Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) đang đối mặt với rủi ro bị hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tục. Hoạt động kinh doanh bế tắc, dòng tiền thâm hụt đang đẩy PVX khó khăn chồng chất với tổng nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 1.030 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) cũng như xây lắp gặp khó khăn như hiện nay, việc thu hồi các khoản phải thu này không phải là dễ. Điều này rất có thể sẽ khiến cho tình hình khó khăn của PVX trở nên trầm trọng hơn, nhất là khi Công ty đang thiếu hụt dòng tiền hoạt động.
Một số đơn vị thành viên của PVX hoạt động kinh doanh BĐS gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, huy động và thu hồi vốn để thực hiện dự án trong khi vẫn phải chi phí để duy trì hoạt động, dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị không đạt kế hoạch đề ra.
Nguy cơ hủy niêm yết
PVX đang đứng trước nguy cơ sẽ bị HNX hủy niêm yết vì thua lỗ 3 năm liên tiếp. Trước đó, vào ngày 4/4/2013, HNX đã ra thông báo quyết định đưa cổ phiếu PVX vào diện kiểm soát. Nguyên nhân chính là do Công ty này đã bị lỗ 2 năm liên tiếp gần nhất (năm 2011 sau khi điều chỉnh hồi tố lỗ 19 tỷ đồng và năm 2012 lỗ 1,338 tỷ đồng).
Các khoản phải thu tăng lên “khủng khiếp”, gần 7.900 tỷ đồng, vượt hơn 70.13% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tới hơn 57% tổng tài sản ngắn hạn của công ty.
Deloitte cũng lưu ý về doanh thu từ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ PVX lỗ ròng 1.226 tỷ (lỗ lũy kế tại ngày 30/6/2013 là 2.541 tỷ đồng), lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh âm khoảng 705 tỷ đồng, dư nợ vay ngân hàng quá hạn tại ngày 30/6/2013 khoảng 1.589 tỷ đồng và dư nợ các khoản vay do Tổng Công ty bảo lãnh quá hạn khoảng 545 tỷ đồng, tổng nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 1.030 tỷ đồng.
Cho đến thời điểm này, PVX tiếp tục lỗ hơn 1.578 tỷ đồng, nguy cơ bị hủy niêm yết đang cận kề. Với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, rõ ràng sẽ thách thức rất lớn cho PVX để có thể lật ngược được tình thế trong thời gian ngắn nữa.
Theo giải trình của PVX, công ty tiếp tục lỗ lớn do vẫn đang phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, các khoản đầu tư tài chính và khoản bảo lãnh quá hạn. Các công ty thành viên của PVX có hoạt động kinh doanh BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn do không triển khai được các dự án và không tiêu thụ được sản phẩm nhưng vẫn phải trả các khoản chi phí, phải trả lãi vay để duy trì hoạt động.
PVX cho biết sẽ tích cực thực hiện công tác đấu thầu để tìm kiếm và bổ sung nguồn việc. Đồng thời PVX cũng sẽ triển khai công tác tái cấu trúc tổng thể theo đúng định hướng được Tập đoàn phê duyệt, theo hướng công ty mẹ trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xây lắp, thực hiện vai trò định hướng hoạt động cho các công ty trực thuộc, thoái toàn bộ vốn đầu tư tại các đơn vị không thuộc chuỗi ngành nghề hoạt động chính của PVX.
Đâu là cứu tinh?
Hiện PVX chỉ còn duy nhất “cứu tinh” nữa là được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). PVN hiện đang có chủ trương hỗ trợ PVX bằng các hợp đồng xây lắp khi thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình với giá trị hợp đồng 1,2 tỷ USD.
PVX cũng được PetroVietnam chỉ định thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với giá trị hợp đồng gần 827 triệu USD. PetroVietnam cũng cho biết sẽ tiếp tục thu xếp phần vốn còn lại để đầu tư cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tổng vốn dự kiến để đầu tư vào dự án này khoảng 31.505 tỷ đồng.
Với hợp đồng tổng thầu EPC, có vẻ như dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được xúc tiến sẽ là cứu tinh của PVX. Do tình hình khó khăn nên các dự án mà PVX đang thi công bị dừng, giãn tiến độ, dẫn đến sản lượng và doanh thu của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên thấp trong khi vẫn phải trả chi phí nhân công, khấu hao, chi phí quản lý doanh nghiệp và lãi vay ngân hàng.
Ngoài ra, PVX đã ký hợp đồng và đang đảm nhiệm toàn bộ thi công một loạt các công trình/dự án trọng điểm của PVN/đơn vị thành viên của PVN như dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1, dự án Nhiệt điện Long Phú, dự án đường ống dẫn khí Lô B Ô Môn, dự án Khu liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Viện Dầu Khí phía Nam, dự án âu tàu Rạch Chanh (Long An)…
PVX cũng đã ký hợp đồng xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 với Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam theo tổng giá trị trọn gói là 1.322 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do có thay đổi về thiết kế và đơn giá nên phát sinh những chi phí chưa lường hết.
PVN đã có công văn trình Thủ tướng về việc xử lý các phát sinh chưa lường hết của Hợp đồng EPC – dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Giá trị phần phát sinh chưa lường hết đã được thẩm tra khoảng 984 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ), trong đó các hạng mục xây dựng do PVX thực hiện tăng khoảng 352 tỷ so với giá trị hợp đồng xây lắp trọn gói PVX đã ký.
PVX cũng đã nhận bàn giao lại KCN Soài Rạp từ PVN (do Vinashin bàn giao nguyên trạng). Tuy nhiên, hiện tại, tình hình tài chính của PVX tương đối khó khăn, không có khả năng triển khai tiếp dự án. Do vậy, PVX đã có công văn đề nghị PVN có phương án chuyển giao dự án nhưng không được lỗ.
Đối với một số khoản vay của bên được bảo lãnh đã quá hạn, để giảm rủi ro về tài chính, PVX đã dự phòng nghĩa vụ nợ phải trả liên quan đến các khoản bảo lãnh này. Hiện tại, PVX vẫn đang đàm phán với các tổ chức cho vay về việc gia hạn thời gian trả nợ và giải chấp các thư bảo lãnh.
Theo Sơn Long
mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt;
Thời báo kinh doanh