Sau nhiều năm liền bị cha mẹ thúc giục chuyện hôn nhân, một cô gái Trung Quốc tên là Zhang Yu đã quyết định chuyển đến nơi khác sống để thoát khỏi gánh nặng là “nghĩa vụ” cô phải mau chóng lập gia đình đến từ nhiều phía trong xã hội…
Những người phụ nữ bị bỏ sót tại Trung Quốc
Zhang Yu đã quyết định chuyển từ tỉnh Hồ Nam đến thành phố Thượng Hải vào đầu năm 2013 để trốn tránh áp lực kết hôn và gây dựng lại sự nghiệp riêng cho bản thân mình. Quyết định không kết hôn của cô gái Zhang Yu là một quyết định cực kỳ hiếm gặp trong một xã hội mà những người phụ nữ có học thức, thường xuyên bị gia đình, xã hội, bạn bè… nói rằng họ sẽ bị cô đơn và khốn khổ lúc về già nếu họ không sớm tìm được cho mình một người chồng và lên kế hoạch kết hôn. Zhang đã từng sống cùng với bố mẹ ở tỉnh Hồ Nam, để tiết kiệm tiền sau khi hoàn thành tấm bằng cao đẳng của mình nhưng khi cảm thấy rõ sự ngột ngạt và căng thẳng trong gia đình, cô thay đổi môi trường sống. Bố mẹ cô sợ rằng, cô sẽ trở thành một người phụ nữ không chồng theo đúng một thuật ngữ gọi là “những người phụ nữ bị sót lại” để chỉ những người phụ nữ độc thân, trên 27 tuổi chưa có chồng và sống ở các đô thị lớn tại Trung Quốc.
Do vậy, cô gái này đã quyết định mạo hiểm từ bỏ ngôi nhà với các tiện nghi sinh hoạt quen thuộc đối với bản thân để chuyển lên Thượng Hải sinh sống. Ở Thượng Hải, cô phải sống trong một ký túc xá rẻ tiền và chia sẻ phòng trọ với 9 người bạn cùng phòng khác. Thế nhưng, mặc những vất vả khó khăn, cô yêu mến những người bạn trọ cùng và không khí tự do mà cô đang được hưởng.
Hiện tại, cô Zhang vừa tìm được một công việc là một nhân viên kinh doanh cho một nhãn hàng và cô cũng chia sẻ thành thật: “Hiện tại, đàn ông ở đây vẫn còn suy nghĩ theo lối truyền thống. Thế nhưng giá trị của phụ nữ đã được cải thiện và hiện tại, tôi cảm thấy cực kỳ thoải mái vì đã không lấy chồng”.
Hai cô gái với những chiếc túi đựng đồ hiệu tại một đường phố ở Bắc Kinh
Tương tự như Zhang là một người phụ nữ 32 tuổi là Lan Fang, làm quản lý khách hàng cho một công ty tài chính. Fang vẫn còn cảm thấy ngượng ngập khi nói về lối sống độc thân của mình. Hiện tại, Lan Fang có một mức thu nhập tương đối cao là 3.200 đô la một tháng, tương đương với 20.000 nhân dân tệ và cô thường xuyên ra ngoài ăn tối, đi xem hòa nhạc với bạn bè và người thân. Cô nói: “Nơi tôi lớn lên là ở thành phố Nam Kinh, tôi thấy rất nhiều cặp vợ chồng cãi vã và trông họ cực kỳ thiếu hạnh phúc. Thêm vào đó là tình trạng rất nhiều người đàn ông có người đàn bà khác ngoài gia đình. Và, vì cuộc sống tại Thượng Hải của tôi rất giàu có, vậy hà cớ gì tôi phải thay đổi nó?”.
Lối sống không chồng phản ánh thực trạng xã hội
Zhang và Lan chỉ là những người phụ nữ thiểu số trong xã hội Trung Quốc. Thế nhưng, sự lựa chọn lối sống của cô phần nào thể hiện rằng, hiện nay ở xã hội Trung Quốc quyền lợi hôn nhân của người phụ nữ vẫn còn đang ở trong tình trạng thiếu đảm bảo. Hiện tại, một số phụ nữ Trung Quốc sẽ nói rằng, mình chưa bị bạo hành gia đình bao giờ và một số người khác chấp nhận thực tế rằng, họ đã từng bị chồng đánh. Và, theo một cuộc khảo sát năm 2012 diễn ra tại 4 thành phố là Quảng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến chỉ có 30% số phụ nữ có chồng được ghi danh là cùng sở hữu ngôi nhà của hai vợ chồng mặc dù tới tận 70% số phụ nữ trên đều tham gia đóng góp công sức để mua được ngôi nhà chung đó. Theo điều tra của HSBC, số tài sản mà các đôi vợ chồng tích lũy được tại Trung Quốc thể hiện bằng giá trị bất động sản là rất lớn, có giá trị gấp 3.3 lần tổng GDP của toàn Trung Quốc, ước tính đến cuối năm 2012.
