VIẾT TIẾP CHUYỆN
“LAN VÀ CON GÁI”
Nguyễn Việt,
Dạo nầy tao hơi bận. Mà thiệt! Mỗi ngày tao đều bận. Cả tuần, 7 ngày tao đều bận. Rồi cả tháng, cả năm cũng vậy. Tao không có chút dư thời giờ nào đễ bia bọt, tám chuyện như tụi bây bên quê nhà đâu. Mà dường như quanh tao, dân HO già đều vậy. Trừ những bạn già đã hưu trí… Do vậy mà, mặc dù khá ngứa ngái mấy ngón tay trên bàn phím, nhưng tao không thể viết gì được tuy tâm tư ngập tràn những chuyện xưa,tích cũ.
Như đâu hai tuần trước, khi đọc mấy bài viết của bạn Đệ bạn Việt Bùi và vài tay khác về trường tiểu học Chi Lăng với cây điệp gì gì đó, tao mót viết thêm dữ lắm. Nhưng tao cứ tự khất hẹn mình hoài. Thôi để khi nào rỗi cái đã. Nhưng biết khi nào rảnh đây ?…
Chuyện về trường Chi Lăng thì tao có cả khối !… Như mầy biết rồi. Từ nhà tao đi bộ bằng đường cái quan ra tới trường nầy, mất khoảng chưa tới mười phút. Còn đi đường tắt trong xóm, chỉ mất khoảng năm phút không hơn. Tuy chỉ học có hai niên khóa ở đó (1955 ,1956) cho lớp Năm với cô Xuyến già & lớp Tư với thầy Bảo bụng phệ, nhưng tao vẫn tiếp tục có mặt trong trường nầy trong vài năm tuổi trẻ sau đó vì nhiều dzụ dziệc, kể cả ngày Chúa nhựt lẫn ngày thường…
Cho nên tao thuộc nằm lòng từng lớp học, từng lỗ… chui hàng rào phía bên đường Nguyễn Duy gần nhà thầy Giám học Vũ Đức Thịnh sau nầy, vô sân sau của trường để đá banh với đám bạn nhóc tì trong xóm. Còn ngày thường à ? Tao phụ với bà ngoại tao bán gánh hàng chè ngay dưới gốc cây điệp lớn nhứt trong sân trường phía trước, bên gốc phải từ ngoài cổng chánh đi vô. Chỉ nửa tiếng mỗi ngày thôi. Nhưng đều đặn như vậy cho đến khi tao vào đệ thất, cùng thời khoản khi tao phụ ba tao bán báo ở chợ Bà Chiểu. Nên có biết bao kỷ niệm. Kể sao cho hết ! Nhứt là chuyện chọc phá mấy đứa con gái con nít. Mà thiệt ra, mình cũng chỉ mới là con nít con trai thôi. Hơn gì !…
Chưa kịp viết gì về mấy cây điệp ở trường Chi Lăng (cả thảy có 4 cây lận, nghe !) thì kịp đến, mới tuần rồi, đọc xong bài viết “Lan Và Con Gái” của Ngọc Sương viết từ Nam Vang, tao “bức xúc” chịu không được ! Vì chẳng dè, chuyện của Lan sao mà bi thương đến như vậy !… Tao phải viết tiếp theo, nhưng là những chuyện xảy ra ở thời gian trước nữa, xưa hơn, mà thôi. Nhưng tao lại để lần lửa đến hôm nay… Tao phải viết, đúng ra là kể, vì tao không muốn dùng thủ thuật truyện ngắn, nghệ thuật hóa, để kể về đời tư của “cô” Lan nầy.
