“Cầm đồ” là từ mọi người sử dụng để chỉ loại hình dịch vụ, trong đó một người nhận giữ tài sản của người khác và cho người đó vay tiền với lãi suất cao hơn nhiều lần so với lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, ngay trong lĩnh vực đào tạo, một trường đại học cũng đưa ra mức “lãi suất cầm đồ” khi thu học phí của những sinh viên trót … chậm nộp.
Theo “Quy định về thời hạn nộp học phí và hình thức xử lý đối với sinh viên không thực hiện đúng nghĩa vụ nộp học phí” ngày 25/9/2007 của Trường Đại học Hà Nội do Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Vang ký, “Tất cả sinh viên của Trường Đại học Hà Nội phải nộp học phí trong vòng 30 ngày kể từ khi kỳ học bắt đầu. Thời hạn cụ thể theo thông báo của Nhà trường.
Theo quy định, học phí phải nộp 2 tuần trước khi bắt đầu buổi học đầu tiên, như vậy trong vòng 15 ngày kể từ ngày bắt đầu học, sinh viên phải hoàn thành nghĩa vụ nộp học phí. Quá thời hạn trên, sinh viên phải nộp thêm 0,2% học phí cho mỗi ngày nộp học phí muộn”.
Đặc biệt hơn nữa, việc phạt chậm nộp học phí ở Trường Đại học Hà Nội cũng không loại trừ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, “Những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải có đơn xin phép nộp học phí muộn cùng các giấy tờ chứng minh lý do chính đáng gửi Nhà trường để xem xét thì mới được phép nộp muộn và vẫn phải chịu hình thức nộp phạt tương ứng. Trường hợp đặc biệt do Hiệu trưởng xem xét, quyết định”.
|
Cả 2 khoản: học phí và tiền phạt do chậm nộp được Đại học Hà Nội thu gộp trên một Biên lai |
Nói về quy định phạt tiền do chậm nộp học phí của Trường Đại học Hà Nội, Thu Hương – sinh viên hệ văn bằng 2 bức xúc: “Do yêu cầu, trào lưu của xã hội, để có thể có một công việc tốt em cố gắng theo học thêm chuyên ngành tiếng Anh của trường Đại học Hà Nội. Công việc hiện tại của em chỉ là tạm thời, thu nhập bấp bênh, lại là người ngoại tỉnh nên mặc dù đã rất cố gắng, thỉnh thoảng em vẫn phải chậm nộp học phí. Việc nộp học phí đúng thời hạn là trách nhiệm của sinh viên, tuy nhiên việc phạt chậm nộp tới 0,2% số tiền chậm nộp một ngày như Trường Đại học Hà Nội đang áp dụng chẳng khác gì “tín dụng đen””
Còn anh Duy Thông, nguyên sinh viên Khoa tiếng Anh Đại học Hà Nội cho biết: “Năm 2008, tôi theo học hệ tại chức tại Trường Đại học Hà Nội, nhiều khi để có đủ tiền nộp học phí tôi đi vay “nóng” ở ngoài. Bởi vay “nóng” ở ngoài chỉ có 0,1% – 0,12 %/ngày, rẻ hơn nhiều so với mức phạt của nhà trường”.
Như vậy, “chế tài” phạt tiền đối với hành vi chậm nộp học phí tại Trường Đại học Hà Nội là có thực và đã được áp dụng từ năm 2007. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Trường Đại học Hà Nội lại đưa ra biện pháp này? Khoản tiền phạt thu được quản lý và sử dụng như thế nào?
Theo infonet.vn