Thứ tư 23/10/2013 13:30
Bản kế hoạch tiến trình cải cách kinh tế của Thủ tướng Lý Khắc Cường và nhóm chuyên gia dự kiến đưa ra trong Phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (Hội nghị TW 3, khóa 18) vào tháng 11 này, hiện đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình |
Các cá nhân tham gia soạn thảo gói cái cách kinh tế đều là những chuyên gia tôn sùng trường phái kinh tế hướng theo thị trường trong bối cảnh giới chức trung ương có những dấu hiệu quyết tâm thực hiện đổi mới. Nhiều người dự đoán công tác cải cách sẽ diễn ra nghiêm túc và lâu dài. Tuy nhiên, một số người hoài nghi cho rằng liệu thực tế các chính trị gia hàng đầu Trung Quốc có thể làm gì để triển khai những chương trình cải cách.
Giới phân tích nhận định các nhà lãnh đạo chính trị hiện nay của Trung Quốc đã mất đi cái quyền mà cố Tổng thư ký Ban bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – Đặng Tiểu Bình nắm trong tay những năm 1980 sau làn sóng cải cách thị trường đầu tiên tại Trung Quốc.
Đây hoàn toàn là sự thật. Tuy nhiên đóng góp vào sự thành công của những chương trình cải cách trên không chỉ có vai trò của ông Đặng mà còn cả hệ thống chính quyền Trung Quốc vào thời điểm đó. Ông Đặng không phải là một người độc tài. Ông và những nhà cải cách đã đề ra chiến lược xây dựng các nhóm phân quyền khác nhau.
Nhiều người cho rằng những quyền lợi được đảm bảo bất di bất dịch trong hệ thống kinh tế nhà nước kiểm soát gần đây sẽ cản trở phạm vi của các chương trình cải cách kinh tế.
Trong đó, thách thức lớn nhất với chương trình cải cách kinh tế luôn là yếu tố chính trị: Bằng cách nào vượt qua sự phản đối của các nhóm quyền lực vốn thiên về hệ thống hiện hành và xây dựng thể chế cho tiến trình cải cách? Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ chấp thuận chiến lược nào để hình thành liên minh cải cách? Những nhóm chính trị nào sẽ ủng hộ chương trình cải cách thị trường?
Khía cạnh đầu tiên cần xem xét là lĩnh vực kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân tại Trung Quốc hiện đang bị vô hiệu bởi hệ thống các công ty nhà nước trong việc vay nợ ngân hàng cũng như nhận hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi.
Trong bối cảnh thiếu vắng một hệ thống luật pháp và thị trường vốn nội địa luân chuyển, các chủ tư nhân buộc phải đầu tư mở rộng những mối quan hệ với quan chức chính phủ. Thậm chí, giảm nguy cơ ảnh hưởng từ chuyện làm ăn, các doanh nhân này còn đưa vợ con và tài sản ra nước ngoài.
Điều đáng nói là các doanh nghiệp tư nhân không có tiếng nói trong Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc chính quyền trung ương do đó không thể hoạt động với vai trò đối trọng với ngành kinh tế nhà nước đầy quyền lực.
Hiện nay, giới chức cấp tỉnh và địa phương – những người điều hành 33 tỉnh tại Trung Quốc, là những cử chi tiềm năng vô cùng quan trọng bởi họ chiếm số đông trong Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Những chương trình cải cách thành công vào thập niên 80 là nhờ cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và các nhà cải cách đã cân bằng sức mạnh chính trị trong bộ máy chính quyền trung ương với các nhà lãnh đạo cấp tỉnh trong Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản – một chiến lược cốt lõi lúc bấy giờ.
Ông Đặng đã giành được sự ủng hộ của các quan chức cấp tỉnh bằng cách phân quyền quyết định kinh tế cho họ và xem lợi tức ngân sách là chìa khóa của gói cải cách. Sự phân quyền đã hình thành tính khích lệ cho chính quyền cấp tỉnh và địa phương trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua thị trường.