Thiệt ra, nếu em Lan nầy chỉ là một cô gái bình thường như bao đứa con gái khác; thêm nữa, không có dính dáng gì đến những thành viên trong gia đình lớn của tao trước kia, kể cà tao nữa, thì tao cũng không trải tấm lòng ra làm gì. Vì trước sau, chuyện cô Lan và con gái của cô cũng chỉ là chuyện rất tư riêng. Chỉ là chuyện của những mảnh đời khốn khổ, nghiệt ngã mà trong xã hội VN, chắc chắn không thiếu !…
Vậy, viết ra có lợi gì cho ai hay không ? Có tạo được một bài học gì cho tha nhân hay không trong cuộc sống xô bồ, trầm luân nầy của kiếp nhân sinh ?… Dù sao, tao thấy cũng nên kể ra.… Trong tinh thần vị tha nhân, tao sẽ kể ra đây với cố ý vắn tắt nhứt trong câu chữ có thể. Và dĩ nhiên, lược bỏ mọi chi tiết rườm rà, không cần thiết.
Chuyện Lan và con gái, hồi I :
Năm tôi học đệ Ngũ, khoảng chừng năm 1963, một hôm người chị, đang là cô giáo, dắt về nhà chơi một đứa con gái chừng 6,7 tuổi là học trò của chị. Thoạt nhìn tôi sững sờ ! Cho đến lúc đó, tôi chưa từng thấy có một đứa con gái nhỏ nào đẹp và dễ thương đến như vậy. Em gái mặc chiếc đầm xòe màu xanh dương đậm ngang gối với áo sơ mi trắng may cách điệu kiểu con gái có phù hiệu trường học đính bên ngực trái. Tóc em không uốn, phía trước ngắn ngang chân mày, hai bên che tai và dài khoảng quá cằm một chút. Mái tóc mà mấy chục năm về sau, gặp lại, tôi thấy cũng y như vậy. Đặc biệt, khuôn mặt trái xoan của em có làn da rất trắng, hơi xanh một chút và có một lúm đồng tiền nhỏ bên gò má phải, chỉ hiện ra khi em cười khoe hai hàng răng đều và trắng như ngọc. Thời đó, việc chăm sóc răng nói chung của trẻ em VN còn kém, ít được chú trọng, nên với em gái nầy thật sự là một ưu điểm đáng kể về dung nhan.
Điều đáng ghi nhận là em trông hết sức hiền lành. Khi cười thì tủm tỉm nhưng vẻ mặt rất rạng rỡ. Bình thường, trông em có vẻ ngơ ngác và thoáng buồn. Một nét buồn nhân nhậu. Làm tôi, do trí óc giàu tưởng tượng lúc đó, thoáng nghỉ quấy quá, em trông chẳng khác gì… Phật Quan Âm thời niên thiếu !!… Em ít nói, luôn có vẻ bẽn lẽn nhưng hết sức lễ phép… Đó là Lan đấy các bạn ! Thương Lan.
Những ngày sau đó, thỉnh thoảng, một tuần hoặc nửa tháng, chị tôi đều dắt cô học trò nầy về nhà chơi. Chị có vẻ thương cô học trò nhỏ nầy một cách đặc biệt. Không riêng chị mà cả nhà tôi, ai cũng “thấy thương” em. Nhứt là má tôi. Nhiều lần bà còn nói, bà chấm Lan cho thằng em trai thứ hai của tôi, lớn hơn Lan bốn tuổi. Còn tôi, khi đó, chỉ nghỉ về Lan như một đứa em gái nhỏ của mình…
Theo thời gian, Lan học dần lên các lớp trên. Chị tôi không còn là cô giáo của em nữa. Nhưng, thỉnh thoảng em vẫn đi bộ từ nhà ở một ngõ hẻm trên đường Lê Văn Duyệt cũ, dưới chân Cầu Bông, đến nhà tôi thăm cô giáo cũ tận bên xóm Hàng Keo là chị tôi, xa gần ba cây số… Do giữ sự liên lạc thường xuyên nầy, Lan kết tình bạn thân với em gái tôi, cũng đồng trang lứa và một hai bạn gái khác quanh nhà tôi.