Hiện nay, ở Trung Quốc số đàn ông nhiều hơn phụ nữ lên tới tận 34 triệu người. Điều này thể hiện sự ưu ái của xã hội dành cho nam giới hơn hẳn nữ giới, bởi vì chính sách một con của người Trung Quốc. Còn tài sản chung trong hôn nhân là ngôi nhà chung thì sẽ thuộc về người có tên trong giấy tờ nhà đất, mà những người đó lại thường là người chồng trong gia đình.
Một người phụ nữ ở Bắc Kinh nói với phóng viên CNN: “Những thỏa thuận hôn nhân thông thường thường đem lại lợi ích cho những người đàn ông. Khi người phụ nữ bị tổn thương, họ rất hiếm khi được bảo vệ về quyền lợi. Vì vậy, lựa chọn thực tế khả dĩ nhất là sống độc thân”.
Thế nhưng, lại có một thuật ngữ được nảy sinh trong xã hội nhằm ám chỉ tới những người phụ nữ có giáo dục, sống ở thành phố, trên 27 tuổi và không có chồng, họ bị gọi là “những người phụ nữ bị bỏ sót lại”. Theo như một số chuyên gia về bình đẳng giới thì thuật ngữ này không những không đúng đắn với phụ nữ mà còn với cả đàn ông nữa vì nó có hàm ý là “nếu bạn có gia đình rồi thì là bạn bình thường như mọi người” và kể cả một người thợ sửa ống nước cũng có thể thúc giục một người phụ nữ thành đạt nhưng lại đang sống độc thân trong căn hộ riêng của cô ấy là cô “cần phải mau chóng lấy chồng đi”.
Tuy nhiên, mặc cho sự ưu ái đàn ông hơn hẳn phụ nữ trong xã hội Trung Quốc, vẫn có những người đi tiên phong, đứng ra bảo vệ quyền lợi cho nữ giới.
Bà Wu Qing là một cựu giảng viên đại học và là thành viên của Hội đồng nhân dân quận Haidian trong suốt 27 năm, bà là một người hoạt động không biết mệt mỏi cho quyền lợi của nữ giới. Bà luôn nói và hành động vì quyền lợi của những người phụ nữ ở Trung Quốc. Bà Wu còn là người sáng lập cho một tổ chức đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ ở vùng nông thôn. Bà nói: “Là phụ nữ, chúng tôi có mục tiêu rất rõ ràng trong cuộc sống, chúng tôi biết rõ những gì tôi muốn. Tôi đã rất may mắn là khi còn bé, mẹ của tôi nói, tôi phải nghĩ rằng tôi là một con người trước khi quan tâm tới việc mình là đàn bà hay là phụ nữ”.
Sẵn sàng sống một mình Một điều rất thú vị trong xã hội Trung Quốc là nơi đây có rất nhiều phụ nữ thành đạt. Một con số đáng phải kể tới là 7 trong số 10 người phụ nữ tự thân giàu nhất thế giới là người Trung Quốc. Tài sản của Zhang Xin thậm chí còn nhiều hơn tài sản của Oprah. Thế nhưng những con số và những tấm gương tiêu biểu này không thể giấu đi một thực tế là những người phụ nữ ở Trung Quốc đang gặp một áp lực khá cao, đặc biệt là trong việc lập gia đình của những cô gái có học thức trong xã hội hiện nay. Những cô gái này, hiện đang rất buồn bực vì những quyền lợi khi kết hôn của đàn ông Trung Quốc đang được đảm bảo hơn hẳn họ. Nhiều người phụ nữ Trung Quốc đã nói rằng, nếu cứ bị đối xử không công bằng và bị tổn thương khi kết hôn, họ sẵn sàng sống một mình tới… cuối đời. |
Hồng Minh (Theo CNN)
2013-09-03 04:33:06
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-nguoi-phu-nu-khong-chong-con-sot-lai-o-trung-quoc-a100882.html