Có một sự thực khá đáng sợ là rất nhiều thứ được coi là “kinh khủng” đang nằm trong cơ thể của mỗi chúng ta. Đó có thể là những viên sỏi thận tạo thành từ chất khoáng – chủ yếu là calcium oxalate – có trong nước tiểu, chất nhầy khi tiết mồ hôi, hay gỉ mắt, mủ vết thương… Và thậm chí, không phải ai cũng biết kí sinh trùng có thể tồn tại trong mắt chúng ta ngay lúc này.
Cùng điểm lại một vài những thứ “kinh dị” vẫn đang hiện diện và tồn tại trong cơ thể chúng ta qua danh sách trang Howstuffwork.
1. Rận lông mi
Ít người biết rằng, chấy rận có thể làm tổ trên cả mi mắt, đặc biệt là bờ mi của chúng ta. Bờ mi là vùng quá độ giữa da mi ở phía trước và kết mạc mi (còn gọi là niêm mạc mi) ở phía sau. Bờ mi luôn lộ ra với nắng, gió bụi, khí độc hại… nên là nơi cư trú lý tưởng cho các loại vi sinh vật và cả chấy rận.
Ước tính khoảng 80% số người trên 60 tuổi có nhiễm ve trong mi mắt. Đây là một trong những nguyên nhân gây viêm nhiễm “cửa sổ tâm hồn” bên cạnh các loại vi khuẩn và nấm.
Chấy mi rất nhỏ, phải nhìn qua kính hiển vi mới thấy. Nếu nhổ một sợi lông mi rồi soi bằng kính hiển vi, sẽ thấy rất nhiều chấy mi bám quanh gốc, với số lượng có thể vượt 25 cá thể. Rận mi thì to hơn, có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ ra, hầu hết các loại chấy rận mi được cho là vô hại, chúng chỉ gây dị ứng ở những người nhạy cảm. Nhưng bạn cũng không nên chủ quan bởi chúng vẫn có khả năng gây viêm nhiễm.
2. Ráy tai
Ráy tai là một chất lỏng dạng dầu kết dính, được sản sinh bên trong ống tai, có tác dụng bôi trơn và bảo vệ tai. Ráy tai tồn tại giống như một cái bẫy, ngăn bụi, nước và cả những loài côn trùng nhỏ bé xâm nhập vào tai, ngăn ngừa tắc nghẽn và nhiễm trùng ống tai. Ngoài ra, ráy tai còn có tính chất kháng khuẩn.
Nhưng ráy tai không có vẻ ngoài “bắt mắt” cho lắm, và đây chính là nguyên do khiến loài người chi hơn 60 triệu USD/năm (khoảng 1,2 nghìn tỉ VND) cho các sản phẩm làm sạch tai tại nhà (số liệu lấy tại Bắc Mỹ), dù bản chất ráy tai tồn tại là để bảo vệ và làm sạch đôi tai của chúng ta.
3. U mỡ
Khi cơ thể người hấp thu quá nhiều dưỡng chất mà không có sự vận động hợp lý, chúng ta sẽ bị dư thừa năng lượng. Và những năng lượng dư thừa này sẽ được tích tụ dưới dạng chất béo – mỡ. Đây là một quá trình rất bình thường, nhưng cũng có những khi chất béo tích tụ quá nhiều tại những nơi “không bình thường”, tạo nên các u mỡ.
U mỡ đa phần lành tính. Chúng là các tế bào mỡ tập trung ngay dưới da và phía trên cơ bắp. Khối u khá mềm, chạm vào thấy nảy, đa phần phát triển không quá vài cm (cũng có trường hợp phát triển khá lớn) và hiếm có trường hợp chuyển thành ung thư. U mỡ thường hình thành tại các vùng như cổ, cánh tay, lưng, đùi và mông, hiếm khi có u trong nội tạng.
Tuy khối u không gây nguy hiểm, nhưng không tự tan biến mà cần sự can thiệp từ các bác sĩ chuyên khoa. Vậy nên, chúng gây khá nhiều phiên toái về mặt thẩm mỹ.
4. Chất nhầy
Gỉ mũi, nước mũi, đờm… đều do một nguyên nhân gây nên, đó là chất nhầy. Chất nhầy là một dạng chất lỏng kết dính, tạo thành một lớp màng bên trong mũi, xoang, khoang miệng, họng, phổi và cả đường tiêu hóa.
Đừng tưởng chất nhầy chỉ xuất hiện khi bạn ốm (nước mũi, đờm…), chúng luôn tồn tại trong bất kì hoàn cảnh nào. Theo nghiên cứu, cơ thể người sản xuất từ 1 – 1,5 lit chất nhầy mỗi ngày.
