(Đời sống) – Ngày 18/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi làm việc với nhiều sở, ngành, UBND quận Hoàn Kiếm để bàn và thống nhất nguyên tắc quản lý, phân giao trách nhiệm cho từng cơ quan quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm và vườn hoa Lý Thái Tổ…
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện nay, khu vực hồ Hoàn Kiếm có cả chục cơ quan tham gia quản lý về vệ sinh môi trường, thoát nước, chiếu sáng, an ninh trật tự, công trình văn hoá.
Với các di tích xung quanh hồ do Sở VH-TT&DL chịu trách nhiệm quản lý, giao ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội thực hiện gồm đền Ngọc Sơn, tượng đài Vua Lý Thái Tổ, Tháp Hòa Phong, Đền Thiên Tiên, đền Vua Lê, tháp Rùa, đền Bà Kiệu. Công tác quản lý hạ tầng, quản lý chất lượng nước, tài nguyên thủy sản… cũng có khá nhiều đơn vị tham gia.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND quận Hoàn Kiếm, hiệu quả quản lý còn nhiều hạn chế. Điển hình là công tác vệ sinh môi trường khu vực hồ còn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị. Nhiều di tích, công trình văn hoá xuống cấp nhưng chậm được khắc phục, gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan.
Trên thưc tế, mặc dù khu vực hồ Hoàn Kiếm được xác định là danh lam, thắng cảnh đặc biệt gắn với truyền thống tâm linh của người dân nhưng việc quản lý còn gây phản cảm với du khách. Điển hình là khu vực “Vườn tượng” sát với tháp Bút và đền Ngọc Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều bức tượng đã gãy đổ trơ ra cả lõi sắt, nhiều tượng nay chỉ còn lại bệ xi măng, gạch men ốp quanh chân tượng cũng rơi vỡ từng mảng.
Đặc biệt, vấn đề được nhiều sở ngành, đại biểu quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau đó là “cụ rùa” thì ai chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ. Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT đề nghị tăng cường phân cấp để tiện cho việc quản lý và khắc phục tình trạng cơ quan này phải “chạy theo” cơ quan kia, nên giao cho quận Hoàn Kiếm quản lý cả khu vực hồ Hoàn Kiếm bao gồm cả mặt nước và thuỷ sản dưới hồ.
“Nên giao cho quận quản lý vì tránh tình trạng sau này lại bảo do Sở NN&PTNT thả cá nên ảnh hưởng đến môi trường của rùa!”- vị đại diện Sở NN&PTNT nói. Về phần mình, ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm lại cho rằng, vì cá và rùa có phần chăm sóc liên quan đến nhau nên giao toàn bộ việc này cho Sở NN&PTNT.
Việc các cơ quan cứ đùn đẩy nhau, không ai chịu trách nhiệm chăm sóc cụ rùa đã khiến dư luận không khỏi bất ngờ bởi trong hoạt động giải cứu cụ rùa trước đó đã có hàng chục hội thảo, hội nghị được tổ chức với sự vào cuộc của 10 cơ quan chức năng, theo thống kê AP.
Giải cứu cụ rùa |
Theo đó, từ tháng 2/2011, nhiều phương tiện truyền thông đã lên tiếng về tình hình sức khỏe của cụ Rùa ở Hồ Gươm. Theo đó, Cụ Rùa có dấu hiệu rất mệt mỏi bị khá nhiều vết thương và những vết thương đều có dấu hiệu lở loét không chỉ ở cổ, mai, mà ở quanh thân, các kẽ chân, móng chân, da… Sau rất nhiều tranh cãi, ngày 3/4/2011, các chuyên gia đã quyết định vây bắt rùa Hồ Gươm để chữa bệnh. Một “chiến dịch” lớn giải cứu cụ rùa diễn ra với sự tham gia của rất nhiều người.
Vào ngày 18/2, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa Hồ Gươm. Tiếp sau đó là các cuộc Hội thảo quốc tế với sự góp mặt của nhiều giáo sư, nhà khoa học trong và ngoài nước để tìm cách chẩn bệnh cũng như cứu chữa cho rùa.
Không chỉ sở ban ngành Hà Nội, doanh nghiệp những nhà hảo tâm vào cuộc, thậm chí cả lực lượng đặc công nước từ Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng được huy động tham gia bắt giữ “cụ” rùa.
Song song đó, trên các báo đài, đưa tin rầm rộ, các kỹ sư, bạn đọc, các nhà khoa học cùng nhau hiến kế “giải cứu” cụ rùa.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu rùa Hồ Gươm, còn tiến hành 3 lần diễn tập vây bắt “cụ” quy mô. Thậm chí, sau khi lần vây bắt đầu tiên không thành, Hà Nội đã sắm hẳn một tấm lưới cá ngừ với kích thước dài 200m, rộng 5m; có xuất xứ từ Nhật Bản.
Để cụ dưỡng thương, Hà Nội còn tiến hành hạ thủy chiếc bể thông minh có đường kính khoảng 5m, nặng 2,5 tấn xuống Hồ Gươm để làm nơi chữa trị cho cụ rùa.
Không có công bố chính thức ra dư luận về chi phí “chiến dịch giải cứu” này nhưng nhìn vào quy mô, hắn con số không hề nhỏ. Kinh phí được lấy từ ngân sách, và từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.
Nhìn lại sự rầm rộ trong chiến dịch giải cứu cụ rùa, đặt bên cạnh là việc các cơ quan chức năng đùn đẩy nhau chăm sóc, có lẽ không ít người cảm thấy buồn cho cụ rùa và băn khoăn không hiểu tại sao người ta lại có lúc quan tâm thái quá, rồi đến lúc lại ‘hắt hủi’ đến vậy?
2013-09-18 19:30:39
Nguồn: http://phunutoday.vn/doi-song/dun-day-trach-nhiem-cham-soc-cu-rua-32405.html