Tướng do tâm sinh???
Thursday, October 17, 2013 3:31
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Cái lý thuyết do tâm sinh khiến cho nhiều người chán ghét tướng số. Định mệnh là định mệnh, nay tâm đổi được mệnh thì nói định mệnh làm quái gì. Có người lý luận cho rằng lý thuyết tướng do tâm sinh cốt để hù người ta khuyên nên cải ác vi thiện vì sợ rằng thiên hạ khi đã biết số mệnh mình như thế rồi thì cứ tạo ác càn phứa đi vô cấm kỵ. Số căn cứ trên ngày giờ tháng năm sinh làm sao đổi?
Lý luận quá khích thì nó đến chỗ cùng và khó trả lời. Tuy nhiên, tướng do tâm sinh có phần đúng. Vì cả tướng lẫn số đều có đổi, biến tướng và biến số. Như đã nói ở trên, ông trời của khoa tướng số là ngũ hành chứ không phải là ông trời quyền sinh quyền sát, là âm dương vận chuyển chứ không phải là Thượng Đế vạn năng định đoạt.
Số mệnh có đổi là thế nào?
Tỉ dụ: Nói số mệnh này ở phương Nam tốt hơn phương Bắc. Kẻ vào Nam sống khá, kẻ lên Bắc bần hàn. Vào Nam lên Bắc phải có phần nào nhận định, tạo nên sự thay đổi của số. Biến tướng cũng vậy, có đôi mắt ác mà tâm hiền dần dần mắt sẽ bớt ác. Mắt càng bớt ác bao nhiêu càng tránh được sự hung tử bấy nhiêu.
Đổi theo định luật tướng số mà thôi chứ không đổi tuyệt đối ở Bắc ăn mày, vào Nam làm vua.
Tướng ác hay đi với bần (nghèo). Giảm tướng ác (nghèo) đỡ đi chứ không thể giầu lên.
Mệnh căn và tướng căn vẫn còn ví như hạt giống tốt, tâm với nhân định ví như chất bón và khí hậu. Dĩ nhiêu, khí hậu và chất bón không thể làm hạt giống đã bị đun sôi mọc thành cây lúa.
Tướng do tâm sinh. Tướng tòng tâm diệt là vì vậy. Nó có tác dụng đối với số mệnh và tướng cách đủ điều kiện tiếp nhận lẽ sinh diệt ấy mà thôi.
Ngoài ra, con tâm người ta vẫn còn để chọn lựa. Cùng một tướng hung tử nhưng có kẻ chết trong quán rượu, cao lâu, có kẻ chết nơi sa trường, có kẻ chết ở pháp trường. Khí chất tạo thành sự khác biệt cho tướng số hung tử.
Còn cái chuyện như ông Bùi Độ lúc đi thầy tướng bảo Độ tướng ăn mày, khi về thầy tướng bảo Độ tướng đại thần chỉ vì cái tâm nhân hậu của Độ đã bắc cầu cho lũ kiến thoát chết khỏi vũng nước, là chuyện hoang đường để nhấn mạnh cái lý tâm sinh tướng.
Tâm con người ta, nho gia gọi là Linh Đài, đạo gia gọi là Linh Quan và Phật gọi là Linh Sơn. Lục phủ ngũ tạng tâm làm chủ coi hồn phách, lo cho sự động tĩnh của tinh, khí, thần.
Tâm là chỗ tính trú ngụ, không có tâm tính không tồn tại. Tinh với tâm chú ngụ một thể, nói tâm tốt hay tính tốt cũng vậy.
Tâm tính ảnh hưởng đến đời người nhiều lắm. Người đời có cả trăm tâm tính.
Tính trung lương, từ thiện, cao thượng, cương trực, thủ phận, cẩn thận, đại độ, chừng mực, tham lam, quái quắt, keo bẩn, hồ đồ v.v… đều có thể hiện ra tướng mạo. Do tướng mà biết tâm thì ngược lại, do tâm có thể chuyển tướng.
