Các nhà khoa học vừa phát hiện một hành tinh ngoài Hệ Mặt trời, cách chúng ta không xa, được bao phủ bởi một bầu không khí có nhiều nước.
Các nhà khoa học cho hay, Gliese 1214b – hành tinh ngoài Hệ Mặt trời, cách chúng ta không xa được bao phủ bởi một bầu không khí có nhiều nước ở trạng thái plasma, trạng thái thứ tư của vật chất (các trạng thái khác là rắn, lỏng, khí).
Gliese 1214b được dự án MEarth phát hiện khi họ theo dõi hơn 2.000 ngôi sao có khối lượng thấp để tìm kiếm các hành tinh. Nằm trong chòm sao Ophiuchus, Gliese 1214b cách Hệ Mặt trời 40 năm ánh sáng.
Gliese 1214b đang quay quanh ngôi sao chủ. (Ảnh: Discovery)
Ông Norio Narita, ở Đài thiên văn quốc gia của Nhật Bản, cho biết: “Khi nhiệt độ và áp suất cực cao, nước không tồn tại ở trạng thái bình thường (hơi, chất lỏng hoặc rắn) mà ở thể khí ion hóa hay còn gọi là trạng thái plasma. Đây chính là trạng thái của nước trên hành tinh Gliese 1214b”.
Do khoảng cách giữa Gliese 1214b và ngôi sao chủ gần hơn khoảng cách Trái đất – Mặt trời tới 70 lần nên nhiệt độ của nó lên tới 280 độ C. Nhiệt độ cao khiến bầu không khí của nó khác xa hành tinh của chúng ta.
Nước thường được xem là một thành phần cần thiết cho sự sống nhưng theo Norio Narita, Gliese 1214b không thể sinh sống được. “Mặc dù hơi nước có thể tồn tại trong không khí, nhưng nước ở dạng lỏng sẽ không tồn tại trên bề mặt của hành tinh này. Vì vậy, chúng tôi không nghĩ rằng, hành tinh này thích hợp cho sự sống”.
Nhóm nghiên cứu của Narita dự định tiếp tục nghiên cứu hành tinh này với các quan sát quang phổ ở bước sóng nhìn thấy được.
Trích nguồn: http://www.khoahoc.com.vn/khampha/vu-tru/49431_Phat-hien-luong-nuoc-dang-ke-o-mot-hanh-tinh-la.aspx
2013-10-04 00:39:08
Nguồn: http://www.chuyenla.com.vn/thien-van/9673-phat-hien-luong-nuoc-dang-ke-o-mot-hanh-tinh-la.html