Chất nhày đóng vai trò như chất bôi trơn, giữ ẩm cho các mô trong cơ thể. Ngoài ra, nhờ tính chất kết dính, chất nhầy còn là công cụ lý tưởng nhằm giữ lại bụi bẩn, vi khuẩn, ngăn không cho chúng xâm nhập cơ thể. Có lẽ vì thế nên chất nhầy cũng là chất rất “mất vệ sinh” do cơ thể tiết ra.
5. Vi khuẩn
Cơ thể người là một ổ chứa vi khuẩn và vi sinh vật. Một người trưởng thành chứa số lượng tế bào vi khuẩn gấp 10 lần số tế bào làm nên cơ thể người – ước tính khoảng 100 nghìn tỉ tế bào. Và con số khổng lồ này tồn tại ở mọi ngóc ngách trong cơ thể chúng ta.
Nhưng hãy yên tâm, có ít hơn 1% trong số này mang mầm bệnh, còn hầu hết các loại vi khuẩn đều không gây hại và thậm chí chúng giúp các cơ quan chức năng trong cơ thể hoạt động hiệu quả hơn.
Có thể kể đến như khuẩn Lactobacillus acidophilus cư trú trong đường tiêu hóa, có thể tạo ra acid lactic, hình thành nên một môi trường không thuận loại cho các loại vi khuẩn và nấm gây bệnh khác, góp phần bảo vệ cơ thể chúng ta.
6. Khí… độc
Đó là các loại khí tỏa ra mỗi khi ợ hơi và… trung tiện. Mỗi khi tiêu hóa thức ăn, các loại vi khuẩn phá vỡ các liên kết hóa học trong thức ăn, tạo nên khí gas trong cơ thể.
Khi lượng khí gas sinh ra quá lớn, con người giải thoát chúng thông qua… 2 cổng. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày một người phải thoát khí từ 14 đến 24 lần, có nghĩa mỗi chúng ta sẽ… xì hơi hoặc ợ hơi mỗi giờ một lần.
“Khí độc” là sự kết hợp của CO2, Oxi, nitrogen, hydrogen, methan (CH4), lưu huỳnh (chỉ có ở khí sản sinh khi… xì hơi). Một số loại thức ăn khiến cơ thể sản sinh nhiều khí gas như thực phẩm nhiều chất xơ và đường.
Bên cạnh đó, một số người bị đầy hơi khi ăn tinh bột (lúa gạo, lúa mì…) hoặc các sản phẩm có chứa tinh bột (ngũ cốc) là bởi cơ thể họ không tiêu hóa được những thực phẩm này.
7. Sỏi Amidan
Amidan là nhóm tân bào dùng để bảo vệ cơ thể chống sự xâm nhập của vi khuẩn. Tuy nhiên, khi amidan bị viêm nhiễm quá thường xuyên, nơi đây trở thành nơi cư trú đặc biệt lý tưởng của nhiều loại vi khuẩn và cách duy nhất để thoát khỏi chúng là cắt bỏ.
Và đặc biệt, khi bị viêm amidan mãn tính, cơ thể sẽ hình thành một thứ khá kinh khủng mang tên “sỏi amidan” – tonsil. Sỏi amidan là một sự kết hợp giữa rất nhiều vi khuẩn, tế bào lympho chết và chất nhầy, nằm trong ngách của 2 túi amidan.
Triệu chứng này ở từng người cũng khác nhau. Một số người không cảm thấy gì, nhưng một số có thể thấy khó chịu vì sự hiện diện của chúng, bao gồm đau tai, sưng họng và amidan. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân gây hôi miệng, do đây là thức ăn ưa thích của vi khuẩn.
8. Phân
Đây có lẽ là thứ… ghê rợn nhất trong cơ thể chúng ta. Mỗi khi ăn uống, cơ thể cần một khoảng thoài gian để phân tách vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết từ thức ăn, gọi là quá trình tiêu hóa. Và sản phẩm còn lại sau qua trình này được gọi là “chất bài tiết”.
Ruột non và ruột già của chúng ta có chiều dài vào khoảng 7,5m
Trong quá trình tiêu hóa, thức ăn phải đi qua ruột. Ruột bao gồm ruột non, ruột già, và cả trực tràng. Ruột non là một ống dài khoảng 6m, đường kính 2,5cm, còn ở ruột già dài 1,5m và có đường kính khoảng 7,6cm.
Phân, hay chất thải, được tạo nên từ thức ăn không tiêu. Nhưng không chỉ vậy, chúng là một tổ hợp của chất nhầy, vi khuẩn và các tế bào chết nên vô cùng mất vệ sinh. Bạn có biết, một ngày, chúng ta thải ra 255gr chất thải “nguyên chất” – chưa tính lượng nước đi kèm.
2013-10-23 14:40:05