Những bí kíp dưới đây sẽ giúp mẹ phục hồi nhanh chóng sau sinh mổ.
Sinh mổ có tính thẩm mỹ và đỡ đau hơn nhiều so với sinh thường nên được rất nhiều mẹ bầu lựa chọn. Tuy đây không phải là ca phẫu thuật phức tạp nhưng việc chăm sóc sản phụ sau sinh mổ vẫn rất cần được chú trọng để tránh những biến chứng không hay có thể xảy ra không chỉ khiến các mẹ cảm thấy đau đớn, mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến bé yêu.
Các mẹ đã biết quy trình sinh mổ diễn ra như thế nào chưa? Hãy ghi nhớ một vài thông tin dưới đây để không bị bất ngờ, bối rối khi nằm lên bàn sinh và biết được những “bí kíp” để mẹ nhanh chóng lấy lại sức sau sinh nhé!
Sinh mổ đang được nhiều mẹ bầu lựa chọn vì có tính thẩm mỹ và đỡ đau hơn nhiều so với sinh thường (ảnh minh họa).
Quy trình sinh mổ diễn ra như thế nào?
- Đầu tiên, bụng sẽ được lau sạch bằng dung dịch sát khuẩn.
- Ống thông được đưa vào niệu đạo của thai phụ để dẫn nước tiểu trong quá trình phẫu thuật, cũng như để truyền tĩnh mạch nếu chưa được truyền trước đó.
- Tiếp theo, màn vô trùng sẽ được bố trí xung quanh vùng bụng. Màn che cũng được nâng lên để sản phụ không phải nhìn thấy quá trình mổ.
- Tiếp đó là quá trình gây mê. Thông thường, các bác sĩ sẽ gây mê tủy sống hoặc gây mê nội khí quản, tùy thuộc tình trạng của từng thai phụ.
- Sau khi gây tê đã có hiệu lực, bác sĩ rạch một đường trên bụng thai phụ. Thường thì vết mổ sẽ theo chiều ngang. Vết sẹo sau đấy sẽ gần như không bị phát hiện. Tới tử cung, bác sĩ sẽ tạo một vết cắt, tìm vị trí của em bé.
- Lấy em bé từ tử cung của mẹ ra ngoài.
- Xử lý dây rốn. Các y tá sẽ hút sạch đàm nhớt ở họng, mũi…của em bé, giúp cho bé khóc to hơn để phổi được hoạt động.
- Trong khi đó, các bác sĩ lấy nhau, màng nhau, lau sạch buồng tử cung, kiểm tra độ mở cổ tử cung của sản phụ giúp cho sự thoát dịch được tốt. Rồi tiến hành khâu vết mổ lại từng lớp một.
- Lau sạch ổ bụng và đóng bụng bằng một đường khâu, lấy sạch máu cục âm đạo.
- Cuối cùng, sản phụ được đưa về phòng hồi sức, được truyền dịch có pha thuốc co hồi tử cung, thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Hồi phục sau sinh
Ngoài những rắc rối sau sinh giống với các mẹ đẻ thường như sản dịch, khó chịu sau sinh, mệt mỏi, táo bón hay các vấn đề về tiểu tiện. Các mẹ sinh mổ còn phải chịu đựng các cơn đau xung quanh chỗ bị rạch, di chuyển khó khăn, hay đau nhói ở bụng, thân dưới do các cơ quan bụng bị ảnh hưởng trong khi phẫu thuật. Vì vậy, đẻ thường đã phải giữ gìn rất kỹ, sinh mổ thì lại càng phải cẩn thận hơn. Để cảm thấy thoải mái, dễ chịu và nhanh chóng phục hồi sức khỏe, các mẹ nhớ thực hiện theo một vài gợi ý sau nhé:
- Tuân thủ dặn dò của các bác sĩ
Sau khi sinh, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ nên và không nên làm gì sau khi sinh mổ như cách chăm sóc vết khâu, các dấu hiệu nguy hiểm cần chú ý và khi nào cần gọi điện cho bác sĩ…Mẹ nhớ ghi nhớ chúng để đảm bảo vết mổ nhanh phục hồi, không có biến chứng đáng tiếc nào xảy ra.