Chuyện Lan, hồi II :
Sau tháng Tư 75 tôi đi CT rồi về giữa năm 82. Một buổi chiều, ngay trong tháng đầu tiên sống đời tự do, vừa đi làm từ xưỡng của đồng môn N.N. Điển về tới nhà, tôi hấy thằng em trai út của tôi đang tiếp một cô con gái tuổi ngoài hai mươi. Tôi quá đổi kinh ngạc, nhận ngay ra là ai trước cả khi thằng em kịp giới thiệu. Đúng ! Chính đó là Thương Lan của ngày xưa con nít. Em đẹp một cách thanh thoát, lạ thường. Nhưng trong cái đẹp dung nhan của Lan lúc đó, phảng phất một chút gì đó của sự thánh thiện ngoài cõi trần tục. Lan và tôi cùng nhận ra nhau ngay. Em chỉ hỏi thăm tôi qua loa về sức khỏe và chuyện CT, nhưng không có vẻ gì chăm chú lắm. Sau đó Lan lại tiếp tục chú mục vào câu chuyện của thằng em tôi đang rỉ rả với em. Tôi chú ý thấy Lan hết sức say sưa như bị hút cả thần trí vào câu chuyện, không nhìn ngó, lưu tâm gì mọi việc quanh em.
Thằng em tôi đang tán tỉnh, lựa lời đường mật dụ dỗ em chuyện gì chăng ?… Thưa, trật xa ! Không phải vậy đâu. Nó nhỏ hơn Lan những ba, bốn tuổi. Và nó chỉ đang làm công việc… thuyết pháp !
Trời thần !…Số là thằng em tôi đang học làm thầy tụng. Nó có một hai ông thầy đang truyền pháp cho nó và bản thân thì tự nghiên cứu kinh nhà Phật các loại rất say mê. Nhưng đó là chuyện của nó. Tôi chẳng quan tâm. Tôi chỉ quan tâm đến… Thương Lan mà thôi ! Vì sao mà Lan lại mải mê nghe giảng Phật pháp như vậy. Em định sẽ… đi tu chăng ?! Hay chỉ là một tín nữ, một con nhà Phật thuần thành ?… Nếu như vậy cũng… tốt cho em thôi ! Nhưng không phải vậy đâu các bạn ạ !…
… Có một buổi chiều mưa lất phất sau đó không lâu, Lan lại đến. Đúng lúc có tôi ở nhà mà không có thằng em. Ông anh là tôi phải đứng ra tiếp. Nhưng tôi có biết một chút gì đâu chuyện nhà Phật mà thuyết. Nhưng tiếp Lan thì thật lòng tôi cũng muốn… tiếp và kéo dài thời gian lắm. Đừng quên, thưa các bạn. Tôi vừa ủ tờ lâu năm ra, lại độc thân, sao tôi lại có thể lạnh lùng trước một em gái diễm lệ nhưng ngoan hiền như Lan ? Ngày xưa, khi em theo chị tôi đến nhà, em chỉ mới lên sáu, lên bảy, là con nít. Còn tôi những mười bốn, mười lăm.
Là đàn anh quá rõ ràng. Đâu thể có chuyện tôi bị em hút hồn mà… ”thương” em cho được !. Nhưng năm 82 đó thì Lan đã hai lăm, hai sáu rồi. Đã là một thiếu nữ duyên dáng yêu kiều. Còn tôi chỉ mới ”ba tư”. Làm sao tôi có thể dễ dàng kềm lòng, làm ngơ!… Tôi nhớ tôi thật lanh trí lúc đó. Sẵn cây đàn trong nhà, tôi vớ lấy và mời Lan ngồi rồi nói : ”Anh sẽ hát cho em nghe vài bài nhạc chờ tạnh mưa, nghe. Em thích những bài nào ?”.
Lúc đó mưa đã bắt đầu nặng hạt. Lan nói : ”Anh biết bài nào nhạc Phật không ?”. Tôi toát mồ hôi dù bên ngoài trời đang mưa lớn, còn không khí trong nhà thì lành lạnh. Thiệt là bất ngờ và là một thử thách lớn cho tôi trong lúc đó. Trước đó, khi tôi mới về, có một vài bạn gái cũ đến thăm, tôi có đàn hát cho họ nghe bài nầy, bài nọ, gây không khí vui và thân mật. Nhưng nhạc nhà Phật thì chưa hề. Cũng may, trong ký ức xa vời của tôi lúc đó, có hai bài nhạc thuộc về nhà Phật mà tôi vốn đã thuộc nằm lòng từ nhỏ nên tôi… chìu Lan ngay.
