Ngày 18/9/2013, tại Luxembourg, Phó Chủ tịch UBCKNN Nguyễn Đoan Hùng thay mặt Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ký kết Phụ lục A, Biên bản ghi nhớ đa phương (MMoU) của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO).
Đây là một bước tiến quan trọng, đánh dấu một chặng mới hội nhập sâu rộng với quốc tế của ngành chứng khoán nước nhà, nâng cao vị thế của thị trường vốn Việt Nam, góp phần thu hút đầu tư Việt Nam, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đây cũng là những cố gắng, nỗ lực to lớn của UBCKNN trong suốt hai năm qua, kể từ khi được chấp nhận tham gia vào Phụ lục B của MMoU.
Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) là một tổ chức quốc tế của các UBCK quốc gia được quốc tế công nhận, một trong những hiệp hội ngành nghề quốc tế quan trọng cho sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý thị trường vốn. IOSCO là tổ chức định ra các tiêu chuẩn, các nguyên tắc quốc tế về quản lý, vận hành các thị trường chứng khoán thế giới.
Vai trò và vị trí của IOSCO đã được Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhóm G20… và các hiệp hội ngành nghề, các diễn đàn quốc tế công nhận. Cho đến nay, IOSCO đã phát triển rất mạnh và bao quát hầu hết các thị trường vốn trên thế giới.
Trong bối cảnh thị trường vốn toàn cầu có xu hướng hội nhập và giao thoa, mối quan hệ giữa các nền kinh tế có sự đan xen và đa dạng hóa, các dòng vốn dịch chuyển liên tục giữa các thị trường và từ đó, các dòng dịch vụ chứng khoán xuyên biên giới càng ngày càng mở rộng, IOSCO đã thống nhất xây dựng một cơ chế phối hợp chung giữa các thành viên của mình nhằm đảm bảo một thị trường vốn thế giới minh bạch, hiệu quả và tin cậy.
MMoU đã được xây dựng và được đa số các nước thành viên thông qua vào tháng 5 năm 2002 nhằm mục tiêu tăng cường việc giám sát và hợp tác giám sát thị trường, trao đổi thông tin quản lý giữa các cơ quan quản lý chứng khoán của các nước thành viên IOSCO.
Các nước chưa đủ điều kiện tham gia Phụ lục A hầu hết bị coi là các nước có thị trường chứng khoán kém phát triển, khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được các yêu cầu của MMoU. Không trở thành thành viên ký kết đầy đủ MMoU có thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng thị trường tài chính, bị đánh giá là thiếu minh bạch – đặc biệt khi số lượng thành viên tham gia đầy đủ MMoU ngày càng tăng và các quốc gia tham gia ở cấp độ Phụ lục B ngày càng giảm.
Các nước G20 và Ủy ban Ổn định Tài chính sẽ xem xét đến việc một quốc gia đã ký MMoU hay chưa khi tiến hành đánh giá các chuẩn mực của quốc gia đó – điều này có thể ảnh hưởng đến các quyết định về việc có đưa một quốc gia vào “danh sách đen (blacklist)” hay không, khiến cho thị trường vốn quốc gia đó chịu bất lợi lớn trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế. Nhà đầu tư tài chính trong nước cũng sẽ gặp bất lợi khi đầu tư ra nước ngoài, và đất nước gặp khó khăn trong quá trình hội nhập với thị trường vốn quốc tế.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia đầy đủ vào MMoU, trong thời gian qua, UBCKNN đã có những nỗ lực to lớn nhằm thực hiện các yêu cầu của IOSCO. Ủy ban đã có nhiều cuộc làm việc với phía bạn, tăng cường hợp tác song phương và đa phương để tranh thủ kinh nghiệm tham gia IOSCO của các bên liên quan.
Được sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban đã đóng vai trò đầu mối, liên hệ với Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…, tham vấn và đề xuất về các vấn đề pháp lý, quy định liên quan, xây dựng và ký kết các văn bản cần thiết.
Về nội bộ, UBCKNN cũng đã xây dựng và ban hành Quy chế Bảo mật Thông tin, vừa đáp ứng yêu cầu của IOSCO, vừa góp phần tăng cường hiệu quả và độ an toàn công tác của chính cơ quan và ngành. Qua nhiều vòng rà soát, thẩm định kỹ lưỡng của Tổ Thẩm định và Nhóm Rà soát, cũng như Ban Tổng Thư ký, IOSCO đã đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả công tác của UB, và ngày 16/9/2013 đã có thư mời, chấp nhận đơn đăng ký tham gia Phụ lục A của Việt Nam.
Trở thành bên ký kết Phụ lục A, tham gia đầy đủ vào MMoU là một thành công lớn của ngành chứng khoán Việt Nam, góp phần vào việc hội nhập sâu vào thị trường vốn quốc tế. Danh tiếng và mức độ tín nhiệm của thị trường vốn Việt Nam đã được nâng cao, góp phần tăng cường khả năng hấp dẫn các nguồn vốn và giảm bớt chi phí vốn.
Ngoài ra, UBCKNN sẽ có thêm nhiều hơn nữa những thông tin kết quả điều tra từ các cơ quan quản lý nước ngoài, vốn rất cần thiết trong bối cảnh các giao dịch xuyên biên giới ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với thị trường tài chính. Bởi vậy, thành công này cũng sẽ là một động lực quan trọng cho việc quản lý ngành ngày một hiệu quả hơn của UBCKNN.
mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt;
SSC