Nhiều thi thể nổi trên mặt nước cùng vali hành lý, nhiều thi thể khác đã bị hất văng lên bờ. Tôi cùng các anh em người Việt phụ người dân Lào nhanh chóng đưa các thi thể vào một khu tập trung. Chúng tôi hoảng loạn lật từng thi thể để nhận dạng người thân.
Kinh hoàng lời kể của nhân chứng
Ông Phạm Quang Nhật, thành viên Đoàn chuyên gia VN công tác tại tỉnh Champassak đã chứng kiến tại hiện trường vụ máy bay rơi ở Pakse. Với ông, đó là thời khắc kinh hoàng.
“Lúc đó tôi cùng một số người đến đưa các anh em ra sân bay Pakse để đi Viêng-chăn. Khi chúng tôi vừa rời khỏi sân bay tới khu vực bờ sông gần đó thì trời mưa rất to, có gió lốc rất lớn.
Chúng tôi không nghe tiếng máy bay rơi mà chỉ nghe tiếng người dân la hét hoảng loạn, cùng chạy ùa lại bên bờ sông nên cũng chạy đến.
Nhìn ra sông, tôi thấy chiếc máy bay vừa rớt xuống sông. Phần đầu máy bay chúc xuống nước còn phần đuôi vẫn nổi lên mặt nước. Khói bốc ùn ùn từ phần đuôi máy bay. Cột nước vẫn còn văng lên cao do máy bay rớt xuống.
Tôi và những anh em người Việt lúc đó thực sự rất hoảng loạn vì cứ nghĩ rằng chiếc máy bay rơi chính là chiếc máy bay của anh em, người thân mình vừa cất cánh đi Viêng-Chăn. Trên chuyến bay đó có rất nhiều người Việt.
Vì thế, chúng tôi cùng hàng trăm người khác cùng dồn về mé sông. Lúc này khói vẫn bốc lên tại phần đuôi máy bay nên ai cũng lo sợ máy bay sẽ nổ, không dám đến gần máy bay này.
Toàn bộ hành khách trên chiếc máy bay này đã bị chết.
Mọi người túa về nơi các thi thể bị văng ra. Nhiều thi thể nổi trên mặt nước cùng vali hành lý, nhiều thi thể khác đã bị hất văng lên bờ. Tôi cùng các anh em người Việt phụ người dân Lào nhanh chóng đưa các thi thể vào một khu tập trung. Chúng tôi hoảng loạn lật từng thi thể để nhận dạng người thân.
Chờ một chút để yên tâm rằng máy bay không phát nổ, một số người dân bắt đầu chèo thuyền ra xác máy bay, trèo lên cánh máy bay mong tìm kiếm được người sống sót.
Tuy nhiên, lúc này không người dân nào có thể vào trong khoang máy bay được. Vì thế, mọi người chỉ đưa được những thi thể hành khách bị văng xuống sông, rớt ở khu vực bờ sông để tập trung tại một khu vực. Lần lượt 13 thi thể hành khách được tập trung trên bờ.
Lúc này, chúng tôi đã xác định được máy bay rơi không phải là chiếc vừa cất cánh mà là đang chuẩn bị hạ cánh. Dù đã yên tâm không có người thân, anh chị em người Việt trong số các nạn nhân xấu số nhưng nhiều người Việt và hàng trăm nguời dân Lào có mặt tại hiện trường ngay lúc máy bay rơi cũng vẫn bật khóc khi chứng kiến cảnh tượng tang thương của vụ tai nạn.
Một nhân chứng người nước ngoài (không nêu tên) ở Pakse chứng kiến vụ tai nạn cho tờ Bangkok Post biết hiện trường vụ tai nạn thật khủng khiếp.
“Một đền thờ trước nhà tôi ở biến thành một trung tâm cứu hộ. Tôi nhìn thấy thi thể nằm ngổn ngang khắp nơi…”, nhân chứng này kể.
Ông ta cho rằng: “Tình hình rất hỗn loạn, các xe cứu chật vật đi đến hiện trường vì đường sá sình lầy. Hàng trăm người hiếu kỳ đổ xô đến xem… Thật là một cảnh tượng kinh hoàng”.
