Hương Giang Idol kể về tuổi thơ với nỗi xấu hổ khi gặp phải cái nhìn ‘lạ lùng’ của những người xung quanh.
Hương Giang Idol kể về sự xấu hổ khi chưa chuyển giới
Hương Giang Idol bật khóc khi ra mắt album đầu tay
Không thể phủ nhận Hương Giang Idol là cái tên có sức hút đối với báo chí và dư luận. Cũng không thể phủ nhận rằng cái tên này được nhắc tới với một câu chuyện không phải là chuyện âm nhạc.
Thế nào cũng được, đối với Hương Giang, điều đó không quan trọng. Mà có ý nghĩa nhất với cô lúc này, đó là cô được sống với đam mê ngày bé của mình, từ cái thời cô còn đang bập bẹ nói chưa nên lời.
Hương Giang Idol, khi còn là Ngọc Hiếu với một tiết mục văn nghệ ở trường
Vỡ giọng, đam mê bị dập tắt
Mỗi người đều có một đam mê của mình. Và với Hương Giang, đó là ca hát. Âm nhạc đã thấm vào người Giang từ khi cô còn rất bé.
Ngay từ lúc hai tuổi, cô đã thích hát. Khi môi còn đang bập bẹ tập nói thì cũng là lúc cô cất những tiếng hát đầu tiên: ‘Ngày đó tôi thích hát lắm, nhưng lại chỉ thích hát những bài người lớn mặc dù nói còn chưa sõi.
Tôi nhớ như in ca khúc Trống vắng khi đó được tôi hát đi hát lại rất nhiều lần. Nói là đam mê từ lứa tuổi đó cũng không đúng, bởi lúc đó đã biết gì đâu, chỉ là bố mẹ bật nhạc, thấy thích thì bập bẹ hát theo, chập những nhảy theo thôi.
Lúc đó còn trẻ con nên giọng tôi rất cao và sáng. Lại được trời phú cho việc cứ mở giọng ra là hát đúng nhạc nên mọi thứ đến với tôi lại càng tự nhiên. Việc ca hát đó cứ theo tôi mãi cho đến khi tôi đến tuổi đi học.’
Vào cấp một, vẫn từ cái đà ca hát thưở bé, Hương Giang tiếp tục tham gia sinh hoạt trong những hoạt động văn hoá văn nghệ của trường.
Không ghi tên vào những lớp năng khiếu hay Cung thiếu nhi Hà Nội, cái nôi của những tài năng nhí, nhưng với Giang, chẳng cần phải đứng tại sân khấu hoành tráng nào, mà sân khấu nhà trường cũng đủ để cô nuôi dưỡng đam mê của mình:
‘Suốt những năm cấp một và nửa đầu cấp hai, tôi luôn có mặt trong những hoạt động sinh hoạt hè của phường, quận cũng như trong những chương trình văn nghệ của trường lớp.
Chính từ những sân khấu đó, mà niềm yêu thích dần trở thành thứ không thể tách rời ra khỏi con người tôi. Chẳng thể phân định rõ Hương Giang và âm nhạc bởi tôi cùng những nốt nhạc luôn song hành, luôn gắn bó với nhau.
Tôi không tưởng tượng được nếu tách tôi ra khỏi âm nhạc thì tôi là ai. Chắc chắn sẽ chẳng là ai đâu, mà số phận cũng không để điều đó xảy ra, chính vì thế mới có tôi, Hương Giang Idol ngày hôm nay’.
Cứ theo những chương trình văn nghệ nhà trường như thế, Hương Giang luôn hạnh phúc với niềm yêu thích của mình.
Tuy nhiên, đến năm lớp 8, Hương Giang khi đó vẫn là Ngọc Hiếu, bắt đầu vỡ giọng: ‘Đây là quãng thời gian kinh khủng đối với tôi, bởi biết rằng ngày này sẽ đến, nhưng tôi không nghĩ rằng mình không thể hát được nữa.
Khi đó, để điều khiển giọng hát của mình là rất khó, mà tôi lại không hề tham gia trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào. Ngỡ rằng định mệnh đã đến, tôi sẽ không thuộc về âm nhạc, và tôi quyết định từ bỏ’.