Đó là hai bài” Giòng Alôma” và …”Phật giáo Việt Nam”. Lan chăm chú nghe. Nàng lộ vẻ vui lắm. Kết thúc, còn thưởng cho tôi một tràng pháo tay khá là dài… Sau đó, Lan và tôi có chuyện qua chuyện lại cũng khá lâu. Trời sắp vào tối mà mưa không tạnh hẵn. Vẫn còn lâm râm. Lan ngõ ý muốn về. Tôi đề nghị cùng đi với em. Nghĩa là đưa em về . Em cười tươi đồng ý ngay. Tôi khoác chiếc áo mưa hai lớp cũ mèm từ hồi còn trong lính, đã theo tôi suốt bảy năm trời, từ Nam ra Bắc… Còn phần Lan, tôi lấy chiếc áo mưa ny lông của má tôi khoác cho em. Chỉ có vậy, hai đứa chúng tôi đã tản bộ, lang thang từ nhà tôi tới trước ngõ hẻm nhà em trong gần một tiếng đồng hồ, dưới cơn mưa lâm râm và với nhiều câu chuyện bắt quàng nầy nọ không dứt mà tôi không sao nhớ hết.
Tuy hai dứa không phải là tình nhân của nhau. Nhưng dám chắc, bất cứ ai trên đường luc đó, nếu nhìn thấy, chắc chắn sẽ đều cho rằng chúng tôi là bồ ruột của nhau chứ chẳng là quan hệ gì khác.
Tới đầu ngõ, Lan cám ơn tôi và nói để em đi một mỉnh. Tôi nói để tôi đưa tới tận nhà. Lan nói : ”Sắp tới rồi, không đầy trăm thước đâu anh. Anh theo vô, má em la em đó. Mà tụi bạn quanh nhà, thấy, tụi nó chọc em liền !!…
Hồ Hoàng Hạ (Cuối tuần kể tiếp)
LỜI BÀN CỦA CAO BỒI GIÀ :
Vậy ra câu chuyện “Lan & con gái’ (xem lại Bản tin 254/1350 – Ngày 11/9/13) do cô em Ngọc Sương kể có “liên quan” đến mày sao Ân (Hồ Hoàng Hạ – hình như mày khai tử cái tên Hoàng Hôn Huấn rồi ?!) ?. Nhưng nhân vật chánh trong câu chuyện do Ngọc Sương kể hình như không phải là mày.
Mới hôm 16/9 Ngọc Sương có phone về, cám ơn bài viết được post và có tâm sự chuyện ngày xưa thân ái ở xóm Hàng Keo, rồi kể là đang sợ bọn Miên “cáp duồn” người Việt ở Nam Vang, nhóm đối lập đi biểu tình ì xèo suốt mấy ngày liền, tay cầm hung khí, chửi bới chính phủ đương thời và cả Việt Nam, chúng đòi lại đất từ thời Phù Nam – Chân Lạp; nên em gái không nấu chè (mỗi ngày nấu 15 nồi) giao cho bạn hàng được. Mới rãnh viết bài tâm sự cùng nhau.
Mới đầu đọc bài viết của Ngọc Sương, tao tưởng Lan là Thùy Lan, nhưng không phải. Thật hú vía… những tưởng người xưa bị dập vùi !
NHẠC SĨ HOÀNG NGUYÊN
Bâng khuâng khúc hát hoa đào
Mời nghe & xem video clip “Ai lên xứ Hoa đào” của Hoàng Nguyên do Ánh Tuyết và Tâm Đoan trình bày :
Hoa đào, vườn đào, động đào là hình ảnh lãng mạn muôn thuở với trí tưởng tượng của thi nhân. Thế mà trong thế kỷ 20, ở một góc núi đại ngàn cõi địa đàng có một xứ hoa đào. “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi…”. Theo tiếng nhạc réo rắc, tôi lần tìm đến các gốc đào để rồi “giờ này nhìn sương khói lòng thầm mơ màu hoa trên má ai…”
Hoàng Nguyên (1932-1973) là một nhà giáo-nhạc sĩ của Đà Lat đầu thập niên 60 thế kỷ trước.