Tướng thanh cao thường đi đôi với tâm thanh cao, đồng thời số cũng thanh cao.
Sách xưa kể:
“Cao Hiếu Toàn và Cao Hiếu Tích là hai anh em sinh đôi ra đời cùng một giờ khắc. Lớn lên, cả hai tướng mạo giống hệt như nhau từ cử chỉ đến ngũ quan lục phủ như hai giọt nước. Cùng học một thầy, văn chương tinh thông, chẳng kém ai hết. Cùng đỗ cử nhân. Cùng lấy vợ, cha mẹ sợ vợ không phân biệt nổi có thể xảy ra sự lầm lẫn nên bắt cả hai anh em ở riêng và mặc quần áo màu riêng.
Một hôm hai anh em gặp tướng sư Trần Hi Di, tiên sinh nói:
- Tướng hai anh em phong thần tú dị, mi thanh mục tú, mũi thẳng môi hồng, tai trắng, tất nhiên đỗ cao, đồng mệnh, đồng vận, đồng tướng thật lạ.
Đến mùa thu, hai anh em cùng vào kinh ứng thí, ở trọ nhà họ bên ngoại. Cạnh nhà có người đàn bà goá chồng trông thấy hai anh em Toàn và Tích tài mạo tốt đẹp động lòng dục tình tìm cách quyến rũ. Tâm tính Toàn yêu học hơn khoái tình nên kế hoạch của goá phụ bất thành. Trở qua Hiếu Tích thì Tích bị ngay với goá phụ vẫn còn mơn mởn đó. Chuyện thông gian có người biết mách cho nhà chồng hay, goá phụ xấu hổ gieo mình xuống sông.
Thi xong, hai anh em về gặp lại Trần Hi Di tiên sinh để coi xem liệu có đỗ không.
Hi Di quan sát cẩn thận, ngạc nhiên nói:
- Lạ thật, hai anh em tướng mạo đại biến, anh tốt em xấu, tương lai sẽ khác nhau như mây với bùn. Hiếu Toàn sắc mặt hồng hào, mắt sáng tựa ngôi sao nhất định sẽ đỗ cao. Hiếu Tích đôi mày ám hãm, môi thâm, mũi có sắc đen sắc đỏ, tai xám, thần sắc khô hại chẳng những không đậu mà còn yểu thọ nữa.
Ngày coi bảng, quả nhiên Hiếu Toàn đậu tiến sĩ còn Hiếu Tích không có tên, buồn phiền uất ức mà chết.
Toàn sau làm quan to, nhân ngày ăn thượng thọ 70, nhớ tới người em mới gọi con cháu kể cho nghe vụ Hiếu Tích.
Ghi chép việc Hiếu Tích, Trần Hi Di tiên sinh nói:
- Tướng mạo người ta dễ thấy, nói mệnh lại rất khó. Mệnh do trời, tướng ở người. Ứng với thiên thời hợp việc người, đời đời sung sướng. Tinh thần con người ta chợt tụ chợt tán, chí khí lúc kiên lúc lỏng. Có bên trong tất thành hình ra bên ngoài không thể che giấu được.
Tạo vật mang cái tâm đại công vô tư, phúc sẽ mất đi bởi gây ác nghiệt, tội có thể giảm nhờ vun xới thiện căn. Sinh ở trong tâm tất phát ra ngoài mặt. Cho nên hoạ phúc trên đời hoàn toàn do người gọi đến. Hậu sinh nên suy ngẫm.
Tôn sư tướng học Ma Y dạy về tướng tâm rằng: “Hữu tâm vô tướng, tướng tuỳ tâm sinh, hữu tướng vô tâm, tướng tuỳ tâm diệt”. (Tâm là tiên thần của ngũ quan, nguồn gốc của trí lự, thiện tâm được phú, ác tâm gặp họa).
Sách “Nguyên Đàm” viết:
“Phong tư dị, cốt cách kỳ, tái quan tài khí thiết thi vi.
