Các nhà khảo cổ học vừa khai quật một ngôi mộ của người Etruscan (một nhánh người Italia cổ đại) tại một thị trấn nhỏ, cách Rome khoảng 80km về phía Tây Bắc. Qua khảo sát, các nhà khoa học nhận thấy khu mộ này còn khá nguyên vẹn, có niên đại khoảng 2.600 tuổi, đặc biệt hơn, đây là nơi an nghỉ của một hoàng tử người Etruscan.
Nhà khảo cổ học Alessandro Mandolesi thuộc Đại học Turin cho biết: “Đây thực sự là một phát hiện độc đáo. Từ ngôi mộ này, chúng tôi sẽ hiểu được nhiều hơn về người Etruscan cổ đại”.
Cổng vào của ngôi mộ
Là một trong những dân tộc bí ẩn nhất ở châu Âu, người Etruscan đã lập nên nền văn minh phức tạp nhất tại Italia, trước cả người La Mã. Họ xuất hiện vào khoảng năm 900 TCN và thống trị phần lớn lãnh thổ của quốc gia này trong 5 thế kỷ. Tuy nhiên, lịch sử của họ vẫn là điều bí ẩn.
Nghiên cứu sâu hơn, các nhà khảo cổ nhận thấy, đây là khu mộ của những người ở tầng lớp quý tộc. Mặc dù còn nguyên vẹn, nhưng một số chỗ cấu trúc tự nhiên không vững, đã bị sụp đổ, ảnh hưởng khá lớn trong việc tìm hiểu về cuộc sống hay cách ra đi của người xưa.
Bộ xương nằm trên chiếc giường đá bên trái
Một trong những phát hiện của các nhà khoa học là ngôi mộ của một vị hoàng tử Etruscan, con trai vị vua thứ năm huyền thoại của Rome vào năm 616 – 579 TCN. Bộ xương hoàn chỉnh, nằm nguyên trên chiếc giường đá bên trái.
Nằm cạnh dọc cơ thể là một ngọn giáo dài, phía ngực có một phiến đá như đè lên ngực, dưới chân là một chiếc chậu đồng lớn với lượng lớn như thực phẩm được sử dụng trong bữa tang. Phía bên cạnh còn có một hốc nhỏ, chứa hài cốt của những người khác. Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng phát hiện lượng lớn bình cổ có niên đại khoảng 2.600 năm nằm ở góc phòng và treo trên tường.
Hiện tại, Mandolesi và nhóm đồng nghiệp vẫn đang tiếp tục nghiên cứu ngôi mộ này. Theo họ, phát hiện này hứa hẹn sẽ tiết lộ nhiều điều mới mẻ về một trong những nền văn hóa hấp dẫn và bí ẩn nhất thế giới cổ đại.