Chúng ta thường cho rằng, chỉ có loài người mới bị “hói” còn những loài động vật, thú rừng, chim muông khác không thể “ít tóc” được. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trong thế giới động vật rộng lớn, Mẹ Thiên nhiên đã lỡ tay, nhào nặn ra nhiều loài động vật với chiếc “đầu hói” khiến chúng có hình dáng vô cùng độc đáo, kì quái.
Cùng điểm lại một vài loài động vật bị hói đầu theo danh sách của trang National Geographic dưới đây.
1. Khỉ đầu đỏ Uakari
Với cái đầu trọc và khuôn mặt đỏ rực, khỉ Uakari (tên khoa học là Cacajao calvus) có thể khiến những người yếu bóng vía cảm thấy sợ hãi trong lần đầu bắt gặp. Đây là loài khỉ đuôi ngắn Nam Mỹ, sống tại lưu vực sông Amazon.
Chúng có khuôn mặt đỏ rực, bộ lông dài, rậm, thường có màu nâu hoặc cam. Dù có đuôi ngắn nhưng loài khỉ Uakari vẫn di chuyển nhanh nhẹn trên cây do sử dụng tay và chân khá linh hoạt.
Điểm đặc biệt ở loài khỉ này là khi chúng bị ốm thì màu đỏ trên mặt cũng trở nên nhợt nhạt. Theo các nhà nghiên cứu, màu đỏ trên mặt, đầu của khỉ Uakari không phải là do sắc tố mà bởi phần này có nhiều mạch máu tập trung ngay dưới da, thể hiện tình trạng sức khỏe của chúng. Do đó, khi bị ốm, những sắc tố này trên da cũng trở nên nhợt nhạt hơn.
Khỉ Uakari thường sống ở lưu vực sông Amazon và thường chia thành từng nhóm 10 con. Chúng cũng biết cất thức ăn dự trữ trên cây để đề phòng những ngày vào mùa khô, thức ăn trở nên khan hiếm.
2. Kền kền vua
Ngắm những con kền kền vua oai hùng bay lượn trên bầu trời ít ai nghĩ rằng, chúng bị hói. Màu sắc sặc sỡ ở đầu và cổ của những chú kền kền vua ( có tên khoa học Sarcoramphus papa) không phải do màu lông mà chính là màu của da đầu và cổ.
Màu sắc ở vùng “hói” này vô cùng đa dạng, bao gồm cả màu vàng, cam, xanh, tím, đỏ… Tuy nhiên, lông ở đầu và cổ của kền kền rất ít, chỉ lơ thơ vài chiếc không đủ để che kín hết phần da và thường có màu xám đen.
Loài kền kền vua này sống chủ yếu ở các khu rừng đất thấp nhiệt đới trải dài từ miền Nam Mexico tới miền Bắc Argentina và được biết tới là loài ăn xác thối.
Hiện nay, theo tài liệu của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), số lượng loài chim dù đông nhưng cũng đang giảm nhiều. Lý do chủ yếu được các nhà nghiên cứu đưa ra là bởi chúng đang mất dần môi trường sống.
3. Chó Orchid Inca ở Peru
Loài chó Peru đặc biệt này gần như không có lông, chúng chỉ có chút ít “tóc” trên đầu, nhúm lông ở chân và đuôi. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học chỉ ra, loài chó Orchid Inca này là giống chó cổ của Peru.
Hình vẽ của chúng xuất hiện và được mô tả trên nhiều hiện vật đồ gốm từ năm 750. Những cổ vật này có từ thời nền văn minh Moche ở miền Bắc Peru cách đây khoảng 2.000 năm.
Theo một số tài liệu ghi lại, do thời tiết quá lạnh nên những chú chó này khó tồn tại. Cuộc chinh phục Tây Ban Nha của Peru gần như đã gây ra sự tuyệt chủng của giống chó này. Những con chó còn lại sống sót trong các vùng nông thôn, đã được nhiều người chăm sóc, bảo tồn và với nhiều người, nó mang một giá trị thần bí.
4. Heo gầy (Skinny Pig)
Gần giống loài chó Orchid Inca ở Peru, loài heo gầy này không có lông trên khắp phần cơ thể, trừ nhúm lông trên mõm và chân. Một số con đột biến trong nhóm có lớp lông tơ mỏng mờ trên lưng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một con heo gầy khỏe mạnh sẽ có lớp da trơn tru, không lông cùng một số nếp nhăn xung quanh “tứ chi” và vùng cổ. Bên cạnh đó, Skinny Pig có màu sắc khá đa dạng, từ đơn sắc, hồng, đen hay màu loang… giống màu của chú chuột lang nhà (Guinea Pig).
Giống heo gầy này ra đời trong một thí nghiệm tại Viện Armand Frappier Montreal vào năm 1978. Các nhà nghiên cứu khi ấy đã kết hợp giữa giống chuột lang có bộ lông mượt lai tạo với chủng loài không có lông để tìm hiểu rõ hơn về giống chuột lang.