(InfoTV) - Mới đây, thông tin một số sản phẩm sữa bột hay còn có tên gọi mới là thực phẩm dinh dưỡng có sữa được nhập khẩu với mức giá trên dưới 100 nghìn đồng và được bán lẻ với giá cao gấp 5 đến 6 lần đã làm xôn xao dư luận, gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Câu chuyện về giá sữa nhập khẩu một lần nữa lại trở thành đề tài được mổ xẻ nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông. Vậy nguyên nhân vì sao giá bán lẻ các loại sữa sữa nhập ngoại trên thị trường liên tục tăng?
Nhập 1 bán 5
Câu chuyện bắt đầu khi một thống kê của Tổng cục Hải quan về giá một số mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em trong tháng 7-2013 được đăng tải trên bản tin thời sự 19h của Đài Truyền hình Việt Nam, thống kê này cho thấy, có sự chênh lệch lớn giữa giá sữa nhập khẩu với giá bán lẻ.
Cụ thể, giá nhập khẩu của các loại sữa trong thống kê này chỉ dao động ở mức 85.000 đồng-107.000 đồng/hộp nhưng lại có giá bán lẻ trên thị trường từ 540.000-560.000 đồng/hộp chênh nhau hơn 400.000đ.
Khi được hỏi, nhiều người tiêu dùng cho rằng, họ quá bức xúc vì giá sữa bán quá cao, trong khi đây là mặt hàng hàng ngày nhiều bà mẹ có con nhỏ phải dùng cho con ăn nên không thể không mua, nhưng do giá sữa liên tục tăng, riêng tiền sữa cho con đã chiếm đến 60% thu nhập của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sau khi giá nhập khẩu một số mặt hàng sữa bột được cơ quan chức năng công bố, người tiêu dùng bức xúc và cho rằng mình đang bị móc túi một cách trắng trợn.
Nhiều năm qua, giá sữa chỉ có tăng không giảm, mức tăng mỗi năm tới vài chục phần trăm thế nhưng chất lượng của một số loại sữa bị nghi vấn thiếu những vi chất cần thiết, quảng cáo sữa sai sự thật… khiến cho bảng thống kê giá nhập khẩu một số loại sữa của cơ quan Hải quan lại như một “giọt nước làm tràn ly” dư luận.
Câu hỏi đặt ra là, các hãng sữa ngoại đang chi cho các nhà nhập khẩu sữa những khoản gì để khi đến tay người tiêu dùng, giá sữa đã tăng gấp 5-9 lần? Xin thưa, đó là chi phí quảng cáo, chi phí kinh doanh.
Trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, ông cho biết, cần phải có 1 cuộc điều tra về giá sữa, yêu cầu các đơn vị nhập khẩu giải trình giá sữa.
“Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ có thể dành khoản chi phí cho quảng cáo, tiếp thị tối đa 10% tổng chi phí được khấu trừ. Nhưng trên thực tế, không ít các hãng sữa ngoại đã chi cho quảng cáo gấp 4 lần mức cho phép. Tại sao doanh nghiệp làm được như vậy bất chấp quy định của pháp luật?”, ông Phú đặt câu hỏi.
Thẩm định giá sữa: Không quá khó!
Sữa là sản phẩm rất quan trọng đối với đời sống, điều đó có lẽ không cần phải nói thêm. Sữa cho trẻ em, sữa cho người già, sữa cho người bệnh, sữa góp phần cải thiện trí tuệ và tầm vóc con người ở mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, các công ty sữa nội địa dù chiếm thị phần sữa nước lên đến 80% nhưng sữa bột chỉ là 20%, trong 20% ít ỏi ấy lại chủ yếu là nguyên liệu được nhập ngoại. Với tình hình quản lý giá sữa chưa triệt để như hiện này, vô tình giúp các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa bột nhập khẩu làm giàu quá mức trên túi tiền của người tiêu dùng vốn đã ngày càng bị hạn hẹp sự tăng giá của tất cả các mặt hàng.
Nhiều người tiêu dùng bức xúc nói, lương không thấy tăng mà giá các mặt hàng thì liên tục tăng, đặc biệt, sữa là mặt hàng không thể thiếu, nhất là đối với trẻ nhỏ nhưng giá sữa cứ tăng vùn vụt như hiện này thì mỗi tháng mỗi một gia đình phải bỏ ra từ 2-3 triệu đồng để mua sữa cho con, trong khi thu nhập của cả gia đình rất thấp khiến họ phải tìm loại sữa khác rẻ hơn để thay thế.
Chính vì vậy, rất nhiều người tiêu dùng mong muốn các cơ quan chức năngkiểm soát chặt chẽ thị trường sữa, yêu cầu các công ty sữa phải minh bạch thông tin về giá cả và chất lượng các loại sữa.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giá, không quá khó để thẩm định giá bán lẻ của DN đưa ra có hợp lý hay không, bởi các cơ quan chức năng có thể dựa vào nguồn tin của Tổng cục Hải quan, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để so sánh, phân tích giá bán lẻ mặt hàng sữa bột.
Theo đó, sau khi điều tra giá gốc, các chi phí bán hàng, quảng cáo, tiếp thị, cơ quan chức năng sẽ phân tích được cụ thể giá bán lẻ có cao bất hợp lý hay không, từ đó đưa ra những biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, các yếu tố cấu thành giá sữa không khó để kiểm soát và thẩm định. Vấn đề là phải có đầu mối, cơ quan chuyên trách về vấn đề này, quản lý giá sữa hiện nay đang chồng chéo, không nhất quán dẫn đến việc quả bóng trách nhiệm được đẩy đi đẩy lại.
Việc khởi động một cuộc thanh tra giá sữa với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan có liên quan nhằm làm sáng tỏ nghi vấn có hay không việc thao túng giá sữa trên thị trường là kỳ vọng của đông đảo người tiêu dùng thay vì chứng kiến câu chuyện về kiểm soát giá sữa được các cơ quan chức năng đổ lỗi cho nhau.