Lần đầu tiên được nghe những bản tình ca của Trịnh, ông đã xem âm nhạc và chiếc đàn guitar như người bạn tri kỷ. Để rồi từ đó, ông say mê luyện tập và trở thành một tay chơi đàn điêu luyện. Trong 60 năm của cuộc đời, hơn quá nửa ông đã dành để hát và đàn nhạc Trịnh.
Những người yêu chất phong trần, gọi ông là “gã du ca”, là “nghệ sĩ ẩn danh”. Đến nay, ông đã tự quay hàng trăm video đàn và hát nhạc Trịnh, đưa lên mạng chia sẻ cùng bạn bè khắp năm châu. Ông tên Trần Văn Quang (SN 1953) hiện trú ở TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp…
Nặng nợ với nhạc Trịnh…
Tôi biết ông trong một lần truy cập youtube, được xem một đoạn video do chính ông tự quay. Trong đoạn video ấy, ông đánh đàn guitar và hát bản tình ca: Một cõi đi về . Với phong thái điềm đạm, nhập tâm vào lời hát, ông khiến người nghe ai cũng trầm trồ ngợi khen.
Vốn là dân có “máu” guitar, tôi quyết tìm cơ hội để “diện kiến” vị nghệ sĩ này. Rồi tôi cũng gặp được ông sau nhiều lần lỗi hẹn. Ngoài khuôn mặt khá điển trai theo cái cách của tuổi 60, ông giống một người trí thức hơn là một lãng tử phong trần mà tôi tưởng. Bên tách trà nóng nghi ngút khói, ông bắt đầu kể về mình…
Ông sinh năm 1953, cha mẹ quê gốc ở Nam Định, vào định cư ở Sài Gòn từ trước giải phóng, rồi sinh ra ông. Ngay từ thuở bé, ông đã mê đàn guitar. Đặc biệt khi nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh, nghe độc tấu guitar, Trần Văn Quang đã coi âm nhạc như một người bạn tri kỷ, không thể thiếu mỗi ngày.
Năm 15 tuổi, tiết kiệm từng đồng lẻ tiền ăn sáng, cậu bé Quang mua cây đàn guitar đầu tiên từ một người bạn. Suốt những năm tháng sống giữa chiến tranh và sau này trong thời bình, hành trang của ông có thể áo sờn, dép rách nhưng không thể thiếu đi cây đàn guitar khoác trên vai. Đến một ngày, ông trở thành tay chơi đàn điêu luyện. Với phong thái biểu diễn điềm đạm, nhập tâm vào lời hát khiến người nghe ai cũng mê hoặc, trầm trồ ngợi khen. Rồi ông quen và có tình cảm với một phụ nữ ở TP.Cao Lãnh, cưới làm vợ, từ đó ông xuống quê vợ lập nghiệp.
Ở miền Tây sông nước, người ta thích nghe đờn ca tài tử hơn, nên tên tuổi người nghệ sĩ ẩn danh chưa mấy ai biết đến. Đến năm 2008, ông Quang tiếp cận internet, mày mò gửi một số video quay lại tiếng đàn và hình ảnh ông lên trang mạng YouTube. Không ngờ những đoạn nhạc guitar của ông nhận được hàng chục nghìn lượt truy cập và hàng trăm lời bình luận, đa số khen ngợi tài đánh đàn điêu luyện của ông; nhiều người ngỏ ý muốn được học đàn và trực tiếp một lần tận tai nghe ông dạo đàn.
Bạn bè chia sẻ không chỉ ở trong nước mà còn ở một số nước châu Á, châu Âu và Mỹ. Hồi học phổ thông ông Quang học cả tiếng Anh, tiếng Pháp nên hiện giờ có thể sử dụng hai ngôn ngữ này trao đổi, chia sẻ âm nhạc với bạn bè khắp năm châu. Hiện nay, tổng cộng ông “tung” lên trang mạng YouTube hơn 400 đoạn phim, được hàng triệu lượt người xem và hàng nghìn bình luận. Đáp lại tình thân mến đó, ông Quang chăm chỉ lên mạng, trả lời và hướng dẫn chi tiết những câu hỏi và lời bình luận của những người quan tâm.
Người yêu âm nhạc không chỉ mê tiếng đàn ông tuyệt diệu mà còn khen ông ở giọng hát ấm áp, truyền cảm, rất có hồn. Ông chia sẻ: “Trong số hơn 400 bản đàn tôi chia sẻ trên mạng YouTube thì quá nửa trong số đó là nhạc Trịnh. Gần 50 năm chơi nhạc Trịnh nhưng không khi nào tôi thấy nhàm chán, mỗi lần đàn nhạc Trịnh lại có cảm xúc khác nhau. Cái hay của nhạc Trịnh, cũng là điều thú vị mà tôi rút ra được là trong những bản nhạc du dương, có lúc buồn đến não lòng là cả một triết lý sống, hướng con người đến tình yêu thương và gần gũi nhau hơn”.
Long đong một kiếp cầm ca…
Bản thân ông Quang chịu ảnh hưởng bởi triết lý sống trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, mà nói theo cách của ông là “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Tiếp xúc và tìm hiểu cuộc sống của ông mới thấy đó là những chia sẻ rất chân tình. Hiện nay ông sống một mình trong căn nhà trọ trong hẻm 156/7, đường Nguyễn Thị Lựu. Trong căn phòng rộng khoảng 20 mét vuông, tài sản lớn nhất của ông là bốn cây đàn guitar và chiếc máy tính nối mạng internet. Niềm vui của ông là dạy đàn cho thế hệ trẻ ngay tại căn phòng trọ.