Thuở ấy, Đà Lạt còn mờ ảo sương giăng, tiếng chuông nhà thờ ngân vang, tiếng vó xe thổ mộ lóc cóc gõ mặt đường theo nhau về chợ mỗi sáng, mỗi chiều, đêm đêm ngọn đèn đường vàng vọt soi bóng vài cặp tình nhân sát bên nhau tìm hơi ấm trong những chiếc áo Pardessus dày cộm, sãi từng bước dài trên con đường vắng. Trong không gian mơ hồ, huyền ảo đó, người nhạc sĩ yểu mệnh này có hai ca khúc nổi tiếng về hoa đào: Ai lên xứ hoa đào và Bài thơ hoa đào. Trong cả hai ca khúc, màu hoa đào đều gợi lên hình bóng giai nhân xứ lạnh. Đó là Đà Lạt, người tình muôn thuở của thi ca nhạc họa.
Hoa Đào ở đây Hoàng Nguyên ca ngợi là Mai Anh Đào, một tên ghép tổng hợp của 3 loài hoa khác nhau: Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Anh Đào. Mai Anh Đào là loài hoa có năm cánh nở về mùa xuân như Hoa Mai, cánh màu hồng như Hoa Đào, nở rộ từng đám lung linh chờn vờn theo gió xuân để chóng tàn như Anh Đào Nhật Bản.
Có nhiều người ngộ nhận gọi Mai Anh Đào là Hoa Đào hay Hoa Anh Đào và vì thế Đà Lạt có tên là “Xứ Hoa Đào”.
Lời bài hát
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thợ
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xựa
Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ại
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.
Ôi ! màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nàọ
Ôi ! màu hoa đào như môi hồng người mình yêu,
Ôi ! màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa
Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa,
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.
Trở lại hai ca khúc bất tử của Hoàng Nguyên viết về Đà Lạt. “Ai lên xứ hoa đào” là lời mời gọi khách xa về thăm xứ lạnh, nhìn chiều rơi bên hồ, nghe hơi giá len vào lòng người, nghe thông reo bên suối vắng một chiều xuân êm trôi; về thăm xứ Hoa Đào, lần bước theo đường hoa có vài cánh hoa ngại ngần bay theo chân ai… để mơ về cuộc tình hoa bướm, đến khi quay về, mang theo cành hoa gợi nhớ một chiều sương khói, thầm mơ màu hoa trên má ai đó của một bóng hồng Đà Lạt. Điệu nhạc réo rắt, ca từ trữ tình, hình ảnh mông lung huyền ảo gợi lại cảnh đào nguyên lãng đãng sương khói đẹp như chuyện ngày xưa.
“Bài thơ hoa đào” là lời nuối tiếc một cuộc tình thoáng qua. Khách lãng du dừng chân phiêu lãng đến Đà Lạt yêu màu đào trên má giai nhân rồi khi chia tay lòng tê tái mơ về giấc mơ tiên nữ giáng trần, tóc mây buông lơi tha thướt bên hồ mòn mõi đợi tình nhân đến. Dẫn dắt lời nhạc là mấy câu thơ dạo đầu “Ngày mai em đi khỏi/ Hoa Đào ghen với ai/ Ngày mai em đi khỏi/ Hoa nhạt, nắng phôi phai”…
Hoàng Nguyên đã đồng hóa màu hoa và màu má thiếu nữ Đà Lạt. Tứ thơ này không mới. Thôi Hộ đời Đường đã có câu “Nhân diện đào hoa tương áng hồng”, Nguyễn Du trong truyện Kiều đã để Từ Hải thắc mắc với Kiều “Bấy lâu nghe tiếng má đào/ Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”. Với Hoàng Nguyên không phải là má đào mà là màu hoa đào trên má. Người thiếu nữ Đà Lạt má ửng hồng trong khí trời se se ngọn gió xuân mát lạnh, nắng nhuộm cánh Mai Anh Đào hồng như đôi má giai nhân. Một vẻ đẹp thần tiên của thiếu nữ xuân thì, của thành phố trẻ trung như thiên thai giữa trần thế.