Hương Giang đứng đầu tiên và Dương Hoàng Yến, đứng thứ ba, là những người bạn thân thiết từ thưở bé
Trở thành nữ sinh
Từ bỏ một sở thích không hề dễ dàng, từ bỏ niềm đam mê càng khó khăn hơn, nhưng từ bỏ thứ mà mình thuộc về thì gần như không ai làm được. Có cố gắng, có quyết tâm đến mấy, thì cho đến một ngày nào đó, con đường ấy sẽ lại tìm đến mình, và mình lại cháy hết sức vì nó.
Đó chính là Hương Giang của tuổi 17: ‘Lên cấp ba, cũng như bao cô gái đến tuổi mới lớn, tôi nhận diện được bản thân rõ ràng hơn, ý thức được âm nhạc đang chảy trong huyết quản của mình, tôi bắt đầu tập hát trở lại.
Thời điểm đó, tôi đi hát nhiều cho các hoạt động xã hội và cộng đồng. Làm gì có catse đâu, nhưng vì đam mê nên cứ có hoạt động nào là tôi lại tham gia và cháy hết mình trong các tiết mục biểu diễn.
Cũng thời điểm đó, tôi có cảm xúc hơn, điệu đà hơn, và ăn mặc theo đúng con người của mình.’
Có một điều mà Hương Giang cũng tự nhận thấy mình may mắn, đó chính là nhà trường và gia đình không hề phản đối Giang được là chính mình.
Đây có thể được coi như là những động viên, thuận lợi cho Giang để cô sống đúng với nhận thức rõ rệt về bản thân: ‘May mắn cho tôi là nhà trường không phản đối.
Không như một số trường hợp tôi biết ở các ngôi trường cấp ba khác ở Hà Nội, họ đã bị cấm đoán kịch liệt, khắt khe đến mức có thể đuổi học. Còn trường Đống Đa của tôi cứ để cho tôi phát triển tự nhiên như thế.
Ngay cả gia đình, khi đó bố mẹ đã nhận thấy rõ ràng sự thay đổi của con cái. Chỉ có một vài lời nhắc nhở chứ bố mẹ không hề can thiệp, đánh đập hay bắt ép gì tôi. Đó chính là hạnh phúc của tôi để được là một cô gái tuổi dậy thì.
Tuy nhiên, dư luận năm năm trước, cũng như môi trường truyền thống như ở Hà Nội không thoáng như bây giờ. Lúc mới gặp những ánh mắt nhìn mình lạ lùng, tôi không khỏi cảm thấy xấu hổ.
Nhưng quá trình lúc bắt đầu thay đổi cho đến khi trông tạm ổn chỉ trong khoảng nửa năm. Đây là khoảng thời gian không quá dài. Khi đó, tôi để hẳn tóc dài, với khung xương nhỏ nhắn, không nhiều người nhận ra tôi là Ngọc Hiếu, tôi cảm thấy đỡ tủi thân hơn từ khi đó.’
Phát triển theo nhận thức của bản thân, trong suốt quá trình cấp ba của mình, với mái tóc dài và những trang phục nữ tính, Hương Giang đã được là chính mình, sống cháy bỏng với âm nhạc và những ca khúc thời đó.
Cô không ngại, cũng không sợ những điều tiếng kì thị sẽ đến với mình. Bởi với Hương Giang, không dám là chính mình mới là điều đáng xấu hổ nhất.
Thời cấp ba cũng trôi qua, Hương Giang ghi danh vào Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, có phải số phận của cô sinh ra là để làm Hương Giang Idol không khi trường học lại tiếp tục để cho cô được sống như chính con người mình. Cô trở thành một nữ sinh viên của mái trường này.
Năm 2010, Hương Giang tham dự cuộc thi Vietnam Idol với tên thật Ngọc Hiếu
2010, khi chương trình Vietnam Idol tổ chức tuyển sinh, Hương Giang cũng ghi danh mình với tên thật: Ngọc Hiếu…
(còn tiếp)
Theo VTC