Đã tổ chức “ Hội thảo về hủy phán quyết trọng tài, công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.”
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp chủ yếu trong hoạt động thương mại và ngày càng được các doanh nghiệp ở Việt Nam quan tâm lựa chọn. Pháp luật về trọng tài thương mại đang dần được hoàn thiện; Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích sự phát triển của trọng tài thương mại.
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp khi lựa chọn trọng tài thương mại là phán quyết trọng tài bị hủy hoặc quyết định trọng tài nước ngoài không được công nhận và thi hành.
Ông Lê Hồng Sơn – Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, trọng tài là một thiết chế giải quyết tranh chấp được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhất là trong giải quyết các bất đồng, tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Trọng tài lại càng trở nên hấp dẫn trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, việc thực hiện luật trọng tài còn nhiều hạn chế do một số nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là việc Tòa án tuyên hủy quyết định trọng tài trong nước, quyết định trọng tài nước ngoài chưa được công nhận cho thi hành đầy đủ tại Việt Nam, dẫn tới việc giảm uy tín, hiệu quả của hoạt động trọng tài và môi trường đầu tư, kinh doanh thương mại của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Toàn cảnh hội thảo. |
Luật sư Vũ Ánh Dương – Tổng thư ký VIAC đã đưa ra số liệu cụ thể để chứng tỏ Việt Nam “siêu vô địch” về hủy phán quyết trọng tài. Trong giai đoạn 2003-2013, số vụ tranh chấp có đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài chiếm 12% thì 34% trong số đó bị hủy. Khi Luật trọng tài thương mại có hiệu lực từ 1.1.2011 thì chỉ trong gần 3 năm (2011-2013) đã có tới 36% số phán quyết trọng tài bị hủy.
Qua thực tiễn, LS Vũ Ánh Dương đã đưa ra một số nội dung bất cập liên quan tới việc hủy phán quyết trọng tài như về thời gian giải quyết, có tới gần 100% các vụ án ở trọng tài là không đủ thời gian, đa số khi giải quyết đều phải có thời gian trên 1 năm; về việc gửi thông báo, quyết định của tòa án thì gần 100% trọng tài không nhận được hủy phán quyết của Tòa án; việc áp dụng pháp luật có sự áp dụng khác nhau về cùng một vấn đề giữa hội đồng xét đơn trong cùng một tòa án và giữa các tòa án…
Tuy nhiên, LS Dương cũng khẳng định, gần đây, một số hạn chế nêu trên cũng đang được dần điều chỉnh. Ví dụ, thời gian giải quyết dù chưa có vụ nào đúng như thời gian đã được nêu ra trong luật trọng tài nhưng đã đảm bảo nhanh hơn.
Việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam cũng còn những hạn chế như thời gian chậm trễ kéo dài, áp đặt ngược lại nghĩa vụ chứng minh, cơ sở pháp lý để từ chối công nhận đơn yêu cầu không tuân thủ đúng Công ước NewYork và Bộ Luật tố tụng dân sự của Việt Nam. Những hạn chế này làm ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà đầu tư/thương nhân nước ngoài kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, đồng thời cũng ảnh hướng bất lợi cho chính các doanh nghiệp trong nước.
Việc công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài có ý nghĩa quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Việc thực hiện tốt công việc này chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Lao Động