Vào mỗi buổi chiều đều có người đến đây học, đủ thành phần và lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên cho đến công nhân viên chức; tất cả đều cùng sở thích yêu nhạc và mê tiếng đàn “thầy Quang”, tên gọi thân thương và kính trọng mà người dân Cao Lãnh gọi ông. “Tôi muốn hướng mọi người đến với một thứ âm nhạc có giá trị nên mở lớp dạy học này. Rất may được nhiều người ủng hộ và theo học. Hiện ở Cao Lãnh có một câu lạc bộ guitar mang tên Calacity (viết tắt của Cao Lãnh city; city tiếng Anh là thành phố – PV), thành viên đa số là những học trò tôi dạy”, ông Quang nói.
Ngoài cương vị người thầy, ông còn là một tay chơi đàn không thể thiếu tại một số quán cà phê, phòng trà ở TP.Cao Lãnh. Hằng tuần vào buổi tối ông có hai chương trình biểu diễn tại một quán cà phê ở thành phố Cao Lãnh. Trong đó, tối thứ ba là biểu diễn nhạc Trịnh; tối thứ sáu là “Đêm tác giả”, chọn ra một nhạc sĩ cụ thể nào đó rồi giới thiệu, biểu diễn các tác phẩm của họ, thường là những nhạc sĩ tên tuổi như Văn Cao, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Phú Quang… Ngoài ra, hằng năm cứ đến ngày sinh hoặc ngày mất Trịnh Công Sơn, ông được mời lên TP.HCM tham gia biểu diễn đêm nhạc tưởng niệm cố nhạc sĩ tài hoa này ở “Hội quán Hội ngộ” tại làng du lịch Bình Quới 1.
Một số quán cà phê ở TP.Long Xuyên (An Giang), TP.Cần Thơ, Vĩnh Long… khi có dịp đều mời ông biểu diễn đàn guitar. “Tôi nhận lời tham gia vì đam mê chứ không màng danh lợi”, ông nói.
“Điều làm tôi buồn nhất là chính những người thân của tôi lại không chia sẻ được với tôi”, ông nói. Do bất đồng quan điểm về lối sống, ông với vợ từng ly thân một thời gian dài, ông bỏ ra Đà Nẵng năm 2000 lập ra quán cà phê Nhạc Trịnh. Đến năm 2004, biết tin vợ ốm nặng, ông bỏ Đà Nẵng về lại Cao Lãnh chăm sóc vợ. “Vì tình nghĩa, tôi không thể bỏ mặc vợ khi đau ốm”, ông nói. Thế nhưng cuộc sống sau đó cũng chẳng suôn sẻ gì hơn… Cách đây ba năm, ông chia tay với vợ, ra ở trọ riêng trong một con hẻm nhỏ, một mình làm bạn với đàn ca, nhạc Trịnh. Con cái ông đều đã lập gia đình, sinh sống ở Gài Gòn.
“Điều làm tôi luyến tiếc nhất chính là chưa một lần được gặp mặt anh Sơn. Nhưng dẫu sao được hát và chơi những bản tình ca của anh là tôi mãn nguyện lắm rồi”. Ông nói. Lúc rảnh rỗi, ông hay ôm đàn ngồi hát một mình, có khi ông bỏ thời gian đi sưu tầm những tư liệu, hình ảnh, di vật hoặc sách vở nói về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Vừa trò chuyện, ông vừa kể cho tôi nghe kế hoạch chuẩn bị cho đêm nhạc Trịnh với chủ đề “Chiếc lá thu phai” sắp diễn ra trong vài ngày tới. “Cả đời tôi đã tắm trong dòng sông nhạc Trịnh. Dòng sông ấy đã cho tôi những chiêm nghiệm, lý tưởng sống trong cuộc đời. Bất kỳ ai, dẫu buồn, dẫu vui cũng tìm thấy một phần mình trong tấm gương nhạc Trịnh, và chỉ có nhạc Trịnh mới cho ta những điều như thế”- vẫn lời ông chia sẻ.
“Có một điểm chung giữa những ai nhiễm “máu” nghệ sĩ là thường cô đơn bởi không có phụ nữ chia sẻ. Trịnh Công Sơn yêu nhiều nhưng không chung sống được với ai, Xuân Diệu là “ông hoàng thơ tình yêu” cũng lẻ bóng đến cuối đời. Tôi mặc dù có vợ, nhưng cô đơn triền miên để rồi cuối đời chia tay trong tuyệt vọng”, ông Quang suy ngẫm. Ông cũng cho rằng, người có “máu” nghệ sĩ luôn khát khao giao cảm với đời nhưng thường thì “cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu”, khiến họ luôn cảm thấy cô đơn.
Nhưng chính vì điều đó, ông bảo: “Những nỗi đau trong đời thường, đau trong tình cảm thấm sâu trong nội tâm, và khi tiếng đàn, lời ca cất lên, tất cả nỗi đau đó được tuôn trào ra theo dòng cảm xúc”. Tôi xin phép ra về, ông còn bước theo tiễn tôi ra tận cửa. Trong con hẻm nhỏ buổi chiều nhạt nắng, những chiếc lá khô khua xào xạc bên đường. Tôi ngoảnh lại, ông đã quay vào phòng, miệng hát vu vơ. Tôi nghe tiếng đàn guitar còn vẳng bên tai cùng lời hát: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.
Hào Hiệp (Dòng Đời)