Dầu mỏ sẽ cạn trong vòng 50 – 100 năm nữa, nhưng không đợi đến khi giọt dầu cuối cùng chảy, một cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu đã bắt đầu. Cuộc chiến giành giật nguồn tài nguyên này sẽ nổ ra và dẫn đến một sự thay đổi rất lớn về địa chính trị trên thế giới.
“Đỉnh dầu”
Thuật ngữ “đỉnh dầu” được định nghĩa bởi nhà địa chất học người Anh – Tiến sĩ Colin J. Campbell. Các nhà nghiên cứu lĩnh vực năng lượng đều công nhận dầu mỏ là nguồn tài nguyên có giới hạn và nó sẽ cạn kiệt vào một thời điểm nào đó. Hiện tại chúng ta đang khai thác ngày càng nhiều dầu mỏ do nhu cầu tăng cao của nền công nghiệp và dân số, nhưng một lúc nào đó, sản lượng khai thác sẽ đạt mức tối đa và bắt đầu đi xuống. Thời điểm đó chính là “đỉnh dầu”.
Điều tiếp theo xảy ra, theo Tiến sĩ Campbell chính là: “Tôi cho rằng có nguy cơ lớn xảy ra can thiệp quân sự nhằm mục đích chiếm hữu trữ lượng dầu mỏ chưa khai thác . Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán sẽ không tránh khỏi. Thị trường toàn cầu cũng sẽ không còn nữa do giá cả vận chuyển cao và hiện tượng suy thoái. Tự cung tự cấp sẽ trở thành chính sách ưu tiên hàng đầu”.
Một báo cáo của Ủy ban năng lượng Hoa Kỳ công bố năm 2005 cũng công nhận tính nghiêm trọng của vấn đề: “Sản xuất dầu đi đến ngưỡng giới hạn đặt ra cho Hoa Kỳ và thế giới một bài toán kiểm soát rủi ro chưa từng có. Khi thời điểm đó đến gần, giá nhiên liệu lỏng sẽ tăng vọt, và nếu không có một giải pháp đệm, hậu quả kinh tế, xã hội và chính trị sẽ không lường nổi”.
Những giếng dầu đang cháy trong cuộc chiến Iraq
… và sự kết thúc của nền văn minh cơ khí
Hiện tại, nhiên liệu hóa thạch chiếm đến 85% thị trường năng lượng (gồm than, dầu và khí gas), riêng dầu cung cấp đến 90% nhiên liệu cho các phương tiện di chuyển của chúng ta. Thế giới đang không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài nguyên có giới hạn này mà còn phụ thuộc vào việc giá của nó phải rẻ. Cách đây nhiều năm, giá xăng tại Mỹ còn rẻ hơn nước đóng chai, nhưng tình hình giờ đã khác.
“Các ngân hàng đang cho vay vượt quá dự trữ của họ với mặc định rằng tăng trưởng ngày mai sẽ bù cho số nợ của ngày hôm nay nhưng họ không nhận ra tăng trưởng phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ từ dầu. Nói tóm lại, “đỉnh dầu” đồng nghĩa với nợ nần xấu đi” – Tiến sĩ Campbell giải thích.
Tuy nhiên cơn khủng hoảng chỉ là bắt đầu, chúng ta đang nói về sự kết thúc của nền văn minh hiện hữu. Không có một khía cạnh nào của nền kinh tế và cuộc sống hàng ngày mà không phụ thuộc vào dầu và các sản phẩm chiết xuất từ nó. Một logic đơn giản: xe cộ không hoạt động, lương thực không được phân phối dẫn đến nạn đói trên diện rộng…
Các nhà khoa học đều tin rằng thế giới đang đi đến gần “đỉnh dầu”. Số lượng các mỏ dầu mới được phát hiện đã giảm trong 40 năm trở lại đây, thế giới ít còn vùng đất nào chưa được khám phá và khả năng phát hiện những “siêu vỉa dầu” mới là điều khó xảy ra. Có nhiều dự đoán khác nhau về thời điểm “đỉnh dầu” sẽ đến, nhưng xét một cách thỏa hiệp thì nó sẽ rơi vào thập kỷ tiếp theo.
Một cuộc tuần hành phản đối chiến tranh tại Mỹ “Không chiến tranh vì dầu”.
Nghe qua điều này giống với ngày tận thế sẽ đến?
Giáo sư Arie Dubi Khoa nghiên cứu hạt nhân của trường đại học Ben-Gurion (Israel) trả lời câu hỏi này với báo Haaretz: “Tôi không thấy có một thực tế nào khác. Liệu chúng ta có quay lại thời bẻ chuối trên cây mà ăn không à? Không. Chiến tranh sẽ nổ ra, người ta sẽ tranh giành số tài nguyên ít ỏi còn lại và giết nhau vì nó. Bạn không cần phải là thiên tài để hiểu điều này”.
“Tất cả các nguồn năng lượng thay thế hiện nay như mặt trời, gió hoặc sóng biển cộng lại cũng chưa đáp ứng được 40% nhu cầu của con người”, giáo sư Dubi cho biết, “và một thế giới không có dầu sẽ là một thế giới không có lương thực, hàng tỉ người sẽ chết vì đói”.
Báo Spiegel của Đức năm 2010 từng đăng tải một nghiên cứu bị rò rỉ của Trung tâm nghiên cứu Bundeswehr – chuyên cố vấn cho quân đội – về hiện tượng “đỉnh dầu”. Báo cáo vẽ ra một bức tranh ảm đạm của thế giới, trong đó bao gồm sự sụp đổ hoàn toàn của thị trường và nhiều trạng thái bất ổn xã hội. Nguồn tin của Spiegel trong chính phủ xác nhận thông tin từ nghiên cứu không dành cho công chúng, nó cho thấy chính phủ Đức đã xem xét nghiêm túc một cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm tàng.
Vụ rò rỉ tại Đức xảy ra chỉ sau hàng loạt các báo cáo tương tự tại Anh một thời gian ngắn. Báo Guardian tường thuật Cơ quan năng lượng và biến đổi khí hậu Anh (DECC) đang giữ những tài liệu tuyệt mật cho thấy Chính phủ Anh rất quan tâm đến nguy cơ khủng hoảng năng lượng. Theo đó, DECC, Ngân hàng trung ương Anh và Bộ quốc phòng Anh hợp tác với các đại diện của ngành công nghiệp soạn ra một kịch bản đối phó với khủng hoảng khi “đỉnh dầu” xảy ra.
Báo cáo của Mỹ cũng nhấn mạnh: “Các phương án giảm thiểu thiệt hại đều nằm trong khả năng của hai bên cung và cầu, nhưng để phát huy hiệu quả, nó phải được triển khai hơn một thập kỷ trước thời điểm đó”.
Thời điểm chuẩn bị chính là hiện tại, và liệu có bao nhiêu chính phủ chuẩn bị cho một giải pháp khoa học và hòa bình, hay chỉ chăm chăm vào chính sách bành trướng sang lãnh thổ của các nước khác vì tài nguyên?
Theo Một Thế Giới
2013-10-16 01:24:07
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/dau-mo-va-ngay-tan-the-a109252.html