Tài tế biến, ý hữu tư tiểu nhân quân tử bất đồng quy”
nghĩa là:
“Phong thái dị thường, cốt cách kỳ lạ, phải nên xem lại chí khí và tài năng.
Tài thì có tài nhưng có ý tư lợi, đấy là chỗ không cùng một điểm giữa tiểu nhân và quân tử”.
Kinh nghiệm cổ nhân về tâm tướng ghi nhận như sau:
- Tâm là gốc của hình mạo. Xét tâm thấy hình mạo ác thiện. Hành động có thể biết hoạ phúc. Tâm tính không công bình con cháu hư, ngôn ngữ nhiều phản phúc chính là con người quỷ quyệt. Cúi đầu nói nhỏ, loại gian tham. Hùng hùng hổ hổ, chẳng phải là người anh kiệt. Tâm khí hòa bình, con vinh cháu quý. Tài thiên tính chấp, dễ gặp họa cùng khốn. Trọng giàu khinh nghèo, bất nhân. Có mới, quên cũ, bất lương. Kính già thương trẻ, đáng tin cậy. Nói bừa nói bãi, không sống lâu. Quên ơn nhớ tiểu oán, công danh khó thành tựu. Mới có tiền, chức nhỏ đã câng câng tự mãn sao làm lớn giàu to. Đại phú, đại quý mà tâm hồn vẫn bình thản, phúc thọ vô cương. Lừa đảo, dối trá dù vinh hoa cũng chẳng bền. Công bình chính trực chết không con nối dõi cũng được phong thần. Mở miệng ra là nói không sợ chết, lúc cần phó tử tựu nghĩa sẽ co vòi. Gặp ai cũng coi làm tri kỉ, chơi thân là giở giọng. Làm việc lớn không than mệt nhọc, không oán giận mới xứng đáng tài lương đống. Mê gái, ham rượu, phường hại nhân lợi kỷ. Ngu lỗ mà còn nói lời bạc bẽo vừa nghèo vừa chết yểu. Thông minh mà khoan dung thong thả, danh hiển yên lành.
Xem tướng Tâm ở đâu?
a) Quan sát ngôn ngữ: Chính nhân quân tử nói điềm đạm, tiếng mạnh. Nói nhanh và lớn như ngựa phi, người hào sảng. Người cố chấp nói như cắt sắt nghe lạnh mà vô tình. Nói bầy hầy như người đi trong bùn là người yếu mềm, bạc nhược. Người đa nghi, hay thiếu tin tưởng, hay nói quanh co. Nói hỗn độn, ậm ừ, sự bất thành.
b) Quan sát thái độ: Quân tử chính nhân, thái độ lớn, vuông vắn, đứng đắn. Bọn tiểu nhân ưa nói khéo ưa làm mặt thân. Lão thành kinh lịch, thái độ tròn trịa. Người trung dung, thái độ cẩn thận. Người sáng trực, thái độ hào phóng, không câu nệ tiểu tiết.
c) Quan sát lối làm việc: Thấy hoạn nạn hay giúp đỡ là người chuộng nghĩa. Thấy lợi tranh giành là bọn hẹp hòi. Nay phải, mai trái, hồ nghi bất quyết là bọn gian trá. Quân tử thường an vận thủ kỷ. Kẻ ngu xuẩn lúc nào cũng sinh sự.
d) Quan sát con mắt: Thông minh linh hoạt. Gan dạ mắt sáng quắc. Chính nhân quân tử mắt ôn hoà. Hung ác mắt ba góc có sát khí. Dung tục nhãn quang trầm trệ. Kiêu ngạo mắt ưa nhìn lên. Ích kỷ hại nhân mắt ưa nhìn xuống. Tâm có âm mưu mắt có tà thị.
e) Quan sát tướng mạo: Người ôn hoà ngũ quan chính trực. Kẻ thủ đoạn mặt xanh xanh, quyền cốt cao. Bọn thế lợi đầu nhọn mắt nhỏ. Đứa gian giảo đầu mũi nhọn không có thịt. Nhãn quan đưa đẩy lưu lộ thuộc loại phản trắc vô tình. Mặt đen xịt vô tình vô nghĩa. Da mặt mỏng dễ thay lòng đổi dạ.
