Khoảng dăm năm trở về trước, dân ta đổ xô đi mua xe Trung Quốc vì giá rẻ. Nhiều người rõ ràng biết là xe Tàu chất lượng kém, nhưng đúng là điều kiện lúc đó, với số tiền ngần ấy, chỉ đủ mua xe Tàu.
Trên thị trường lúc bấy giờ có bao nhiêu loại xe máy, có bao nhiêu mác xe thì người Trung Quốc nhái đủ cả. Xe Dream, Wave, Future, Best giá cả mấy chục triệu đồng. Mua cái xe Tàu, cũng gắn y mác ấy giá có từ 5 đến 8 triệu.
Xe máy Trung Quốc từng một thời “tung hoành” tại thị trường Việt Nam
Người tiêu dùng chọn mua xe Trung Quốc vì giá rẻ, hợp túi tiền. Nhưng sau một thời gian sử dụng, chất lượng xe kém đã khiến người dân “tẩy chay” loại xe này, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Xe máy Tàu đi được vài năm đã xuống cấp nghiêm trọng, nay hỏng mai hỏng lại còn “ngốn” xăng nên nhiều người quyết tâm đổi xe bằng mọi giá.
Theo anh Hùng – thợ sửa xe tại đường Phùng Khoang – Hà Nội, đây là nơi tập trung nhiều sinh viên nên trước đây mỗi ngày ít nhất tiệm sửa xe của anh cũng có đến 10 chiếc xe “Tàu” mang đến sửa. Anh Hùng chia sẻ, chất lượng xe Trung Quốc kém lắm, nhất là IC của dòng xe này hay hỏng bất ngờ đặc biệt là khi đi đường dài với tốc độ cao.
Không chỉ IC, các bộ phận khác liên quan đến IC như đi-ốt sạc, cuộn điện nguồn, ắc quy, hệ thống dây điện chất lượng cũng rất kém, dẫn đến IC của xe Trung Quốc hay hỏng. Anh Hùng cũng cho biết thêm, một số loại phụ tùng xe Trung Quốc, thông số kỹ thuật không phù hợp, nhiều xe do anh sửa có các chi tiết sai lệch về mặt kích thước. Ngoài ra, nhiều bóng đèn, xi nhan của xe máy Trung Quốc không đạt công suất tiêu chuẩn…
Chất lượng kém là nguyên nhân khiến người tiêu dùng sớm nhận ra mà “kiềng” xe Trung Quốc.
Hết ưu thế giá rẻ
Xe máy Trung Quốc trước kia ồ ạt vào Việt Nam, chiếm lĩnh thị phần, suy cho cùng cũng bởi lý do lớn nhất là giá rẻ. Khi đó, một chiếc xe Wave, Dream Trung Quốc chỉ có giá khoảng 5-8 triệu đồng/chiếc, trong khi Wave, Dream của Honda Việt Nam lúc đó ở mức 27-30 triệu đồng/chiếc, Wave, Dream nhập từ Thái Lan về còn đắt hơn nữa. Vì vậy, với mức thu nhập còn thấp nên phần lớn người tiêu dùng chọn mua xe “Tàu”.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi các hãng xe máy Việt Nam và liên doanh đua nhau giới thiệu nhiều mẫu xe mới với giá cả ngày càng hợp túi tiền của người dân hơn, xe máy Trung Quốc giá rẻ đã không còn hấp dẫn đối với người tiêu dùng.
Xe Tàu giờ không còn ưu thể cạnh tranh giá rẻ
Theo nhiều đại lý, giá xe chính hãng hiện khá rẻ, riêng dòng xe Honda có loại cũng chỉ khoảng 13-14 triệu đồng/chiếc. Dòng SYM, có loại chỉ 11 triệu đồng/chiếc. Thời gian gần đây, khách mua xe thường có xu hướng chọn dòng xe chính hãng vì yên tâm chất lượng, có thời gian bảo hành rõ ràng. Bên cạnh đó, các hãng xe đều kí hợp đồng với nhiều công ty tài chính để làm thủ tục giúp người mua xe có thể vừa được sử dụng xe tốt, vừa có thể trả góp hàng tháng.
Bị cạnh tranh bởi xe chính hãng, giá xe Tàu không những giảm đi mà còn tăng hơn so với trước. Nếu như một chiếc xe Trung Quốc trước đây nhập về cửa hàng, trừ hết mọi chi phí, giá đến tay người dùng chỉ từ 5,5 triệu đồng, thì hiện nay, do giá phụ tùng cao, chi phí vận chuyển và thuế tăng, xe Wave Tàu có giá 7 triệu đồng, Sirius 7,3 triệu đồng, Jupiter 8,5 triệu đồng, Dream giá hơn 10 triệu đồng… cao hơn 1,5 lần so với trước đây.
“Đi về nơi xa”
Sau nhiều năm “làm mưa, làm gió” tại thị trường xe máy Việt Nam, được bày bán tràn lan ở khắp các thành phố lớn, xe Tàu dần bị đẩy về các vùng quê. Song, sự tồn tại của chúng ở đây cũng không được lâu. Những người tiêu dùng dù chưa có điều kiện mua những chiếc xe tay ga đắt tiền, nhưng họ lại có nhiều lựa chọn khác ở các phân khúc xe máy giả rẻ, chính hãng mà không phải “nhắm mắt” mua xe Trung Quốc. Và điều quan trọng hơn cả là họ đã quá “ngán” chất lượng xe Tàu.
Ở thành phố không xong, về quê cũng hết đường. Xe máy Trung Quốc tiếp tục thực hiện một cuộc “di cư” mới, chuyển lên vùng cao, vùng sâu vùng xa để “làm bạn” với bà con các dân tộc thiểu số.
Người dân tộc thiểu số vùng cao phần lớn vẫn dùng xe máy Trung Quốc
Hình ảnh những chiếc Win Tàu, Wave Tàu cùng bà con rong ruổi đến phiên chợ, thồ hàng thay ngựa đã trở thành hình ảnh rất đặc trưng ở vùng cao Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La… Sự tồn tại của những chiếc xe máy Tàu ở đây chỉ có thể lí giải bằng việc, bà con dân tộc chưa được tiếp cận với các loại xe máy chính hãng, nên xe Tàu vẫn là lựa chọn số 1. Thêm vào đó, xe máy Tàu lại quá dễ dàng xâm nhập và tiếp cận với những người dân nghèo nơi đây từ đường nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới.
Trình độ dân trí thấp, không hiểu luật, không bằng lái lại điều khiển những chiếc xe máy kém chất lượng. Đó chính là nguyên nhân khiến giao thông miền núi kém an toàn. Chính sách của Nhà nước, sự quan tâm của các nhà sản xuất xe máy chính hãng có lẽ là chưa đủ lớn để “đuổi” hẳn xe máy Tàu ra khỏi biên giới Việt Nam.