“Ai lên xứ hoa đào” nhiều người biết, nhiều người hát. Có thể nói người Đà Lạt nào biết hát thì ít ra cũng đôi lần hát bài này. “Bài thơ hoa đào” như người thiếu nữ kín đáo chưa vào mắt xanh của một số người hâm mộ.
Những ngày chưa đến Đà Lạt, qua sóng phát thanh, hai ca khúc này đã cuốn hút tôi từng ngày, từng đêm. Giọng ca Lệ Thanh sâu lắng, kín đáo như diễn tả với tôi đầy đủ vẻ đẹp hoa đào trong mơ tưởng lãng mạn bay bổng của tôi.
Ngày mai em đi khỏi
Hoa đào ghen với ai !
Ngày mai em đi khỏi
Hoa nhạt, nắng phôi phai …
1/. Ngày nào . . . dừng chân phiêu lãng
Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi
Màu hoa in dáng trời
Tình hoa lưu luyến người
Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi
2/. Ngày nào . . . đường xuân phơi phới
Khách ngất ngây thấy hoa nở trên má ai
Mà ghi câu luyến nhớ thành bài thơ
ĐK.
Ôi ! . . . Đà Lạt là thơ . . .
Bài thơ mến yêu reo muôn đời
Dệt bằng tiếng gió ngàn reo
Qua đồi thông hay bên . . . bờ suối
Ôi ! . . . Đà Lạt là mơ . . .
Giấc mơ tiên nữ giáng xuống trần
Tóc mây buông lơi tha thướt bên hồ
Đợi tình quân đến trong giấc mơ
Nhưng . . . rồi mùa hoa tàn
Người hoa . . . sao vắng mãi
Đường hoa . . . sao hững hờ
3/. Để lòng . . . lữ khách tê tái
Cất bước đi nhớ hoa đào trên má ai
Màu hoa in trên má
Làm khách lưu luyến mãi Đà Lạt ơi!
(Nguồn tham khảo Internet)
Gần nửa thế kỷ thay da đổi thịt lớn lên từng ngày, Đà Lạt như một sơn nữ mặn mà hương rừng gió núi trở thành cô gái thị thành kênh kiệu, đài trang. Nhịp đập cuộc sống văn minh át hẳn tiếng dìu dặt thông reo bên suối vắng. Đường trần hoa bướm đã lạc dần vào quên lãng như chuyện ngày xưa. “Ai lên xứ hoa đào” và “Bài thơ hoa đào” vẫn còn làm say đắm lòng người nhưng có ai biết đến, ai nhớ đến người nhạc sĩ-nhà giáo của Đà Lạt xưa đã thổi hồn mộng mơ vào từng giai điệu réo rắt lòng người. Bài viết này như là một nén nhang cho người nhạc sĩ bỏ quê hương vùng gió cát Quảng Trị, một thời đã gắn bó với Đà Lạt và bất tử với màu hoa đào xứ lạnh ngàn hoa.
Hoàng Nguyên (1932- 1973) là một nhạc sĩ tên tuổi, tác giả các ca khúc nổi danh như Ai lên xứ hoa đào, Cho người tình lỡ.
Ông tên thật là Cao Cự Phúc, sinh 3/1/1932 tại Quảng Trị. Lúc nhỏ theo học trường Quốc học Huế . Đầu thập niên 1950, Hoàng Nguyên có tham gia kháng chiến nhưng rồi từ bỏ quay về thành phố.
Lên ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên dạy học tại trường tư thục Tuệ Quang, thuộc chùa Linh Quang, khu số 4 Đà Lạt, do Thượng tọa Thích Thiện Tấn làm Hiệu trưởng. Thầy giáo Cao Cự Phúc dạy Việt văn lớp đệ lục. Trong ở đó, ông là thày giáo dạy nhạc cho Nguyễn Ánh 9, người sau này trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng đồng thời là nhạc công chơi đàn piano.
