Học viện Âm nhạc Trung ương ở Bắc Kinh – Trung Quốc là nơi sản sinh nhiều nhân tài âm nhạc. Song, hàng loạt xì-căng-đan gần đây cho thấy nạn bè phái và tham nhũng đã vấy bẩn hình ảnh của nhạc viện nổi tiếng này.
Muốn vào Học viện Âm nhạc Trung ương, thí sinh phải trải qua một kỳ thi kiểm tra năng khiếu trước ban giám khảo – các vị giáo sư được coi là khả kính. Tuy nhiên, trong lúc trà dư tửu hậu, một vị giáo sư giấu tên của nhạc viện tiết lộ : “Mỗi cuộc kiểm tra là một dịp mạnh ai nấy lo kiếm tiền. Sinh viên và phụ huynh phải dùng “hồng bao” kính biếu các vị giám khảo. Vài tuần trước khi thi, tôi nhận được nhiều cú điện thoại của phụ huynh ở vùng Đông Bắc hỏi cách xoay xở. Họ là những người có nhiều tiền, sẵn sàng làm mọi thứ miễn là con cháu mình được vào nhạc viện”.
“Chấm mút” khi tuyển giảng viên
Dẫu biết rằng môi trường giáo dục nào cũng có vài “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng chuyện tiêu cực ở Học viện Âm nhạc Trung ương bắt nguồn từ cơ chế tuyển dụng đội ngũ giảng dạy – bao gồm giáo sư, phó giáo sư và giảng viên ở các khoa. Không giống các nước, trong 63 năm lịch sử nhạc viện này, việc tuyển chọn thầy dựa theo nguyên tắc “cây nhà lá vườn” là chính, chủ yếu lấy từ lớp đào tạo tiến sĩ của học viện.
“Nữ hoàng” trống Wang Beibei Ảnh: ICARTIST
“Hầu hết cán bộ giảng dạy ở đây không phải là dân chuyên nghiệp có tiếng tăm trong giới nghệ sĩ biểu diễn. Mới tuần trước còn là sinh viên, qua tuần sau họ đã bước lên bục giảng làm thầy” – một vị giáo sư của nhạc viện cho biết.
Do đó mới có chuyện nghệ sĩ bộ gõ Wang Beibei nổi tiếng thế giới 2 lần từ London – Anh về nước với ý định làm giảng viên Học viện Âm nhạc Trung ương nhưng đều bị từ chối, gần đây nhất là vào tháng 7/2013. Bức xúc, cô đã viết thư ngỏ trên mạng xã hội Weibo tố cáo học viện “chấm mút” khi tuyển giảng viên.
GS Liang Maochun và sinh viên Wang Jiajong Ảnh: INTERNET
Wang vốn là thần đồng âm nhạc, học nhạc cụ gõ và piano từ năm 6 tuổi. Cô đoạt huy chương vàng đầu tiên tại một cuộc thi âm nhạc quốc gia Trung Quốc năm 15 tuổi. Wang tốt nghiệp cử nhân bộ gõ ở Học viện Âm nhạc Trung ương năm 2008, sau đó sang Anh học tiếp bằng thạc sĩ ở Viện Hàn lâm Âm nhạc Hoàng gia và tốt nghiệp năm 2011.
Trước đó 2 năm, Wang từng đoạt quán quân cuộc thi đánh trống Hồng Kông lần thứ 7 và được mời biểu diễn solo với dàn nhạc giao hưởng Hồng Kông – Trung Quốc. Năm 2012, tên cô được ghi vào danh sách 50 nhạc sĩ ưu tú của Bộ Văn hóa Trung Quốc. Vậy mà, khi nộp đơn làm giảng viên bộ gõ của Học viện Âm nhạc Trung ương, cô không thắng nổi một sinh viên mới tốt nghiệp nhạc viện này!
