Nói về muôn vàn ý thích, quan niệm thẩm mỹ của muôn vàn con người là điều không dễ. Người ta tổ chức thi hoa hậu để chọn ra người đẹp nhất, nhưng nếu xem cô hoa hậu là cái đẹp độc sáng thì tất cả các cô gái còn lại là chưa đẹp và họ sẽ ế mất.
Cuộc sống có vẻ không ghi nhận cái đẹp theo thể thức như thế. Tôi bị thu hút để đến với cái đẹp mà tôi cảm thấy, anh đến với người mà anh cho là đẹp, cô thưởng thức món ăn cô thấy ngon với cô, chị cứ sống cách sống đẹp mà chị tin…, lấy đâu ra một chân lý độc sáng về thẩm mỹ, về cái hay cái đẹp.
CHUYỆN NHỮNG ÔNG HOÀNG BÀ CHÚA
Đó là lý do tôi ngán định nghĩa, bàn luận hay tranh cãi về thẩm mỹ âm nhạc. Chẳng hạn nếu giờ nghe ai chê nhạc pop tôi đang theo đuổi là thứ nhạc kém tính siêu việt so với nhạc này nhạc khác, tôi cũng đành vui vẻ mà nghĩ: “Thôi thì tôi chúc mừng. Anh sẽ khỏe hơn khi anh không phải theo đuổi nó như tôi”.
Còn nhớ nhiều năm trước, tôi không biết ai là người đầu tiên đưa cụm từ “đẳng cấp” vào đời sống nhạc nhẹ ở ta, chỉ biết rằng khi ấy tôi đã rất băn khoăn trước khái niệm ấy. Nhạc nhẹ ở Việt Nam vẫn còn quá non trẻ, trình độ sáng tạo và biểu diễn của ta đến đâu ta phải biết, có cái gì mà đẳng cấp, rồi đẳng cấp là đẳng cấp so với cái gì?
Gần đây, nhiều người có dịp bàn luận sôi nổi về những ông hoàng, bá chúa, hoàng tử, công chúa tự phong. Hay như tôi còn thấy chuyện các ngôi sao tự bình chọn, lùm xùm các giải thưởng, chuyện ca sĩ ra sản phẩm chỉ khoe đầu tư tiền tỉ, khoe cái này cái kia mà không khoe… âm nhạc có gì mới lạ, có vấn đề gì. Khái niệm “đẳng cấp” theo thời gian âm thầm biến tướng rồi nở rộ như hoa mùa xuân khắp lối đầy đường, nhạc nhẹ Việt Nam hóa một vườn “đẳng cấp”.
Thiết nghĩ, việc yêu mình và bởi mình yêu âm nhạc là thứ tình yêu quá tốt đẹp. Nhưng bên cạnh một việc làm đẹp đẽ, người nghệ sĩ tự phong tước vị hay đẳng cấp cho mình cũng đã làm một việc xấu: họ tình cờ tước đi quyền được thưởng thức và tôn vinh của hàng triệu người khác. Tước đi điều gì của ai cũng là tạo ra sự bất công, ở đây là một dạng bất công xã hội khi mối quan hệ khán giả nghệ sĩ bị phá vỡ, khán giả bị lừa dối. Còn gì để nghệ sĩ và khán giả tôn trọng nhau nữa.
Loại trừ những người vô thức, với những người có ý thức để cảm nhận bất công và giả dối, chuyện nghệ sĩ và khán giả hội ngộ nhau ở nhà hát hay qua báo chí, qua các sản phẩm âm nhạc dường như chỉ còn là những cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ, nơi hai bên cùng ít nhiều thỏa hiệp để thực hiện một dịch vụ tinh thần. Dẫu không phải tất cả, nhưng nhiều khán giả ngày nay ngồi bàn chuyện văn nghệ sĩ vẫn gọi ca nhạc sĩ bằng thằng này con kia. Giới nghệ sĩ thì tặc lưỡi: “Kiếm tiền thôi!”.
DANH XƯNG VÀ TƯ THẾ
Một chuyện khác, xưa có người viết báo bịa chuyện tôi thừa nhận khái niệm diva ở Việt Nam. Tôi đọc trên mạng mà ngượng. Đành rằng có những nghệ sĩ giỏi cần được tôn vinh, tôi biết họ và tôi ủng hộ, nhưng nhà báo bịa đặt lời người khác nói thì chán thật, tôi mất niềm tin trong sáng với báo giới từ đó. Tôi có biết diva là gì đâu.
