Câu chuyện về Huyền Chip và các cuốn sách được xuất bản gần đây đang dấy lên nhiều cuộc bàn luận. Đơn vị xuất bản chưa đưa ra kết luận cuối cùng cho số phận cuốn sách.
Ngoài một cá nhân có tên Trần Ngọc Thịnh gửi đơn kiến nghị dài 21 trang đề nghị thu hồi cuốn sách của Huyền Chip thì trên Internet còn xuất hiện một hội nhóm mang tên “Hội những người mong chờ sự thật về Huyền Chip” với gần 4.000 thành viên. Hội này đã kêu gọi mọi người cùng ký tên vào đơn kiến nghị thu hồi cuốn sách nói trên. Ngoài ra, họ cũng công bố rất nhiều các thông tin, tình tiết thiếu hợp lý trong các phát ngôn cũng như sách của Huyền Chip.
Điều đáng nói là trên nhiều phương tiện truyền thông, cả chính thống lẫn các trang cá nhân đã mở các cuộc điều tra trắc nghiệm về cuốn sách của Huyền Chip. Kết quả được công bố cho thấy số đông đều cho rằng “không tin tưởng” các nội dung trong sách của Huyền Chip đưa ra.
PV Báo GĐ&XH cũng đã có cuộc trao đổi với ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông về những vấn đề liên quan đến cuốn sách của Huyền Chip. Ông Hòa cho biết, Cục đã nhận được đơn kiến nghị của anh Trần Ngọc Thịnh và sau đó đã chuyển cho đơn vị xuất bản sách là NXB Văn học.
Nói về việc có thu hồi cuốn sách hay không theo như kiến nghị của khá nhiều độc giả, ông Hòa cho rằng, Nhà xuất bản (trong trường hợp này là NXB Văn học – PV) là đơn vị cấp phép cho một cuốn sách được xuất bản thì cũng là đơn vị chịu trách nhiệm với cuốn sách đó. Khi có ý kiến về sách thì nhà xuất bản sẽ phải xem xét, thẩm định lại các vấn đề liên quan và đưa ra các quyết định như sửa, đính chính hay thu hồi. Các quyết định đó sẽ được thực thi tùy theo từng mức độ sai phạm của tác phẩm đã được xuất bản.
Cục Xuất bản là đơn vị sẽ xem xét lại các vấn đề sau khi nhà xuất bản giải quyết sự việc. Cục Xuất bản cũng là nơi sẽ “hậu kiểm” xem nhà xuất bản đã giải quyết các vấn đề được yêu cầu xử lý chưa, giải quyết như thế nào… Tuy nhiên, cũng theo ông Hoà thì tính đến chiều 1/10, Cục Xuất bản vẫn chưa nhận được phần giải trình của NXB Văn học. Nói về điều này, ông Hòa cho rằng “sự việc chưa thể ngay lập tức có giải trình được”.