Trở về quê hương sau nhiều năm xa cách, đặc biệt là vào dịp tham gia Giải vô địch Đá cầu thế giới lần này, anh Linh, chị Trang và chị Tú đều rất bồi hồi xúc động trước tình cảm, sự yêu mến của người dân Đồng Tháp dành cho các đoàn VĐV.
Tranh thủ thời gian nghỉ giải lao của các đoàn vận động viên (VĐV), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn để tìm hiểu rõ hơn về các anh chị, những con người đã góp phần mang môn Đá cầu đi xa hơn đến với nước bạn trên khắp thế giới. Chúng tôi muốn nhắc đến chị Phạm Cẩm Tú đến từ đoàn Áo, chị Nguyễn Hồng Trang đến từ đoàn Pháp và anh Nguyễn Duy Linh đến từ đoàn Đức. Giữa cái nắng oi bức của thời tiết vào buổi trưa, cùng với sức nóng lan tỏa của nhà thi đấu, dường như vẫn không làm giảm tinh thần, ý chí và sự sung sức của các VĐV. Những tiếng hò reo, những tràng pháo tay nồng nhiệt trước những trận cầu nảy lửa, những pha ghi điểm đẹp mắt, điêu luyện của các VĐV. Nhưng ít ai biết rằng để có được những trận cầu đẹp như thế, các VĐV đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều để có thể đến được với Giải vô địch Đá cầu lần này.
Chị Phạm Cẩm Tú đến từ đoàn Áo là một minh chứng điển hình về niềm đam mê và nỗ lực ấy. Chị là người Việt Nam, trước đây từng là thành viên đội tuyển đá cầu từ năm 1996 – 2006, từng thay mặt Việt Nam tham gia các trận cầu ở Trung Quốc, Thái Lan… Sau khi ra nước ngoài định cư, niềm đam mê đá cầu trong chị vẫn không hề giảm, chị đã cùng với chồng mình và những người bạn đã nỗ lực hết mình để phổ biến môn đá cầu đến với nước Áo. Sự khó khăn đầu tiên phải kể đến là không có người đá, không có cầu, sân bãi, … Ở một nơi mà người dân còn không biết đến trái cầu là gì thì việc phổ biến môn thể thao này rộng rãi thực sự là cả một vấn đề, nhưng các anh chị đã nỗ lực hết mình và tạo nên kì tích. Đầu tiên anh chị tập hợp những đứa trẻ gần nhà và biểu diễn cho chúng xem, khi đã phổ biến hơn thì tổ chức các giải thi đấu nhỏ, viết báo, đăng tin, chụp ảnh, … thông qua các phương tiện truyền thông để mọi người biết nhiều hơn về đá cầu.
Chị Phạm Cẩm Tú (giữa)
Còn đối với chị Nguyễn Hồng Trang đến từ đoàn nước Pháp – một trong những nơi phát triển mạnh môn đá cầu ở châu Âu – chị chia sẻ rất ấn tượng về công tác tổ chức, về sự thân thiện, mến khách, về cảnh đẹp của vùng Đất Sen Hồng. Trước khi đến Đồng Tháp vài ngày, chị đã viết một bài cảm nhận khi tham gia Giải vô địch Đá cầu thế giới năm 2013 mang đầy tình cảm, chan chứa tình yêu sau biết bao năm xa cách quê hương. Trong bài viết của mình, chị kể về niềm đam mê đá cầu từ thuở nhỏ cùng những khó khăn trắc trở tưởng chừng như chị không bao giờ theo đuổi nó được nữa. Nhưng chị đã vượt qua tất cả, để ngày hôm nay chị là một trong những VĐV trong đội tuyển nước Pháp tham dự giải. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, với nụ cười thân thiện, nhưng tận sâu trong trái tim người con gái ấy là một niềm đam mê cháy bỏng đến cuồng nhiệt với môn thể thao này như chị đã chia sẻ với chúng tôi: “lần này chị về, tất cả tình cảm đều dồn vào giải đấu”.
Chị Nguyễn Hồng Trang
“Đức là quốc gia biết đến môn đá cầu đầu tiên ở Châu Âu năm 1991, nhưng phát triển mạnh nhất chủ yếu ở Tây Đức” theo lời kể của anh Nguyễn Duy Linh, người dẫn đoàn VĐV Đức tham gia Giải đấu lần này với vai trò huấn luyện viên. Mặc dù môn Đá cầu được du nhập đầu tiên vào châu Âu năm 1991, nhưng không phổ biến và đến nay nó vẫn là một môn thể thao ngoài lề. Vì vậy, đội tuyển Đức tham dự giải lần này không nhận được sự tài trợ, mọi người phải tự túc về chi phí. Có thể “trụ” đến hôm nay và đưa môn Đá cầu ngày càng trở nên phổ biến và đến gần hơn với bạn bè quốc tế, thực sự không phải đơn giản, tất cả đều nhờ vào tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng, lòng nhiệt huyết và sự kiên trì đến cùng của tất cả các anh chị.
Anh Nguyễn Duy Linh, huấn luyện viên đội tuyển Đức
Trở về quê hương sau nhiều năm xa cách, đặc biệt là vào dịp tham gia Giải vô địch Đá cầu thế giới lần này, anh Linh, chị Trang và chị Tú đều rất bồi hồi xúc động trước tình cảm, sự yêu mến của người dân Đồng Tháp dành cho các đoàn VĐV. Và cũng không khỏi ngỡ ngàng trước một Đồng Tháp “thuần khiết như hồn sen” với bạt ngàn sen hồng, mênh mông sông nước và với những câu hò da diết, mộc mạc mà thắm đượm tình quê.
Mặc dù ở những nơi khác nhau trên thế giới, với những điều kiện hoàn cảnh khác nhau, nhưng các anh chị đều có chung niềm đam mê với môn Đá cầu và luôn “cháy” hết mình vì niềm đam mê đó. Có nghe các anh chị tâm sự mới hiểu được những vất vả, khó khăn mà những con người thầm lặng này đã vượt qua. Để từ đó, chúng ta càng thêm yêu quý, trân trọng tấm lòng của các anh chị, các VĐV tham gia thi đấu, những người đã góp phần đưa trái cầu vút bay đến khắp nơi trên thế giới. Xin cảm ơn các anh chị: “Những Sứ giả của Đá cầu Việt Nam trên thế giới”./.
2013-09-08 21:55:06
Nguồn: http://www.24h.com.vn/the-thao/nhung-su-gia-cua-da-cau-viet-nam-tren-the-gioi-c101a570739.html