ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Tiền vẫn chảy vào ngân hàng
Tuesday, September 24, 2013 0:15
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


(Thời báo Kinh Doanh) – Mặc dù lãi suất huy động đã giảm mạnh, khoảng 7 – 10%/năm, so với thời điểm năm 2011, nhưng nhà đầu tư vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm. Điều này thể hiện khá rõ khi mà huy động của hệ thống ngân hàng tăng mạnh, trong khi hoạt động cho vay lại khá trầm lắng.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng người dân vẫn yên tâm gửi tiền vào các tổ chức tín dụng (TCTD) với kỳ hạn dài hơn. Điều này cho thấy gửi tiền vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất hiện nay so với các kênh đầu tư khác trong điều kiện lạm phát hiện nay và mục tiêu ổn định tỷ giá.

Kênh tiết kiệm hút khách

Thông tin từ NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh, giảm khoảng 7 -10%/năm, so với thời điểm giữa năm 2011. Hiện nay, lãi suất huy động của các TCTD phổ biến: không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 1 – 1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5 – 7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 6,5 -7,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 7,5 – 9%/năm. Lãi suất huy động bình quân khoảng 6,8%/năm, nếu tính cả chi phí dự trữ bắt buộc và dự trữ thanh toán, lãi suất tiền gửi bình quân khoảng 7,16%/năm, phù hợp với kỳ vọng lạm phát đến cuối năm 2013 và cả năm 2014.

Mặc dù vậy, kênh đầu tư này vẫn rất hút khách. Tính đến giữa tháng 9/2013, tiền gửi VNĐ của dân cư tăng 13,78% so với cuối năm 2012. Con số này cũng khá phù hợp với kết quả tăng trưởng huy động của một số ngân hàng tại thời điểm 6 tháng đầu năm.

Theo nhìn nhận của Vụ Tín dụng NHNN, mức tăng này cùng với xu hướng người dân chọn gửi tiền vào các kỳ hạn dài hơn cho thấy gửi tiền vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất hiện nay so với các kênh đầu tư khác, đặc biệt trong điều kiện lạm phát hiện nay và mục tiêu ổn định tỷ giá.

Theo giới chuyên gia, sở dĩ kênh tiết kiệm hút khách là do các kênh đầu tư khác khá rủi ro. Hiện nhà đầu tư đang trong tâm thế chờ đợi các thị trường khác khởi sắc, nên số tiền nhàn rỗi này được đem gửi ngân hàng với kỳ ngắn hạn, khoảng 3 tháng.

Theo Ts. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính quốc gia, xu hướng thích gửi tiết kiệm là điều dễ hiểu. Bởi hiện nay, thị trường bất động sản chưa thể khởi sắc; vàng thì diễn biến khó lường; việc tích trữ ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay cũng được đánh giá chưa thực sự có lợi.

Mặc dù vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng thừa nhận khách hàng vẫn chọn kỳ gửi ngắn hạn từ 1 – 3 tháng để linh hoạt vốn. Hiện kỳ gửi này chiếm khoảng 50% cơ cấu vốn của ngân hàng. Một số ngân hàng muốn khuyến khích khách hàng gửi dài hạn nên đã tư vấn cho khách có thể gửi dài hạn để hưởng lãi suất cao. Nếu khách cần tiền gấp mà chưa đến hạn thì có thể thế chấp sổ tiết kiệm vay tiền của ngân hàng. “Thực ra mức lãi suất này rất thấp, chủ yếu là để giúp khách hàng không bị tính theo lãi suất không kỳ hạn. Do đó, khách hàng gửi kỳ hạn dài cũng có tăng lên”, vị này cho biết.

Ứng xử sao với trần lãi suất?

Cùng với sự ổn định của lãi suất huy động, lãi suất cho vay đã giảm mạnh. Theo nhìn nhận của Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, hiện lãi suất đã không còn là cản trở đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Lãnh đạo Vụ này đánh giá việc NHNN điều hành linh hoạt trần lãi suất đã giúp giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay; trần lãi suất huy động đã được dỡ bỏ từng phần nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ổn định, kỷ luật thị trường được thiết lập.

Thực hiện áp trần lãi suất VNĐ được NHNN thực hiện từ năm 2011, với mức 14%/năm. Từ đó đến nay, NHNN luôn điều hành theo hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2012, NHNN đã giảm 6%/năm (5 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất bằng VNĐ của tổ chức, cá nhân tại TCTD với mức giảm 1 – 2%/lần).

Trong 9 tháng đầu năm 2013, NHNN chỉ có 2 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất. Đó là, vào cuối tháng 3/2013, trần lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng giảm từ mức 8%/năm cuối 2012 xuống 7,5%/năm; từ cuối tháng 6/2013 chỉ quy định trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa là 7%/năm.

Cùng với việc giảm lãi suất, NHNN cũng đã từng bước nới lỏng quy định trần lãi suất theo diễn biến trên thị trường tiền tệ, tình hình thanh khoản của các TCTD. Cụ thể, đầu tháng 6/2012, NHNN đã bỏ quy định trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; đến cuối tháng 6/2013, tiếp tục bỏ quy định trần lãi suất đối với kỳ hạn từ 6 – 12 tháng.

Theo đánh giá của Vụ Chính sách tiền tệ, mức trần lãi suất từng bước ấn định ở mức hợp lý tạo sự linh hoạt tạo điều kiện cho TCTD linh hoạt áp dụng quy định trần lãi suất. Vụ này còn nhận định, đường cong lãi suất đã dần được hình thành (kỳ hạn ngắn có lãi suất thấp, kỳ hạn dài có lãi suất cao), phù hợp với cơ chế thị trường trong điều kiện không biến động.

Đường cong lãi suất hình thành cũng thể hiện việc phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế hợp lý hơn, các TCTD có thể huy động được nguồn vốn dài hạn và ổn định hơn, giảm chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ.

Với diễn biến lãi suất hiện nay, thị trường đang quan sát động thái của NHNN đối với trần lãi suất. Chưa rõ NHNN có dự tính dỡ bỏ trong thời gian tới hay không? Còn trong hoạt động của các TCTD, lãi suất các kỳ hạn ngắn thường là công cụ năng động, chủ động hơn trong cạnh tranh huy động vốn. Nhiều ý kiến cho rằng có thể phải tái cơ cấu xong hệ thống ngân hàng thì NHNN mới tính chuyện dỡ bỏ trần lãi suất huy động.

Minh Huệ

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.