Danh tính của 3 Việt kiều chết thảm
Ông Phạm Tuấn Hùng, lãnh sự Việt Nam tại Pakse, cho biết trên chuyến bay bị nạn có ba Việt kiều ở Pakse. Đó là bà Đào Thị Liễu, bà Vương Thị Ngân và con trai bà Ngân (đã nhập quốc tịch Lào).
Ông Hùng cũng cho biết lãnh sự quán sau khi biết tin đã lập tức ra hiện trường và đã thăm hỏi gia đình nạn nhân.
Danh sách hành khách bị nạn đã được công bố vào tối qua. Trong số này bao gồm 5 người Úc, 5 người Thái, 3 người Hàn Quốc, 7 người Pháp, một người Mỹ, một người Trung Quốc, một người đến từ Đài Loan. Riêng bà Đào Thị Liễu được xác định là có quốc tịch Canada. Hai người Việt Nam được xác định là bà Vương Thị Ngân và một người được ghi là “Le Hue”.
Chuyến bay mang số hiệu QV301 này xuất phát từ thủ đô Vientiane lúc 14h45 và bị nạn lúc 16h. Chiếc máy bay bị nạn là loại máy bay cánh quạt ATR-72 do Pháp sản xuất. Máy bay được nói gặp nạn trong điều kiện thời tiết xấu lúc chuẩn bị hạ cánh và rơi xuống sông Mekong.
Trong danh sách các nạn nhân của chuyến bay này, có 2 người Việt Nam.
Báo The Nation dẫn một nguồn tin đáng tin cậy nói tháp không lưu ở sân bay Pakse đã khuyên phi công không hạ cánh xuống sân bay vì tầm nhìn bị hạn chế do hậu quả của cơn bão Nari.
Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, phi công vẫn muốn hạ cánh nhưng đã bất thành vì gió quá mạnh. Phi công cố gắng cất cánh trở lại nhưng đã bị va chạm với một hòn đảo ở giữa sông Mekong, cách sân bay Pakse 8km. Máy bay vỡ làm hai mảnh và chìm xuống sông.
Trang tin Thairath News của Thái Lan cho rằng máy bay có thể phát nổ trong không trung trước khi rơi.
Reuters miêu tả cảnh được chiếu trên truyền hình Thái Lan với xác máy bay bị ngập lưng chừng với phần đuôi bị hư hại nặng nề. Nhiều thi thể nạn nhân nằm trên bờ sông. Bangkok Post dẫn lời nhân chứng tại hiện trường nói cảnh tượng vụ tai nạn rất kinh khủng. “Ngôi chùa trước nhà tôi đã trở thành trung tâm khẩn cấp – người này nói – Tôi thấy những thi thể bất động nằm khắp nơi”.
AFP dẫn lời người phát ngôn Hãng máy bay ATR nói họ đã xác nhận vụ tai nạn và nói máy bay của Lao Airlines gặp nạn là máy bay của hãng sản xuất.
Các hình ảnh từ truyền hình Thái Lan ngày 16/10 cho thấy phân nửa máy bay ATR-72 chìm dưới sông và thi thể các nạn nhân nằm trên bờ sông.
Tờ Vientiane Times dẫn lời các quan chức Lào cho biết máy bay ATR-72 rơi xuống sông Mekong và các nhân viên cứu hộ trục vớt thi thể nạn nhân ra khỏi máy bay sau đó đặt lên bờ sông.
Ông Yakua Lopangkao, Giám đốc Cơ quan an toàn hàng không dân dụng thuộc Bộ Giao thông Lào xác nhận thông tin vụ tai nạn và đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.
Theo thông cáo của Lao Airlines và Bộ Giao thông Lào ngày 16/10, có 44 hành khách và 5 thành viên hành đoàn trên máy bay vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn.
Một quan chức thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Lào (không nêu tên) và Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Sek Wannamethee cho rằng toàn bộ hành khách trên máy bay đều đã thiệt mạng.
Ngọc Trinh (Tổng hợp)
2013-10-16 19:48:06