Đầu tư vào đất đai từng được xem là giải pháp thu nguồn tiền của nhiều quan chức địa phương tại Trung Quốc |
Thậm chí, một số quan chức tỉnh và địa phương còn được trao quyền kiểm soát các đặc khu kinh tế và những chính sách ưu đãi, phục vụ lợi ích cho chính cá nhân và vùng miền nhất định. Qua thời gian, chiến lược trao quyền cho các tỉnh thành đã gây dựng phong trào ủng hộ từ chính quan chức cấp tỉnh và địa phương đối với chương trình cải cách thị trường, sau đó vượt qua những quyền lợi được đảm bảo bất di bất dịch trong nền kinh tế chỉ huy do bộ máy xây dựng kế hoạch quan liêu và các bộ công nghiệp nặng chi phối.
Tuy nhiên, sự phân quyền tài chính cũng lộ rõ những điểm yếu nghiêm trọng. Quyền lực của chính quyền trung ương trở nên yếu kém bởi hầu hết doanh thu được giữ ở cấp địa phương. Bắc Kinh từng rơi vào cảnh thiếu tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới an toàn xã hội và nâng cấp quốc phòng quốc gia. Nhằm nâng tầm doanh thu của chính quyền trung ương, các chương trình cải cách tài chính đã được giới thiệu năm 1994. Theo đó, khoản thuế thu được chia sẻ giữa chính quyền trung ương và địa phương. Song, các cấp địa phương lại không cảm thấy thải mái với sự cải tổ trên.
Vậy sự mất cân bằng này sẽ được sửa đổi như thế nào trong chương trình cải cách năm 2013? Chính quyền địa phương đang đối mặt với tình trạng bất cân xứng giữa doanh thu và chi tiêu. Họ có nghĩa vụ chi trả lương hưu, chăm sóc y tế và giáo dục cũng như môi trường song không nhận được lợi tức ngân sách phù hợp để chi trả. Nhiều quan chức đã chuyển hướng thu tiền sang phát triển đất đai, không chỉ giúp tăng nguồn tiền cho chính cá nhân mà còn các địa phương nơi họ điều hành. Tuy nhiên, nguồn thu từ đầu tư đất đai lại không bền vững.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Bắc Kinh chuyển sang thúc đẩy nền kinh tế bằng cách yêu cầu các ngân hàng cung cấp tiền cho các dự án cấp địa phương. Do đó, các chính quyền địa phương lại bắt đầu quay lại mô hình phụ thuộc như trước cải cách năm 1994.
Làn sóng cải cách tài chính mới được kỳ vọng mang tới những nguồn doanh thu mới cho địa phương như thuế tài sản hay giải thoát gánh nặng tài chính cho chính quyền địa phương bằng cách tăng các khoản chi trả luân chuyển từ kho bạc nhà nước cũng như chuyển trách nhiệm chi tiêu giáo dục, y tế và lương hưu cho Bắc Kinh.
Khi xây dựng gói cải cách, chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường cần cân nhắc về việc điều gì sẽ thiết lập một chiến lược chính trị hiệu quả với chương trình cải cách. Những thay đổi tài chính như thế nào sẽ đưa giới chức địa phương và cấp tỉnh hội nhập vào một thể chế quyền lực kiểm soát toàn bộ quá trình cải cách thị trường?
Chỉ với một số phương án giới hạn giúp xây dựng một phong trào ủng hộ vượt qua những quyền lợi được đảm bảo bất di bất dịch, khả năng các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc sẽ xem xét quay trở lại mô hình trao quyền quyết định cho giới chức các tỉnh và địa phương.
Minh Thu
2013-10-22 23:08:18
Nguồn: http://infonet.vn/The-gioi/Lanh-dao-Trung-Quoc-co-the-thay-doi-dat-nuoc/117158.info