ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Vì sao ngân hàng muốn bán nợ xấu cho VAMC?
Sunday, October 13, 2013 21:42
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


(Thời báo Kinh Doanh) – Thông tin hồ sơ bán nợ xấu “đang xếp hàng dài” chờ được VAMC mua đang gây sự chú ý của thị trường. Tại sao các ngân hàng đang từ trạng thái e ngại chuyển sang nhu cầu muốn bán nợ xấu? Phải chăng bán nợ xấu cho VAMC thật sự có lợi?

Qua quan sát diễn biến tỷ lệ nợ xấu từ đầu năm 2012 đến nay, có thể thấy xu hướng tăng vẫn là chủ đạo. Tỷ lệ nợ xấu chỉ giảm đáng kể vào những thời điểm chốt báo cáo tài chính quan trọng như tháng 6 và tháng 12, sau đó lại tăng trở lại.

Điều này cũng đúng với diễn biến trong 8 tháng đầu năm 2013, khi tỷ lệ nợ xấu giảm dần từ mức 4,67% vào tháng 4 xuống 4,46% vào tháng 6, trước khi tăng trở lại mức 4,64% vào tháng 8. Theo đánh giá của giới chuyên gia, nhiều khả năng tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng trong những tháng tới, nhất là đến thời điểm Thông tư 02 được áp dụng (1/6/2014).

Ráo riết bán… nợ xấu

Ngày 11/10, Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản các TCTD (VAMC) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã ký kết hợp đồng mua bán nợ xấu đợt 2. Giá trị các khoản nợ xấu lần này xấp xỉ 1.300 tỷ đồng của khoảng 30 khách hàng tại SCB. Trước đó, trong đợt 1, SCB cũng bán thành công 500 tỷ đồng cho VAMC.

Như vậy, tính đến thời điểm này, VAMC đã mua được khoảng 3.850 tỷ đồng nợ xấu từ 4 ngân hàng là Agribank, SCB, SHB, PGBank. Dự kiến năm nay, VAMC sẽ xử lý được ít nhất 35.000 tỷ đồng nợ xấu cho các TCTD.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch thường trực HĐTV VAMC, cho biết Vietcombank cũng đang có ý định bán nợ xấu cho VAMC. “Tuy nhiên, hai bên mới trao đổi với nhau như vậy nhưng chưa biết cụ thể thế nào, vì còn phải xem khoản nợ xấu đó có đủ tiêu chuẩn mua hay không?”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng còn cho biết thêm tuần này, VAMC sẽ mua thêm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu nữa. Hồ sơ cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Trước đó, ACB đã đánh tiếng bán 1.500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, tuy nhiên, cơ quan này cho biết vẫn chưa có trao đổi cụ thể với ngân hàng này. Ngoài ra, đến nay, số lượng ngân hàng muốn bán nợ xấu cho VAMC ngày càng nhiều, như MaritimeBank, PGBank, VPBank, Techcombank, VietABank, OCB, VIB,… Tại sao vậy?

Theo lý giải của đại diện SCB, nếu không bán nợ cho VAMC, ngân hàng vẫn có biện pháp khác để thu hồi tài sản. Tuy nhiên, những thủ tục pháp lý về xử lý, tố tụng tài sản bảo đảm hiện nay khá phức tạp và tốn kém chi phí, thời gian. “Do đó, khi bán nợ cho VAMC, việc xử lý tài sản kẹt chỗ nào có tiếng nói của VAMC sẽ thúc đẩy tiến trình vì họ được trao công cụ, quyền năng mạnh hơn”, vị này cho biết.

Đến thời điểm này, VAMC đã mua được khoảng 3.850 tỷ đồng nợ xấu

Theo Ts. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, bán nợ xấu cho VAMC là một cách để tạo vốn. “Đáng lẽ là một cục nợ xấu nằm im, bây giờ bán cho VAMC, khoản nợ xấu này không còn trong sổ sách nữa, ra ngoài bản theo dõi, như vậy ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay tiếp. Nếu để nguyên thì cả hai đều không gặp nhau”.

