính hòa giải hơn trong các cuộc họp cấp cao gần đây với các đối tác ASEAN. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tới thăm ASEAN ít nhất 3 lần. Đặc biệt, hồi tháng 6 năm nay, Trung Quốc đã đồng ý đàm phán với ASEAN về đề xuất bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Các đại biểu tham gia cuộc họp quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc về triển khai DOC lần thứ 9. Ảnh: QĐND |
Theo TTXVN, trong hai ngày 14 và 15/9, tại TP Tô Châu, Trung Quốc đã diễn ra các cuộc họp lần thứ 6 Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN-Trung Quốc và cuộc họp lần thứ 9 Nhóm Công tác chung ASEAN-Trung Quốc về triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Đáng chú ý tại cuộc họp lần này, ngoài việc định kỳ kiểm điểm và thúc đẩy thực hiện DOC, ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành tham vấn chính thức lần đầu tiên ở cấp SOM về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) theo quyết định của Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao hai bên tại Brunei ngày 30/6 vừa qua.
Các nước ASEAN và Trung Quốc đã đạt được nhất trí bước đầu về những bước đi sắp tới cho việc xây dựng COC. Hai bên khẳng định cần phải quyết tâm và nỗ lực hơn nữa trong nhiệm vụ này; đồng thời giao cho Nhóm Công tác chung và các cơ chế trực thuộc (có thể được lập sau này) nhiệm vụ hỗ trợ cấp SOM trao đổi về xây dựng COC.
Trong khi đó, tại Hội thảo Khu vực về ASEAN và Biển Đông: Thành tựu, Thách thức và Định hướng tương lai, do Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia cùng Quỹ Văn hóa và Nghệ thuật Quốc tế Nhật Bản phối hợp tổ chức tại Phnom Penh kéo dài 2 ngày 19-20/9, Trung Quốc đã đổi giọng với ASEAN khi bàn về Biển Đông.
Tại Hội thảo, các đại biểu Trung Quốc không còn đặt ra câu hỏi là Biển Đông có phải là vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc hay không nữa, mà tập trung đánh giá về hệ lụy ảnh hưởng đối với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc, nếu ASEAN và Trung Quốc không kiểm soát được tình hình Biển Đông.
Đại biểu Trung Quốc cũng không còn thảo luận việc ASEAN và Trung Quốc có cần thiết có Bộ Quy tắc ứng xử về Biển Đông hay không, mà tập trung vào việc tìm giải pháp để xây dựng được một Bộ Quy tắc ứng xử như vậy.
Những tiến bộ này trái ngược hẳn với quan điểm trước đây của Trung Quốc, khi nước này kiên quyết từ chối cùng ASEAN xem xét các vấn đề lãnh thổ trên biển. Chẳng hạn như lần được cho là gây ảnh hưởng để ASEAN không ra được tuyên bố chung đề cập tranh chấp biển Đông tại cuộc họp cấp bộ trưởng của khối lần thứ 45 tháng 7/2012 ở Campuchia.
Về mặt kinh tế, hãng thông tấn Bernama của Malaysia dẫn lời ông Liang Wentao, Vụ phó Vụ châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, ASEAN hy vọng sẽ vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong vòng từ 3-5 năm tới.
Theo ông Liang Wentao, gần đây kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ cao hơn so với kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN khoảng 40-50 tỷ USD.
Nhìn vào mức độ tăng trưởng trong giai đoạn hiện tại, ông Liang Wentao lạc quan rằng ASEAN sẽ nhanh chóng vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc.
Phát biểu với báo chí, ông Liang Wentao nêu rõ trong tám tháng đầu năm nay thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 284,34 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông nói: “Trong năm 2012, thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc đạt 400 tỷ USD với mức tăng trưởng hàng năm 22%, cao gấp 7,3 lần so với mức tăng trưởng của 10 năm trước đây. Tuy nhiên, thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Mỹ tăng 6,6% trong 8 tháng đầu năm nay.”
Hiện tại, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc sau Liên minh châu Âu và Mỹ.
Mỹ tăng cường các chuyến thăm
Không kém cạnh Trung, Nhật, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng đồng thời có chuyến thăm tới các nước ASEAN, nhằm khẳng định tầm quan trọng, mối liên kết và sức mạnh của Mỹ, với vai trò trung tâm ở khu vực. Philippines và Mỹ cũng bắt đầu thảo luận để mở rộng quyền tiếp cận các căn cứ quân sự cho lực lượng của Mỹ, như một phần trong chiến lược xoay trục về châu Á của Washington.
Theo VOA, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã gặp gỡ với bộ trưởng quốc phòng các nước Châu Á hôm 28/8 tại Brunei bên lề Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng. Ông Hagel kêu gọi kiềm chế trong tranh chấp ở Biển Đông và nhấn mạnh đến chiến lược chuyển trọng tâm quân sự của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel với một đồng nhiệm ASEAN. |
Sắp tới, Tổng thống Mỹ Obama cũng sẽ có chuyến công du 4 nước Đông Nam Á để tăng cường mối quan hệ cũng như bàn về các vấn đề kinh tế an ninh. Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đi thăm Indonesia, Brunei, Malaysia và Philippines từ ngày 6-12/10.
Theo TTXVN, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ bắt đầu chuyến công du của ông tại Indonesia để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của những nước đàm phán về thỏa thuận thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhằm có thể hoàn tất tiến trình vào cuối năm nay. Ông cũng sẽ tham dự hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) ở nước này.
Theo ông Dylan Loh, thạc sĩ về quan hệ quốc tế thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) tại Singapore, ASEAN đương nhiên hưởng lợi từ tất cả những “lời ve vãn” này, nhưng hiệp hội cần duy trì sự điềm tĩnh và tránh bị nhìn nhận là nghiêng về bất cứ bên nào. ASEAN cũng phải tránh bị ép phải quy phục. Theo cách khôn ngoan nhất, ASEAN nên tiếp tục tạo dựng một hình ảnh trung lập. Điều đó sẽ giúp bảo đảm khu vực này vẫn “có giá” cả về mặt ngoại giao và kinh tế.
2013-09-24 01:21:07
Nguồn: http://phunutoday.vn/quoc-phong/my-nhat-trung-dua-nhau-cham-soc-asean-32612.html