Nhiều người lao động ngoại tỉnh “bỗng dưng” có biệt thự tiền tỷ làm nơi trú ngụ, mưu sinh. Đó là những ngôi biệt thự đang xây dang dở bỏ hoang nhiều năm nay … Đây là hành vi chiếm hữu tài sản trái luật. Còn với người chủ thực sự của các căn biệt thự bỏ hoang, không phải cứ lúc nào muốn đòi lại cũng dễ dàng.
Ở biệt thự miễn phí
Anh H., nhà ở Hà Nội đang xây nhà. Anh lo vì công trình nhà mình không có người trông coi vào buổi tối. Theo lẽ thường, thợ xây lúc thi công nhà sẽ ngủ luôn tại công trình. Vậy mà, tốp thợ xây mà anh thuê, dù quê ở tận Bắc Giang nhưng lại đến công trình theo giờ hành chính: Sáng đến làm, chiều về.
Sau nhiều lần lân la hỏi chuyện, anh Ngư (42 tuổi) làm cai thợ, chỉ huy nhóm xây dựng nhà anh H. mới chịu nói: “Được sự giới thiệu của anh em cùng làm xây dựng, bọn tớ đã chọn được cái biệt thự ở khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) và ở gần 3 năm nay rồi”.
Như sợ người nghe không hiểu, anh Ngư cũng giải thích: “Không phải loại cai xây như bọn tôi lại có nhà biệt thự để ở đâu? Mà là biệt thự bỏ hoang. Nhưng bọn tôi phải mất tiền thuê lại của dân môi giới đấy. Chứ không phải là cứ thấy biệt thự hoang là vào ở được đâu”.
Để chứng minh nghề đi săn biệt thự bỏ hoang để cho thuê lại là hoàn toàn có thật, anh Ngư giới thiệu ngay với tôi một tay cung cấp nhà biệt thự cho dân lao động tên Trường.
Sau nhiều lần hẹn hò rào đón, cuối cùng tôi cũng nghe được Trường tâm sự: Tôi lên Hà Nội làm xe ôm được 20 năm, tôi hay chở khách vào khu đô thị Trung Yên, thấy người ta xây dựng biệt thự nhiều, và để lâu không hoàn thiện, lúc đó cũng chưa có vợ, nên rủ mấy anh em cứ nhảy đại vào một nhà để ở cho đỡ tiền thuê nhà.” Anh Trường bộc bạch.
“Ở biệt thự hoang đã được hơn 2 năm, chẳng ai đến đuổi, tôi nghĩ, sao mình không đi kiếm vài cái nhà hoang nhỉ? Vì chắc có nhiều người lao động có nhu cầu như mình. Nghĩ là làm ngay, tôi đi một loạt các khu đô thị, từ Trung Yên, Định Công, Văn Quán, Văn Phú đến Cầu Giấy… “Tăm” được cái nào thì phải vào ở thử.
Cứ mang cái giường gấp, ít mì tôm, mấy cái móc phơi quần áo đến là được. Nếu thấy yên ổn thì xem chỗ nào câu được điện, bắc được nước là xong. Nếu có ý định ở lâu dài thì đầu tư khoan cái giếng, rồi chế thêm cái nhà vệ sinh nữa là thành thiên đường! Nhà rộng, điện nước, vệ sinh đầy đủ đảm bảo sướng gấp tỷ lần cái loại nhà trọ lợp xi măng, trần cót ép bé bằng cái mắt muỗi”.
Anh Trường đã chiếm được gần 20 căn biệt thự vô chủ để cho thuê lại. Tất nhiên, không phải với giá tiền triệu mà chỉ khoảng 500.000 đồng/tháng mỗi căn. Nghe thì có vẻ ít nhưng cộng lại, mỗi tháng Trường cũng được một khoản tiền đáng kể!
Trên đường Thụy Khuê, ở lối rẽ ra hồ Tây đoạn ngõ 80 – khu vực có lẽ là giá nhà đất đắt nhất nhì thế giới này, lại có một ngôi biệt thự 3 tầng rộng khoảng 300m2, được định giá không dưới 60 tỷ đồng. Thế mà từ ngày xây đến nay đã hơn 10 năm, biệt thự này chỉ là nơi chứa đồng nát sắt vụn, giấy cũ.
Cứ chiều đến là lũ lượt những chị em đi thu mua đồng nát giấy vụn nhựa phế thải về đây cân hàng. Ông chủ đại lý đồng nát sắt vụn này tên là Xuân (43 tuổi, quê Thái Bình), Xuân chia sẻ: Làm bãi phế thải này đã ngót chục năm, lúc đầu vốn bỏ ra có 20 triệu, sau nhiều năm tích cóp giờ cũng mua được cái chung cư vài tỷ rồi. Nhưng chẳng muốn từ bỏ cái biệt thự hoang này vì mỗi tháng đều kiếm được 20 triệu từ việc cân phế thải mỗi chiều.
Cũng chiếm được một căn biệt thự mới chỉ xong phần mộc ở khu đô thị Văn Phú để làm nơi kinh doanh, Huân – ông chủ của đại lý phế liệu cho biết: So với tiền thuê mặt bằng để mở bãi, thì ở nhà kiểu này sướng gấp nhiều lần, không lo bị trộm cắp, mưa gió, cũng không lo trật tự, công an đuổi gì cả. Tất nhiên cũng phải biết điều “làm luật”.
“Nghề” chiếm hữu tài sản trái pháp luật
Gọi là “biệt thự bỏ hoang” nhưng thực chất, về mặt pháp lý, đó vẫn là những bất động sản, nhà ở có chủ sở hữu (chẳng hạn như chủ đầu tư). Tại khoản 1 Điều 9 Luật Nhà ở 2005 đã có quy định rõ chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân tạo lập hợp pháp nhà ở.
Các chủ sở hữu những căn biệt thự bỏ hoang cần nhanh chóng thực hiện quyền sở hữu của mình, tránh những rủi ro pháp lý về sau. |
Như vậy, những biệt thự bỏ hoang không phải là tài sản vô chủ hay không xác định được chủ sở hữu; do đó, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản phải được sự đồng ý của chủ sở hữu.
2013-10-26 19:17:05
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/no-ro-mot-chiem-huu-trai-phep-biet-thu-bo-hoang-a111164.html