Sau này, diva này với ông hoàng nọ có khác gì nhau? Trong thế giới âm nhạc đầy ắp và lẫn lộn nhiều người đẳng cấp như bây giờ thì các giáo sư đầu ngành âm nhạc sẽ được các nhà báo cất nhắc thành gì? Nhạc sĩ như chúng tôi sau này có thể được tôn vinh bằng danh từ nào? Các siêu thánh tướng và các siêu công nhân âm nhạc? Nghệ sĩ tự phong tước cho mình đã đành, phóng viên là người trí thức cầm bút cũng có thể cảm tính, không giữ khoảng cách cần thiết với nghệ sĩ cũng là điều dở, gây ra thêm nhầm lẫn. Khán giả luôn biết sự thật cuối cùng.
Tôi nhìn trong địa hạt âm nhạc, tư thế mọi người đa số khá kỳ dị. Giả như thế mà đổi được một nền nhạc nhẹ phát triển thì cũng đáng, nhưng nhạc nhẹ đã phát triển ra sao? Trở lại với câu chuyện khó nói về thẩm mỹ âm nhạc, một chuyện lùm xùm gần đây về nhạc sến và nhạc sang, nhạc xưa hay nhạc mới, tôi chỉ muốn kể ra câu chuyện của riêng tôi và những gì tôi chợt nghĩ.
Tôi quen uống cà phê hàng ngày và hay ngồi ngay quán cà phê đầu ngõ. Ở đó tôi đếm được có 4 đĩa nhạc, hầu hết là các bài hát tha thiết đẫm lệ được thu âm bởi các ca sĩ tôi biết. Hồi bé tôi thường được nghe nhạc vàng, cải lương từ đầu băng cối của bố tôi, sau này tôi không ưa thích nghe những bài hát như thế nữa, có lúc tôi còn ghét, tôi chọn uống cà phê ở đó bởi quán gần nhà, vì có wifi, điều hòa, rất nhiều sự tiện lợi khác.
Về lý thuyết, là một người viết đang sống ngày nay, tôi sẽ thích âm nhạc của mình, đó là không gian âm nhạc mà đa số thời gian tôi sống, là lối tôi đang đi, cách tôi kiếm sống nuôi gia đình nên tôi yêu. Tôi phải yêu âm nhạc của tôi trong âm nhạc ngày nay hơn thứ nhạc của những năm tháng nào đó xa vời. Tuy nhiên, về tình, cũng như khi đặt lý luận chuyên môn để suy xét, khi cần và nếu muốn tôi vẫn nghe thấy những gì hay nhất trong những bài hát trữ tình u sầu tại quán cà phê kia. Chúng vẫn đang là món ăn ngon cho nhiều người khác, tôi phải hiểu tại sao những đĩa nhạc ấy là món ngon của họ. Trong 4 đĩa nhạc ấy có 2 bài hát tôi rất thích, tôi luôn lắng nghe mỗi khi chúng vang lên.
Đôi tai con người rất kỳ diệu, nó tự lọc được cái gì muốn nghe để chú tâm nghe, cái gì không nên nghe anh có thể bỏ ra ngoài tai. Giữa ngã tư còi xe inh ỏi, ta vẫn có thể chỉ nghe thấy tiếng trò chuyện của người bạn mình, giữa một bản nhạc giao hưởng người ta có thể chỉ nghe một bè violin nếu ta chú tâm. Điều đó khác với những người điếc đeo những máy trợ thính, mọi chi tiết âm thanh đều được khuếch đại giống nhau gây mệt mỏi. Nếu bạn và tôi là những người bình thường, có gì không thích thì ta chỉ việc bỏ ngoài tai, ta có thể không quan tâm cho khỏe.
Một câu chuyện khác, khi tôi làm hòa âm bài Về quê của nhạc sĩ Phó Đức Phương; ông chia sẻ rằng ông viết bài Về quê từ tinh thần biểu hiện đơn sơ và bình dân của nhạc sến, của xẩm, bởi vì ông ấy mong một bài hát gần gũi với mọi người tới mức người ta có thể hát trên sân khấu hay đàn rong xin tiền ngoài phố, đó là cách tốt hơn và rộng hơn để bài hát đến với công chúng. Tôi cho rằng suy nghĩ ấy thật là tinh tế, đầy lãng mạn của tác giả nên tôi còn nhớ. Trên thực tế, đã có đông đảo khán giả yêu thích bài hát ấy, nhiều người ôm đàn hát rong, đời vui và được yêu thương hơn một chút đấy chứ.
