Hai đại gia hàng đầu trong lĩnh vực nhựa xây dựng ở Việt Nam là Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP) đều có KQKD kém so với quý trước. Lợi nhuận sau thuế của BMP ước ghi nhận trong quý 3 là 86 tỷ đồng, giảm hơn 25% so với mức 115,8 tỷ đồng trong quý 2. Không thua kém về mức độ sụt giảm, NTP báo cáo lãi quý 3 đạt 50 tỷ đồng, thấp hơn gần 50% so với kết quả đạt được trong quý 2.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị nhỏ trong ngành chuyên sản xuất nhựa bao bì, tình hình ghi nhận có khả quan hơn. Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) lãi sau thuế 7,3 tỷ đồng; Nhựa Sài Gòn (SPP) lãi 2,8 tỷ đồng, đều tương đương quý 2.
Cá biệt có nhựa Tân Phú (TPP) mặc dù doanh thu tăng song xu thế lợi nhuận giảm dần đều theo từng quý, lãi sau thuế vỏn vẹn 1,78 tỷ đồng, giảm 47% so với quý 2 và nhựa Tân Tiến (TTP) lợi nhuận ròng chỉ bằng 28% mức đạt được trong quý 2.
Theo SPP, lợi nhuận quý 3 của công ty sụt giảm là do kể từ năm 2013 Công ty không còn được hưởng thuế suất ưu đãi thuế TNDN, có nghĩa vụ nộp thuế theo luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 3/6/2008 qui định với thuế suất 25% trên thu nhập chịu thuế; Chi phí xăng dầu, vận chuyển, bán hàng tăng do cạnh tranh giá để mở rộng thị phần, một phần lợi nhuận giảm do từ chi phí lãi vay ngân hàng.
CTCP Nhựa Đà Nẵng (DPC) lợi nhuận sau thuế quý 3 năm 2013 giảm 95,41% so với quý 3 năm 2012 do doanh thu bán hàng quý 3 năm 2013 giảm 24,73% so với cùng kỳ; sản lượng tiêu thụ chủ yếu sản phẩm ống quý 3 năm 2013 giảm 24,43% so với cùng kỳ năm ngoái.
BMP: Số liệu ước LNTT
Nhìn chung, yếu tố đầu vào không thuận lợi là nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận các doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong quý này. Đa phần nguyên vật liệu phục vụ trực tiếp cho quá trình sản xuất nhựa đều phải nhập khẩu, trong khi giá hạt nhựa PVC và HDPE bình quân trong quý 3 đều đã tăng 5-10% so với giai đoạn đầu năm.
Biểu đồ giá hạt nhựa PPC
Đặc biệt, ngành nhựa gia dụng đang phải đối mặt trực tiếp với nguy cơ sụt giảm mạnh lợi nhuận trên diện rộng do Chính phủ dự kiến tăng thuế nhựa Polypropylen (PP), một trong 3 nguyên liệu chính sản xuất nhựa gia dụng và bao bì, từ 0% lên 3%. Chưa kể, giá điện và giá xăng đều tăng trong quý vừa qua làm tổng chi phí tăng cao do chi phí điện chiếm 10-15% tổng chi phí sản xuất hiện nay.
Các doanh nghiệp không thể tăng lập tức giá bán đã phải tìm mọi cách để tiết giảm các chi phí không cần thiết, kiểm soát lượng hàng tồn kho tối thiểu nhưng vẫn đảm bảo sản xuất thông suốt, cạnh tranh bằng công nghệ và tìm những hướng đi mới dựa vào xuất khẩu.
Lĩnh vực kinh doanh bao bì gặp phải cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ trong nước cũng như nước ngoài. Nhiều bạn hàng lớn như Massan, Cocacola… đã có thể chủ động được khâu tự chế tạo bao bì, vỏ nhựa trong chuỗi giá trị, từ đó giảm nhu cầu đối với các sản phẩm cung cấp bởi các nhà sản xuất nội địa. Để tìm ra lối thoát, nhiều doanh nghiệp buộc phải tăng mạnh chi phí bán hàng, tăng chiết khấu hoa hồng đại lý, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, marketting…
Hướng đi mới đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành là tìm kiếm các đối tác chiến lược nước ngoài, tận dụng cơ hội từ việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bất cập lớn nhất của ngành nhựa hiện nay là không đáp ứng được các đơn hàng lớn, với chủng loại sản phẩm đa dạng. Tuy nhiên, nếu giải quyết được vấn đề nguyên liệu đầu vào, đáp ứng các đơn hàng lớn thì ngành nhựa có khả năng xuất khẩu với quy mô lớn do nhu cầu thế giới về mặt hàng này hiện vẫn rất cao.
Trong 3 năm qua, nhựa là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất của Việt Nam, mới mức tăng trưởng trên 30% /năm. Cơ hội sẽ đến với những công ty có nguyên liệu nhập khẩu từ những nước thuộc khối TPP và xuất khẩu được sản phẩm sang những thị trường này. Hướng đi mới tuy còn nhiều khó khăn thách thức song cũng mở ra cơ hội lớn nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước biết tận dụng tốt thời cơ.
Minh Châu
Theo Trí Thức Trẻ