Theo tướng pháp, người tài hoa thông minh có ba điều kỵ:
- Anh hoa phát tiết.
- Tâm tính khinh bạc.
- Thân thể yếu đuối.
Thời nhà Minh, đầu đời nhà Thanh, một trong tám đại tài tử là Kim Thánh Thán, đại phê bình gia của văn học Trung Quốc nổi danh thiên hạ về văn chương cũng như về tâm tính khinh bạc. Lời phê bình của ông như dao cắt vào da thịt, khiến cho kẻ bị phê bình chết đi mà vẫn còn đau xót ân hận.
Văn ông làm rất nhanh, cầm bút viết thao thao đủ lối tục có, nhã có. Nhưng tâm hồn ông sớm chán đời. Nguyên do bởi đâu, chính thức không ai rõ, chỉ theo truyền thuyết nói rằng:
Lúc Thánh Thán còn là học trò, tên Trương Thái, có đến Trung Tiêu Tự cầu mộng. Đêm ấy ông nằm mơ thấy một cây rất cao không có lá chỉ trơ cành, trên cành có một con cú đậu cô độc thê lương. Tỉnh dậy, ngẫm nghĩ điều mộng tương lai sẽ là một kẻ sĩ cố cùng chua chát và bất đắc dĩ mà thôi. Từ ấy, ông từ bỏ mọi tham vọng cầu quan tước và sống phóng đãng giang hồ. Cũng từ đấy tài hoa của ông mỗi ngày một nảy nở để trở thành tên Thánh Thán.
Trên bước giang hồ, ngày ấy tháng ấy, Thánh Thán có gặp một thầy tướng bảo ông rằng:
- Tướng tiên sinh có ba độ loạn văn, ấn đường, mũi và địa các. Nay nhãn thần đã thoát, nhân trung khí sắc xanh đen, nội trong một trăm ngày tới hoạ sẽ tới, xin tiên sinh cẩn thận.
Thánh Thán nghe lời về nhà đóng cửa đọc sách, ngâm thơ, uống trà. Được 98 ngày rồi, ông mới mở cửa đứng xem phố xá, thì chợt có một đám đông kéo đến. Đám đông ấy toàn là nho sinh, họ trông thấy Thánh Thán bèn tụ tập trước nhà ông. Thánh Thán hỏi nguyên do. Họ kể việc huyện lệnh họ Ngô cam kết với học quan bán bằng cấp trong khoá thi vừa qua. Nay họ định đến dinh học quan để biểu tình tố cáo. Thán nói:
- Hãy đem tượng Khổng tử ra khỏi nhà Văn miếu mà đem thần tài vào đấy mà thờ.
Đám đông nghe nói làm theo y lời Thánh Thán. Tất cả kéo đến Văn Miếu. Viên huyện lệnh sợ phong trào lan rộng nên đem hết quan binh đàn áp. Bọn học trò chạy hết chỉ còn Thánh Thán đứng đấy, bị quan binh trói bắt.
Để che đậy tội tham nhũng, huyện lệnh lập kế vu cáo Thánh Thán xúi giục dân chúng làm loạn.
Cho có bằng cớ, huyện lệnh chép hai câu thơ mà Thánh Thán làm trong bữa tiệc để vịnh hoa mẫu đơn màu đen:
Đoạt chu phi chính sắc
Dị chủng dã xưng vương.
nghĩa là:
Màu đen không phải là sắc chính của hoa mẫu đơn
Thế mà tuy giống khác cũng xưng vương.
Ý ông muốn chửi bọn Mãn Thanh khác giống vào xưng vương ở Trung Quốc.
Triều đình kết tội Thánh Thán làm loạn bắt chết chém ngang lưng.
Cái chết của Thánh Thán cũng giống như cái chết của thi sĩ Cao Bá Quát.
Chết vì tâm tướng khinh bạc.
ST
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo