Dù có rất nhiều hoạt động kinh doanh ở Hà Nội nhưng Nam Cường vẫn đặt trụ sở chính ở Nam Định. Theo giấy chứng nhận kinh doanh của Nam Cường, hiện vốn điều lệ của tập đoàn này đạt 4.500 tỷ đồng.
Trong đó, cá nhân bà Ngà sở hữu lượng cổ phần trị giá xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm 88,86% cổ phần.
Số cổ phần còn lại thuộc về bà Trần Thị Quỳnh Ngọc – phó chủ tịch – nắm giữ xấp xỉ 500 tỷ đồng, tương đương 11,11% cổ phần. Người còn lại là ông Trần Oanh – tổng giám đốc – nắm giữ 0,03%.
Theo số liệu CIC thì vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2011 của Nam Cường lên đến 9.800 tỷ đồng, tức gấp đôi vốn điều lệ. Như vậy đồng nghĩa với lượng cổ phần của bà Ngà có giá trị sổ sách khoảng nhất là 8.700 tỷ đồng.
Giả sử như cổ phiếu của Tập đoàn Nam Cường được niêm yết trên sàn chứng khoán và giao dịch tại mức giá bằng với giá trị sổ sách thì với 8.700 tỷ đồng, bà Ngà sẽ vượt qua bầu Đức thành người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán sau chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Nếu tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cp) thì bà Ngà cũng vững chắc ở vị trí số 2.
Bà Trần Thị Quỳnh Ngọc – cổ đông lớn thứ 2 của Nam Cường
Tất nhiên đấy chỉ là giả định, giá cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Nếu vốn lớn nhưng triển vọng kinh doanh không tốt thì cổ phiếu vẫn có thể bị thị trường định giá thấp.
Không ít cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đang nằm dưới mệnh giá và thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách như cổ phiếu của Tập đoàn Tân Tạo, Hoàng Quân, Licogi 16 hay Quốc Cường Gia Lai…
Cũng theo số liệu của CIC thì năm 2011, doanh thu của Nam Cường đạt 967 tỷ đồng với lãi sau thuế đạt 117 tỷ đồng, cùng tổng tài sản hơn 19 nghìn tỷ đồng. Điều này tương ứng tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản và trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt vỏn vẹn 1,2% và 0,6%.
Tuy vậy, đây cũng là thời gian mà các doanh nghiệp bất động sản nói chung đều gặp khó khăn nên tỷ suất lợi nhuận thấp là điều không quá ngạc nhiên.
Theo Trí Thức Trẻ