“VAMC được ví như người cầm đồ có điều kiện và thời hạn ở đây là 5 năm. Kể cả khi nền kinh tế xấu đi, ngân hàng cũng đã có thời gian trích lập dần rủi ro đủ bù đắp. Nền kinh tế đi lên thì cả hai cùng được lãi”, ông Hưởng phân tích.
Nhận định về động thái này, ông Hùng cho rằng đây là động thái tốt. “Các TCTD cũng nhận thấy được họ cần phải cơ cấu lại chính mình và chủ động bán lại nợ cho Công ty Quản lý tài sản Quốc gia”, ông Hùng nhấn mạnh.

Nỗi lo Thông tư 02

Thực tế, lý do các ngân hàng ráo riết bán nợ cho VAMC là do lo ngại đến lúc áp dụng Thông tư 02 thì nợ xấu sẽ tăng đột biến. Theo ông Trần Xuân Quảng, Phó Tổng Giám đốc MaritimeBank, ngân hàng đang rà soát để bán những khoản nợ đầu tiên cho VAMC. “Việc bán dần nợ xấu là để phòng sang tháng 6/2014 áp dụng Thông tư 02/2013/TT – NHNN có thể xảy ra những tác động đột biến trong hoạt động ngân hàng”, ông Quảng cho biết.

Theo ông Quảng, về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro của các TCTD theo Thông tư 02 sẽ chặt chẽ hơn, khi đó, chắc chắn nợ xấu sẽ tăng. “Do vậy, nếu không tăng tốc xử lý nợ xấu thì có nguy cơ tự làm khó mình khi nợ cũ chưa kịp xử lý, nếu cộng thêm khoản nợ xấu mới sẽ khiến các ngân hàng trở tay không kịp”, ông Quảng cho biết.

Đấy có lẽ cũng là lý do khiến Vietcombank và nhiều ngân hàng có nợ xấu gần ngưỡng 3% muốn bán nợ xấu cho VAMC. Hiện tại, với mức nợ xấu ở khoảng 3%, Vietcombank có thể sẽ không cần hỗ trợ nhiều từ VAMC, tuy nhiên, việc bán nợ xấu cho VAMC sẽ giúp Vietcombank có nhiều động lực và dễ dàng hơn trong việc xử lý nợ xấu. Vì với ý định muốn bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu thì đây là tỷ lệ nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,4% trên tổng dư nợ của Vietcombank.

Nhưng điều đáng lo ngại chính là nợ xấu sẽ tăng lên trong tương lai, nhất là vào thời điểm áp dụng Thông tư 02.
Nỗi lo này không phải không có lý, thực ra, thời gian qua, theo sự chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng đã thực hiện đảo nợ cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng. Theo con số thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 4/2013, có 284.400 tỷ đồng được cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp khó khăn nhưng có triển vọng phục hồi và trả nợ theo Quyết định 780.

Riêng Tp.HCM, tính đến cuối tháng 8/2013, có trên 6.250 khách hàng được giữ nguyên nhóm nợ là nhóm 2 (nợ cần chú ý), thay vì bị chuyển xuống nợ nhóm 3 (nợ dưới chuẩn), với tổng dư nợ khoảng 106.500 tỷ đồng. Con số này đã tăng khoảng 22% so với cuối năm 2012, và chiếm trên 11% tổng dư nợ ở cùng thời điểm cuối tháng 9. Như vậy, nếu cộng với nợ xấu của địa bàn vào cuối tháng 8 là 5,99%, thì nợ xấu thực sự nếu không cơ cấu lại nhóm nợ sẽ có thể lên đến 17% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, khi Thông tư 02 chính thức có hiệu lực, thì Quyết định 780 cũng sẽ hết hiệu lực và con số nợ được cơ cấu lại sẽ về đúng nhóm nợ, lúc này con số nợ xấu sẽ cao hơn nhiều so với con số gần 5% (theo thống kê của NHNN tính đến tháng 8/2013).

Minh Huệ

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.