thu nhập doanh nghiệp (TNDN) vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, nhiều ý kiến DN chưa hiểu đúng nên chưa đồng thuận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) để làm
rõ hơn về vấn đề này.
Theo
lãnh đạo Vụ Chính sách thuế, thực ra, quy định DN phải đóng thuế cho khoản tiền lãi phát sinh từ khoản tiền gửi NH của DN là việc không hề mới và đã được thực hiện từ ngày Luật Thuế thu nhập DN có hiệu lực. Mức thuế suất cũng được tính theo thuế suất thuế TNDN, đúng các mức thuế phổ
thông, chứ không tách bạch ra. Cụ thể, từ trước đến giờ là 25%, sang 2014 sẽ xuống 22% và theo lộ trình, 2016 sẽ xuống 20%. Vừa qua, Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN cũng vẫn giữ nguyên như thế, nên khi Bộ Tài chính soạn thảo Nghị định hướng dẫn Luật cũng vẫn tuân theo đúng các quy định. Một số DN chưa hiểu, tưởng là quy định mới do Bộ Tài chính đề xuất nên có ý kiến phản ứng, chưa đồng thuận.
“Đây là thuế TNDN, đánh vào đối tượng là DN, các tổ chức kinh tế, khác với thuế TNCN. Đối với cá nhân, hiện không có chủ trương thu thuế đối với tiền lãi gửi tiết kiệm, đây là chính sách khuyến
khích người dân gửi tiền tiết kiệm, thay vì tiêu dùng xa xỉ, dùng tiền gửi vào NH, và NH có nguồn vốn để đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh, thay vì người dân mang tiền đi mua vàng tích trữ, hay cất giữ trong nhà nhiều rủi ro. Còn DN gửi tiền vào NH, đây là một nguồn thu nhập của DN, thậm chí nhiều DN còn coi đây như một kênh đầu tư. Ví dụ có những DN đặc
thù có nguồn tiền nhàn rỗi khá nhiều như nhóm DN bảo hiểm. Họ dùng tiền
đó để đầu tư trái phiếu chính phủ, gửi NH… coi đây là 1 kênh đầu tư, nên thuế thu nhập thu trên tất cả các nguồn của DN là bình thường và hợp
lý”, đại diện Vụ Chính sách thuế phân tích.
Về ý kiến cho rằng, lúc này, xới vấn đề này lên, nhiều DN sẽ rút tiền khỏi NH, có thể đầu tư vào
rủi ro, đại diện Vụ Chính sách thuế khẳng định: Nhà nước không khuyến khích DN đi gửi tiền NH. Đã là DN mà lại mang tiền đi gửi NH thì không được, họ phải đổ tiền vào sản xuất kinh doanh. Nếu bây giờ DN phản ứng bằng cách rút tiền ra khỏi NH thì cũng là một tín hiệu đáng mừng, vì tiền đó sẽ được chảy vào các kênh đầu tư, sản xuất kinh doanh khác.
Thực ra, việc thu thuế từ lãi tiền gửi của DN đã được thực hiện ở hầu hết các nước trên thế giới, theo đúng thông lệ quốc tế. Về mục đích của việc đánh thuế, các loại thuế, nhất là thuế thu nhập, tức là thuế trực thu nói chung, mục tiêu tự thân của thuế bao giờ cũng là điều tiết các nguồn thu nhập, đảm bảo nguồn thu nhất định cho ngân sách. Vai trò rất quan trọng của thuế thu nhập là đảm bảo định hướng, thu hút đầu tư, là công cụ để phát triển sản xuất, khuyến khích sản xuất, để định hướng xem nên phát triển lĩnh vực nào, địa bàn nào. Chính vì thế, Chính phủ mới có chính sách ưu đãi thuế theo từng địa bàn, từng lĩnh vực.
Tuy nhiên, chính vì bị hiểu nhầm, bị “xới” lại trong thời điểm
kinh tế gặp nhiều khó khăn, DN phá sản hàng loạt, nên vấn đề đánh thuế lãi suất tiền gửi trở nên “nhạy cảm”. Hơn nữa, một số người lại hiểu nhầm giống như đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm của cá nhân vừa bị dư luận phản ứng trước đây.
Chính giai đoạn kinh tế khó khăn, nên Chính phủ đã có Nghị quyết 13, miễn giảm thuế, áp dụng mức thuế thấp cho các DN nhỏ… nhằm tạo thuận lợi cho DN, thu hút và khuyến khích đầu tư.
Cụ thể: thứ nhất, DN được giảm nghĩa vụ thuế, mức thuế
suất phổ thông từ 25% xuống 22% từ 1/1/2014, đồng thời quy định lộ trình áp dụng thuế suất 20% từ 1/1/2016. Theo đó từ năm 2016 mức thuế suất phổ thông chỉ còn 20%, đây là mức thuế suất khá cạnh tranh so với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó còn bổ sung quy định các DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20% từ 1/7/2013 nhằm tạo thuận lợi cho các DN có quy mô nhỏ và vừa có điều kiện
tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng
cao được năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, mở rộng diện ưu đãi thuế và điều chỉnh nâng mức độ miễn giảm, ưu đãi thuế, đặc biệt đối với hợp tác xã, các địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, các lĩnh vực cần thu hút đầu tư.
Thứ ba, sửa đổi đối tượng ưu đãi căn cứ theo “dự án đầu tư” nhằm phù hợp với thực tiễn và nhất quán với quy định của Luật Đầu tư, qua đó diện ưu đãi thuế cũng sẽ được mở rộng khá nhiều.
Nhìn chung, các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đều
nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN, góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế cải cách thuế của thế giới và bảo đảm lộ trình của Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020; đồng thời cũng đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thuế và việc hiện đại hoá quản lý thuế…
Theo Hà An
Công an nhân dân