Năm 1956 , trong một đợt lùng bắt ở Đà Lạt, do trong nhà có cả bản “Tiến Quân Ca” của nhạc sĩ Văn Cao, người mà Hoàng Nguyên rất ái mộ, Hoàng Nguyên bị bắt và đày ra Côn Đảo khoảng năm 1957.
“… Ở Côn Sơn, thiên tình sử của người nghệ sĩ Hoàng Nguyên mở đầu với cảnh tình éo le và tan tác. Là một tài hoa đa dạng, người tù Hoàng Nguyên được vị Chỉ Huy Trưởng đảo Côn Sơn mến chuộng nên đã đưa chàng ta về tư thất dạy Nhạc và Việt văn cho ái nữ ông, tên H. năm đó khoảng 19 tuổi… Mối tình hai người nhóm lên vũ bảo. Trăng ngàn sóng biển đã là môi trường cho tình yêu ngang trái nầy nẩy nở.
Chợt khi người con gái của Chúa Đảo mang thai. Mối tình hai nhịp so le bị phát giác. Để giữ thể thống cho gia đình. Vị Chúa Đảo giữ kín chuyện nầy và chỉ bảo riêng với người gây ra tai họa là nhạc sĩ Hoàng Nguyên: ông ta đòi hỏi Hoàng Nguyên phải hợp thức hóa chuyện lứa đôi của hai người với điều kiện vận động cho người nhạc sĩ được trả tự do…” (Lâm Tường Dũ – Tình Sử Nhạc Khúc).
Hoàng Nguyên được trả tự do, trở về Sài Gòn, tiếp tục sáng tác và dạy học ở trường tư thục Quốc Anh. Năm 1961, Hoàng Nguyên theo học tại Đại học Sư Phạm Sài Gòn, ban Anh văn. Trong thời gian theo học đại học, Hoàng Nguyên có quen biết với ông Phạm Ngọc Thìn, thị trưởng thành phố Phan Thiết. Bà Phạm Ngọc Thìn là nữ diễn viên Huỳnh Khanh, mến mộ tài năng của Hoàng Nguyên đã nhận ông làm em nuôi.
Hoàng Nguyên dạy kèm cho Ngọc Thuận, con gái ông bà Phạm Ngọc Thìn. Hai người yêu nhau và Hoàng Nguyên trở thành con rể ông bà Phạm Ngọc Thìn. Trước đó Hoàng Nguyên có ý định quay lại với cô gái ở Côn Sơn, nhưng cô đã đi lấy chồng. Ca khúcThuở ấy yêu nhau ra đời trong khoảng thời gian đó.
Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào Trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau đó chuyển về Cục Quân Cụ, dưới quyền của Đại tá nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng và được giao quản lý ban nhạc Hương Thời Gian của Anh Việt.
Hương Thời Gian xuất hiện trên truyền thanh và truyền hình Sài Gòn đã thu hút khá đông khán thính giả.
Ngày 21/8/1973 ở Vũng Tàu, Hoàng Nguyên mất do một tai nạn xe hơi.
Mai Trung Tín post
Giới thiệu đến các bạn các video clip do Nguyễn Việt thực hiện từ năm 2009 qua mạng xã hội Clip.vn (địa chỉ truy cập : clip.vn/mytv/thienviet_astro), Mời các bạn xem một số clip sau đây :
- Nghĩa trang nghệ sĩ (Gò vấp)
http://clip.vn/watch/Nghia-trang-nghe-si,WHuv/
- Lên đồng
http://clip.vn/watch/Len-dong,W7kS/
- Bà Chúa Xứ (các đền chùa phối tự)
http://clip.vn/watch/5-Ba-chua-su,WY6t/
Quế Phượng post
Filed under: Văn Hóa Văn Nghệ Tagged: Tổng hợp, Văn nghệ
2013-09-17 04:26:10
Nguồn: http://clbhongoccan2013.wordpress.com/2013/09/17/van-hoa-van-nghe-21/