Không phải Vitamin nào cũng tốt cho tất cả các loại bệnh. Sau đây là một số những bệnh cần tránh khi dùng Vitamin!
Calcium và ung thư tuyến tiền liệt
Mỗi năm, hơn 5.000 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt được điều trị bằng liệu pháp hormone nhằm ngăn chặn việc sản xuất testosterone, nguyên tố làm tăng nguy cơ ung thư tái phát. Vấn đề là testosterone đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mật độ xương nên nhiều bệnh nhân thường được bổ sung thêm calcium. Nhưng trong một cuộc nghiên cứu gần đây, các chuyên gia thuộc Trung tâm y tế Wake Forest (Mỹ) nhận thấy việc bổ sung calcium với liều lượng từ 500-1.000 mg khiến mật độ xương của đàn ông sụt giảm đáng kể. Lý do là việc bổ sung calcium hàm lượng cao làm giảm hiệu quả của vitamin D, dưỡng chất cần thiết để cơ thể hấp thụ calcium vào xương. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân sử dụng liệu pháp hormone chỉ cần duy trì vận động để giữ cho xương chắc khỏe và sau khi điều trị, mật độ xương sẽ dần khôi phục.
Vitamin A và bệnh vảy nến
Một trong các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị cho khoảng 1,8 triệu người bị bệnh vảy nến là retinoid, dạng viên hoặc dạng kem bôi da. Chúng giúp điều chỉnh sự phát triển của các tế bào da vì ở căn bệnh này, quá trình tái tạo da diễn ra quá nhanh, tạo nên các lớp vảy màu bạc và đỏ. Tuy nhiên, do retinoid là dẫn xuất của vitamin A, dưỡng chất giúp bảo vệ và tái tạo da, nên bổ sung vitamin A quá nhiều có thể gây hại cơ thể. Các vitamin tan trong nước thường bài tiết qua đường tiểu, riêng vitamin A chỉ tan trong chất béo nên có thể tích tụ trong gan. Vì thế, đàn ông dùng trên 0,7 mg/ngày, phụ nữ dùng trên 0,6 mg/ngày có thể dẫn đến các bệnh như đau mắt đỏ, rụng tóc và khiến bệnh về da trầm trọng thêm.
Vitamin E, kali và bệnh tim
Nếu mắc bệnh tim, bạn nên tránh bổ sung vitamin E liều cao vì điều này đã được chứng minh có thể làm bệnh thêm trầm trọng. Một nghiên cứu quốc tế kéo dài 7 năm do Đại học McMaster (Mỹ) thực hiện trên 10.000 người bị bệnh tim, bệnh động mạch ngoại biên (PAD) và tiểu đường, cho thấy việc dùng vitamin E liều cao (khoảng 363 mg mỗi ngày) làm tăng 13% nguy cơ suy tim và 21% nguy cơ nhập viện vì suy tim. Các cuộc nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng dưỡng chất này có thể ảnh hưởng đến sự đông máu hoặc ngăn chặn những tác động có lợi của các chất dinh dưỡng khác. Trong khi đó, kali giúp điều hòa nhịp tim, nhưng nếu dùng kali liều cao (trên 3.500 mg/ngày) có thể dẫn tới tình trạng “đánh trống ngực”, rối loạn nhịp tim.
Vitamin A, phốt pho và bệnh loãng xương
Cùng với calcium, phosphorus có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe xương. Tuy nhiên, việc bổ sung không hợp lý phosphorus vào chế độ ăn có thể dẫn tới hiện tượng giòn xương. Cơ quan Y tế Anh khuyến cáo không nên bổ sung quá 250 mg phosphorus /ngày. Trong khi đó, nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau chỉ ra rằng việc dùng vitamin A (dạng retinol) liều cao, dù giúp tăng khả năng miễn dịch chống viêm nhiễm, nhưng có thể khiến lượng calcium trong xương hao hụt và khó hấp thu vào xương, từ đó làm giảm mật độ xương và dẫn đến loãng xương. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo hàm lượng vitamin A cần bổ sung là 0,7 mg/ngày ở nam và là 0,6 mg/ngày ở nữ.
Vitamin B3 và bệnh tiểu đường
Được biết đến như niacin, vitamin B3 có liên quan đến sự trao đổi chất và đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất năng lượng từ các loại thực phẩm chúng ta ăn vào. Tuy nhiên, dùng vitamin B3 liều cao (trên 100 mg/ngày) có thể làm tăng lượng đường trong máu do nó làm giảm khả năng hấp thụ glucose vào tế bào.
Thanh niên
2013-09-03 20:26:05
Nguồn: http://suckhoevadoisong.org/vitamin-ki-nhung-benh-nao/