Nhà máy sản xuất trực thăng Kazan đã cho ra đời khoảng 12.000 trực thăng Mi-4, Mi-8, Mi-14, Mi-17 và Ansat với nhiều biến thể, cung cấp cho 100 quốc gia. Những chiếc trực thăng do Kazan sản xuất đã có hơn 50 triệu giờ bay tại khắp mọi nơi trên thế giới.
Trực thăng Mil Mi-17 được sản xuất và lắp ráp tại nhà máy Kazan, cùng nhà máy Ulan-Ude, trong đó nhà máy Ulan-Ude đã sản xuất 2.000 trực thăng Mi-17 với nhiều biến thể.
Mi-17 là tên gọi khi xuất khẩu; còn ở trong nước, Nga gọi nó là Mi-8MT.
Mi-17 có thể chở được 30 lính hoặc 4 tấn hàng hóa. Khi cần thiết, Mi-17 đáp ứng vai trò hỗ trợ hỏa lực mặt đất với việc mang 1.500kg vũ khí (bom, rocket) trên 6 giá treo bên ngoài.
Cho tới nay, Mi-17 đạt được nhiều danh hiệu hàng đầu trong lĩnh vực hàng không. Đó là trực thăng được chế tạo với số lượng nhiều nhất, được nhiều nước sử dụng nhất….
Trực thăng Mi-17 là biến thể cải tiến từ mẫu Mi-8 do Mil Moscow thiết kế sản xuất. Cơ bản, Mi-17 dùng khung thân tương tự Mi-8 nhưng có mở rộng không gian để tăng tải trọng, dùng động cơ, cánh quạt và bộ hộp số của Mi-14.
Mi-17 trang bị hai động cơ tuốc bin trục Klimov TV3-117M cho phép đạt tốc độ 250km/h, tầm bay 465km, trần bay 6.000m.
Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Không quân nhân dân Việt Nam đang sử dụng 67 chiếc bao gồm 2 biến thể Mi-17 và Mi-171 (Trong ảnh: Biến thể Mi-171 tìm kiếm cứu nạn của Không quân nhân dân Việt Nam).
Ngoài ra, trong biên chế Không quân Việt Nam còn khoảng 69 chiếc Mi-8 đưa Việt Nam trở thành quốc gia có phi đội trực thăng Mil Mi lớn nhất Đông Nam Á. (Trong ảnh: Trực thăng Mi-171 phối hợp cùng Cảnh sát Biển thực hiện các hoạt động tuần tra bảo vệ chủ quyền quốc gia).
Theo Thiên Minh