“Họ bảo tôi “giỏi nhất” không có nghĩa là “phù hợp nhất”. Điều này thật trái với tiêu chí tuyển chọn thầy theo phẩm chất ở nước ngoài” – Wang ngao ngán. Theo cô, không minh bạch chính là cốt lõi của vấn đề. Bức thư ngỏ của nghệ sĩ này đã thu hút 1,2 triệu người đọc. Trong khi đó, một vị giám khảo của nhạc viện phản pháo rằng tố cáo của cô Wang thiếu chứng cứ, chỉ có thể là “giận dỗi kiểu con nít”.
Bình luận vụ xì-căng-đan này, tuần báo Âm Nhạc viết: “Nói về chuyện bất minh không có gì mới, nhất là ở những nơi như nhạc viện. Tuy nhiên, nếu cô Wang không lên tiếng thì không ai biết những luật lệ bất thành văn và ai đang chơi trò đó ở Học viện Âm nhạc Trung ương”.
Hối lộ và sex
Trường hợp như nghệ sĩ Wang Beibei không phải là hiếm. Năm 2009, Thượng Hải Nhật báo đưa tin ông Liang Chunmao – 70 tuổi, một vị giáo sư khả kính có tên tuổi dạy nhạc sử ở Học viện Âm nhạc Trung ương – thú nhận được nữ sinh viên Zou Jiajong hối lộ tiền (100.000 nhân dân tệ) và tình. Đổi lại, với tư cách là giám khảo, ông hứa sẽ giúp cô này thi đậu lớp đào tạo tiến sĩ của nhạc viện. Kết quả, Zou đã bị đánh rớt vì có 4 vị giám khảo khác cho điểm thấp.
Thế là Zou cô nương bắt đầu “quậy” thầy Liang ngay trong Học viện Âm nhạc Trung ương. Zou dọa tung lên mạng giấy chuyển tiền nếu GS Liang không làm rõ vụ đánh rớt cô.
GS Liang buộc phải tự kiểm trước lãnh đạo học viện và nhận án kỷ luật nội bộ, đồng thời trả lại số tiền tương đương 21.620 USD cho Zou. Tuy nhiên, người phát ngôn của nhạc viện đã cố giảm nhẹ vụ việc khi nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1950, học viện có chuyện đáng tiếc thế này”.
Riêng năm 2012, tại Học viện Âm nhạc Trung ương đã xảy ra 3 vụ tham nhũng và sex. Tháng 5, GS Li Kai dạy ghi-ta bị đuổi việc vì lăng nhăng với nhiều sinh viên. Tháng 6, đến lượt GS Cao Xiaoqing bị một phụ huynh đánh trọng thương vì tòm tem vợ ông này với lời hứa giúp con gái họ thi đậu nhạc viện.
Nghiêm trọng nhất là vụ GS Wu Long – dạy piano, người Mỹ gốc Hoa 52 tuổi – nhảy từ lầu 17 tự tử vì bị nhạc viện từ chối ký tiếp hợp đồng – đồng nghĩa với việc mất visa lao động, không thể dạy trường khác. Nhạc viện cho rằng GS Wu mắc chứng trầm cảm nhưng bà Wang Lin, vợ ông, khẳng định do chồng mình không chịu hối lộ khi thương thảo ký hợp đồng mới sau 8 năm dạy học. “Đây là cái giá chúng tôi phải trả sau khi hồi hương” – góa phụ Wang than thở.
Kỳ tới: “Yêu râu xanh” đội lốt thầy
Quái vật không đầu” Những chuyện tiêu cực như nêu trên tại sao có thể tồn tại lâu dài ở Học viện Âm nhạc Trung ương? Một vị giáo sư giải thích rằng các nhạc viện ở Trung Quốc hoạt động theo cơ chế tự chủ, đồng nghĩa với việc ít bị giám sát. Là nhạc viện hàng đầu, Học viện Âm nhạc Trung ương càng giống một “quái vật không đầu” – trách nhiệm thuộc về tập thể, không cá nhân nào chịu gánh vác một mình. “Vậy đó, nhưng nếu ai làm khác thì sẽ có chuyện ngay” – một giáo sư bức xúc. |
2013-10-17 17:40:09
Nguồn: http://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/xi-cang-dan-giao-duc-trung-quoc-c216a580688.html