Một câu chuyện khác. Nhiều u uẩn hơn nhạc sến: nhạc hiếu (nhạc đám ma) với những âm thanh lâm khốc bi ai cũng là một thứ âm nhạc có đời sống và công năng riêng đã tồn tại. Gần đây nhạc hiếu thưa vắng dần là do nó không còn phù hợp với thẩm mỹ của con người hiện đại. Chuyện sinh diệt của các nhánh âm nhạc, các dòng nhạc phải chăng ta nên xem là việc của lịch sử, bởi tính thích ứng của chính âm nhạc đó với nền tảng xã hội mỗi giai đoạn. Mà nền tảng xã hội là câu chuyện rộng, đâu phải chỉ là chuyện của người nghệ sĩ, nghệ sĩ đâu hiểu trọn.
KỸ NĂNG GIAO TIẾP QUÁI ÁC
Có thể tôi sai, nhưng tôi thấy bản chất các thông điệp gây tranh cãi của ca nhạc sĩ ngày nay đôi lúc đã thoát ly ra xa khỏi chuyên môn âm nhạc thuần túy. Tranh cãi ngày nay có vẻ đã trở thành một thứ kỹ năng giao tiếp quái ác, tinh vi, nhằm áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, tôi chăc chắn đó là thói đời không hay. Ngược lại, bởi không phải những phù thủy thực sự, lời nói và chữ viết của chúng ta tự chúng chưa bao giờ sinh ra một viên gạch hay một tấc sắt nào hết. Nghệ sĩ là ai? Tranh cãi ồn ào rồi sao?
Một đôi vợ chồng ra tòa ly hôn phát biểu “Chúng tôi không có điểm gì chung”, khi mà cả hai cùng đang… thở – thở chung một bầu không khí. Hay như là anh nói “Anh mãi mãi yêu em”, nhưng “mãi mãi” là gì, bao nhiêu lâu? Đến năm 70 tuổi anh không còn thở nữa thì yêu thế nào? Với tôi, lời nói và chữ nghĩa là những công cụ rất thô sơ để giao tiếp và rất dễ gây nhầm lẫn, ảo tưởng. Giới truyền thông âm nhạc đôi khi cũng lợi dụng chữ nghĩa, khép cho chữ nghĩa như một quyền lực ghê gớm quá chăng? Một lời góp ý nhẹ nhàng dẫu chủ quan của tôi ở đây, sẽ là tốt hơn khi nghệ sĩ âm nhạc chăm nói bằng âm nhạc, bằng các sản phẩm cụ thể hơn, qua đó không gian thông tin cũng tốt đẹp và sẽ gần gũi với chính âm nhạc hơn.
Để kết, nếu người nghệ sĩ cứ xông xáo với những chuyện không thể kết, chuyện con gà chuyện quả trứng, nếu người trí thức trong địa hạt âm nhạc nói chung mải mê với những status bàn luận đôi khi kém nhã bằng chữ nghĩa vô độ trên các mạng xã hội thì ai sẽ là những người tập trung sáng tạo nên các giá trị tinh thần gia tăng thực sự trong địa hạt âm nhạc, những gì khán giả vui lòng đón nhận và công nhận. Tôi nghĩ bây giờ là lúc mối quan hệ của nghệ sĩ và truyền thông rất cần được hiểu lại, được định vị lại; mối quan hệ của khán giả-nghệ sĩ âm nhạc hay mối quan hệ khán giả-truyền thông về âm nhạc rất cần được hàn gắn bằng tự trọng và hành động cụ thể của mỗi bên.
Thật khó khăn để diễn đạt, tôi cho rằng chỉ khi đó, mỗi người chúng ta mới cảm thấy được tôn trọng đích đáng, được chia sẻ hay nhận về những giá trị tinh thần đủ để ta thấy đáng trân trọng. Đó là lúc chúng ta có thể hy vọng rằng ở thực tại của dòng chảy âm nhạc Việt nơi mình đang thuộc về, nhạc nhẹ Việt Nam rất tử tế, có thành tựu và có đỉnh cao, nơi tất cả mọi người trong địa hạt âm nhạc cùng vui cùng có lợi mà không cần lên gân phủ nhận hay hắt hủi bất cứ một điều gì khác mình.
Theo PNO
2013-10-17 07:24:15
Nguồn: http://nhacvietplus.com.vn//Tin-nhac-viet/Do-Bao-Dang-cap-ky-di/97/273/1124/1/205049