Vận động nhẹ nhàng sau sinh giúp mẹ tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp vết thương mau lành. (ảnh minh họa).
- Di chuyển xung quanh
Dĩ nhiên cần nghỉ ngơi sau ca mổ đẻ, nhưng mẹ đừng nằm bất động quá lâu kẻo sản dịch sẽ bị ứ lại trong tử cung, không thoát ra được, rất nguy hiểm. Vì vậy sau 1 ngày, các mẹ nên tập cử động chân tay rồi ngồi dậy, xuống giường tập đi. Đi bộ có thể giúp mẹ phục hồi sau ca mổ nhanh hơn nó không chỉ giúp giảm táo bón, ngăn ngừa cục máu đông mà còn giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp vết thương mau lành, tăng cường nhu động ruột, giúp nhanh thoát khí, tránh nguy cơ dính ruột và tắc mạch máu. Sự vận động này cũng giúp mẹ tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa chứng bệnh phổ biến sau mổ như viêm phổi.
- Hỗ trợ bụng
Sau sinh mổ, những hành động như ho hoặc hắt hơi có thể khiến mẹ rất đau đớn. Sử dụng gối mềm nhỏ hoặc dùng chăn đệm ở sau lưng sao cho thân người tạo với giường một góc 20-30 độ, tư thế này sẽ giúp mẹ giảm va chạm đến vết mổ và giảm đau khi dịch chuyển cơ thể, giúp chị em cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, nếu mẹ cho con bú, tốt nhất nên sử dụng gối hỗ trợ cho con bú hoặc một chiếc gối thường để đặt em bé lên khi cho bú thay vì đặt trực tiếp lên bụng.
- Chăm sóc vết mổ cẩn thận
Giữ khu vực vết mổ càng sạch càng tốt, không tự ý bôi thuốc gì lên đó, không tháo bỏ hết găng gạc nhưng cũng đừng băng quá chặt vết mổ, vì tất cả những điều này có thể gây viêm nhiễm hoặc làm tăng tổn thương. Mẹ nhớ thay băng theo lịch của bác sĩ và nhớ giữ tay thật sạch trước khi tiến hành thay găng gạc.
- Mặc quần áo rộng, thoải mái
Mẹ tránh mặc quần áo quá chật để quần áo không cọ xát vào vết thương khiến vết thương sưng tấy, nhiếm trùng.
Chế độ ăn chứa nhiều ngũ cốc nguyên hạt giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn sau sinh mổ (ảnh minh họa)
- Ăn uống hợp lý
Sau khi mổ đẻ, ruột bị kích thích, dạ dày bị ức chế, sự hoạt động của ruột giảm. Vì thế khi mẹ ăn quá nhiều sẽ khiến tiêu hóa khó khăn, tích tj lâu dẫn tới táo bón cũng như tăng thêm khí trong ruột khiến mẹ bị đầy hơi, không tốt cho quá trình phục hồi sức khỏe. Mẹ cũng nên tránh ăn những thức ăn tanh như cá, ốc bởi chúng sẽ ức chế sự ngưng tụ của máu, không có lợi cho việc đông máu sau khi mổ, khiến vết thương lâu không lành. Thay vào đí, mẹ nên lựa chọn một chế độ ăn uống cân bằng và chứa nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh, trái cây, sữa, protein và carbohydrate phức hợp sẽ giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn sau mổ.
- Chườm lạnh hoặc nóng
Mẹ có thể dùng túi nước đá để chườm vùng đáy chậu bị sưng sẽ giúp giảm sưng tấy, mẹ nên sử dụng phương pháp này càng sớm càng tốt sau khi sinh bé để có hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, chườm ấm cũng là cách cực tốt để áp dụng cho vết rạch bụng. Nhiệt độ cao sẽ làm tăng tuần hoàn máu đến chỗ rạch, giúp vết rạch nhanh lành hơn. Nếu mẹ không có túi chườm, có thể sử dụng khăn ấm để thay thế cũng mang đến tác dụng tương tự.
2013-10-19 14:00:19
Nguồn: http://eva.vn/ba-bau/phuc-hoi-than-toc-sau-de-mo-c85a155620.html